Chủ nhật, 5/2/2012, 22h02

Mạo danh VIP - Những câu chuyện cười ra nước mắt

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, có lẽ là người bị đối tượng mạo danh là cháu họ, em họ… nhiều nhất trong năm. Đến mức, một tờ báo đã chạy bài với dòng tít ấn tượng: “Tướng Nhanh bị “mạo nhận” bao nhiêu lần trong năm 2011?”.

1. Rộ lên nhiều nhất là từ giữa năm khi Công an TP Hà Nội triển khai kế hoạch 141 thành lập các tổ công tác đặc biệt gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động ráo riết kiểm tra xử lý các đối tượng điều khiển xe ô tô, xe máy vi phạm trên đường phố. Cứ dăm bảy ngày lại thấy báo chí đưa tin. Khi thì một đối tượng ở phường Phú Thượng vi phạm giao thông bị tổ công tác 141 xử lý thì đe dọa: “Tôi là cháu chú Nhanh đây!”.
Lúc lại một đối tượng khác, nhà ở Hải Phòng, lái xe vi phạm giao thông ở Hà Nội, có hành vi chống đối lại lực lượng chức năng, khi bị tổ công tác 141 khống chế đưa về Phòng Cảnh sát Hình sự giải quyết thì bấm điện thoại gọi cho người thân lảm nhảm nhờ “thông báo cho chú Nhanh biết để chú ấy cho một số CSGT nghỉ việc”. Có đối tượng vi phạm lúc bị bắt giữ đã hung hăng xưng là “cháu chú Nhanh” rồi hùng hổ xông vào định tát cả CSGT.
 
