Thứ tư, 16/2/2011, 14h02

Giáo viên THCS, THPT phải phân tích được đặc điểm tâm sinh lý học sinh

Giáo viên THCS và THPT phải phân tích được các đặc điểm tâm sinh lý của học sinh để vận dụng vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh ở giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi. Ảnh: N.Anh
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình khung bồi dưỡng thường xuyên giáo viên THCS và THPT nhằm giúp giáo viên bồi dưỡng nâng cao trình độ về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Theo dự thảo, trong một năm học mỗi giáo viên THCS và THPT phải thực hiện bồi dưỡng 120 tiết (60 tiết bắt buộc và 60 tiết tự chọn). Đối với giáo viên THCS phải phân tích được các đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THCS để vận dụng vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh ở giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi (từ 11 đến 15 tuổi). Ngoài ra, giáo viên THCS xây dựng môi trường học tập cho học sinh THCS như tạo dựng môi trường học tập dân chủ, thân thiện, hợp tác, cộng tác, thuận lợi, an toàn và lành mạnh; khuyến khích học sinh mạnh dạn, tự tin, không chỉ trả lời các câu hỏi của giáo viên mà còn nêu thắc mắc và trình bày ý kiến của mình… Riêng giáo viên THPT, ngoài kỹ năng phân tích được các đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THPT để vận dụng vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh (lứa tuổi từ 16 đến 18 tuổi) thì phải có kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm, như kĩ năng cần thiết khi giải quyết tình huống, phân tích và giải quyết một số tình huống điển hình trong công tác chủ nhiệm ở trường THPT. Ngoài ra, giáo viên THPT phải biết đề ra phương pháp và kỹ thuật hướng dẫn, tư vấn cho học sinh THPT như phương pháp và kỹ thuật nghe giảng ở lớp, nắm chắc bài giảng và cách ghi nhớ lâu, cách ghi những trọng tâm của bộ môn; sử dụng thiết bị dạy học truyền thống với thiết bị dạy học hiện đại để làm tăng hiệu quả dạy học…
T.B