Kẻ lớn tiếng đe dọa: “Tôi là cháu chú Nhanh đây” bị đưa về cơ quan công an.
Nhưng tức cười nhất là vụ việc xảy ra chiều 13/12/2011. Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh kể lại mà vẫn còn bức xúc: “Tôi lúc đó đang đi công tác ở nước ngoài thì nhận được thông tin có một thanh niên trẻ đi cùng 2 cô gái trên một chiếc ô tô sang trọng nhưng không có BKS. Nhưng khi tổ công tác 141 yêu cầu xuống xe để xuất trình giấy tờ thì những người này cao giọng bảo họ là người nhà chú Nhanh và chú Chung (tức Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Công an TP). Dù đang ở nước ngoài, tôi lập tức điện thoại về cho anh em trong tổ công tác, chỉ đạo phải xử lý nghiêm nhóm thanh niên này. Tôi khẳng định họ không có quan hệ gì với gia đình tôi”.
Vụ việc, sau đó đã được chuyển về Phòng Cảnh sát Hình sự. Thượng tá Đào Thanh Hải cho biết, đó là chiếc xe BMW X6 màu đen không biển kiểm soát, chở 4 người trên xe đi từ hướng Âu Cơ - Thanh Niên. Khi tổ công tác 141 ra hiệu lệnh dừng xe thì vừa xuống xe, nam thanh niên lái xe và phụ nữ ngồi ghế phụ lập tức giới thiệu là người nhà bác Nhanh và anh Chung rồi đùng đùng bỏ đi nơi khác bỏ lại chiếc xe BMW X6.
10 phút sau, khi CSGT lập biên bản “xe vô chủ” đỗ giữa đường, thì những người đi trên xe BMW X6 trở lại và  người điều khiển xe đã đứng ở đầu xe, quay mặt về phía tổ công tác nhổ nước bọt. Nam thanh niên điều khiển xe BMW X6 trên được làm rõ là Nguyễn Thanh Quang (27 tuổi, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Còn người phụ nữ kia được xác định là Vũ Lan Anh, giám đốc một công ty tư nhân ở Hà Nội. Hiện cơ quan công an đang điều tra làm rõ hành vi cản trở người thi hành công vụ của nhóm người này.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định, tất cả những trường hợp nêu trên chỉ là mạo nhận. Trung tướng quán triệt quan điểm từ Bộ xuống Công an TP là không được phép can thiệp vào việc xử lý các trường hợp vi phạm giao thông. Ông cho hay, ông đã lệnh cho tất cả hệ thống điều tra của Công an Hà Nội, nếu phát hiện trường hợp CBCS nào can thiệp, sẽ xử lý kỷ luật ngay.
Nói về cảm giác ra sao khi bị nhiều người mạo nhận là cháu, là em, là người thân đến thế, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cười, bảo: “Chuyện đó cũng chả có gì là lạ. Không phải riêng tôi mà nhiều người có chức vụ khác cũng bị mạo danh”.
2. Thực tình thì không phải bây giờ mà từ lâu, mạo danh đã là một thủ đoạn lừa đảo nhằm mục đích trục lợi. Người bị mạo danh thường là những cán bộ có chức vụ ở nhiều ban, ngành hoặc người nổi tiếng. Hầu như năm nào cơ quan điều tra cũng phát hiện được những vụ phạm tội kiểu đó.
Trương Công Thành, 51 tuổi, một thợ photocopy ở Thái Bình đã mạo danh là Trưởng ban quản lý các dự án của Bộ Tài chính khi giao dịch với một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi và hứa sẽ duyệt cho công ty này được vay 20 tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Kẻ mạo danh này đã đóng vai kịch hoàn hảo đến nỗi công ty này tưởng 20 tỷ đã sẵn sàng ở kho bạc, chờ người đến làm thủ tục chuyển về Quảng Ngãi là xong nên đã đánh đường ra tận Hà Nội gặp Thành lót tay nhiều triệu đồng.
Nhưng tiền lo lót thì đút túi rồi mà hai ngày vẫn chỉ thấy Thành vật vờ ở quán cà phê đối diện cổng Bộ Tài chính, thủ tục nhận khoản tiền 20 tỷ mãi chưa xong nên đánh liều vào Bộ Tài chính hỏi mới té ngửa khi biết sự thật. Trương Công Thành bị Công an Hà Nội bắt giữ ngay sau đó và vở kịch lừa đảo buộc phải hạ màn.
Tương tự, mới đây, Toà án NDTP Hà Nội đã tuyên phạt Đào Ánh Dương, 27 tuổi, quê ở huyện Phúc Thọ, 7 năm rưỡi tù giam vì tội lừa đảo. Không trình độ, nghề nghiệp, Dương rời quê ra Hà Nội lập ra công ty tư nhân, đặt tên rất cầu kỳ là “Công ty Tam Trụ Thành Sơn” rồi nhảy tót lên ghế giám đốc. Công ty nghe tên thì hoành tráng thế nhưng thực tình thì chả kinh doanh gì mà mục đích chỉ nhằm để cho dễ bề lừa đảo. Cũng phải nói thêm rằng, tuy là trai quê nhưng trông Dương rất bệ vệ, sung túc.
Hôm ra Toà, đứng trước vành móng ngựa mà Dương vẫn ăn diện ngất trời, áo sơ mi đóng thùng chỉnh tề, dáng người cao to, nói năng trôi chảy, lên bổng xuống trầm. Thế cho nên khi làm Giám đốc Công ty Tam Trụ Thành Sơn, Đào Ánh Dương lúc nào cũng khoe khoang là cháu ruột của một vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP, có nhiều mối quan hệ giúp biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể thì nhiều người tin sái cổ.
Tin vào những lời đường mật của Dương, tin vào cái mác cháu ruột của Phó Chủ tịch Ủy ban, nhiều người đã rút hầu bao đưa cho Dương cả tỷ đồng để chạy trường, xin việc làm, làm sổ đỏ. Việc gì Dương cũng hứa lo được tuốt. Cho đến khi Dương bị Công an Hà Nội bắt thì bộ mặt thật của kẻ lừa đảo này mới được làm rõ. Hoá ra, Dương chả có mối liên hệ họ hàng gì với đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Những lời hứa chạy trường, xin việc làm, làm sổ đỏ chỉ là thủ đoạn lừa đảo để lấy lòng tin.
3. Những vụ việc lừa đảo kiểu như đã nêu trên đăng tải đầy rẫy trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn mắc lừa. Thủ đoạn “cáo mượn oai hùm” không mới nếu không muốn nói là rất cũ, sao vẫn bẫy được nhiều người đến thế? Do ngón nghề của bọn lừa đảo quá điêu luyện hay do sự cả tin đến ngu ngơ của nạn nhân?
Mấy năm trước, tại Toà soạn ANTG, tôi đã từng tiếp một nữ doanh nhân. Chị là nạn nhân của vụ lừa đảo khá nổi đình nổi đám lúc bấy giờ. Xinh đẹp, nhanh nhẹn, nói năng rành rẽ, hoạt bát, lại là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, cho đến khi mắc bẫy lừa chị mới nhận ra rằng bởi chị cả tin. Trần Minh Tuấn, kẻ cầm đầu nhóm lừa đảo thực ra là Tăng Đình Hứa, từng có 2 tiền án.
Để che giấu nhân thân không lấy gì làm tốt đẹp này, Hứa đã làm giả một tấm giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Minh Tuấn do Công an tỉnh Hải Dương cấp. Sau đó, Hứa mượn giấy chứng minh sĩ quan của một trung tá về hưu rồi tẩy xóa, sửa tên thành Trần Minh Tuấn, cấp bậc thành trung tướng, rồi dán ảnh của mình vào. Tấm giấy chứng minh nhân dân giả và tấm thẻ trung tướng rởm này, Tuấn biến thành công cụ để lừa đảo, tạo lòng tin cho đối tác, trong đó có chị.
Chị cứ đinh ninh rằng, Tuấn là trung tướng về hưu thật. Chị kể, khi đến trụ sở công ty Đại Tây Dương nơi ông ấy làm giám đốc, ông Tuấn còn trưng ra một số bức hình ông ta mặc quân phục tướng nom rất đạo mạo và cả tấm thẻ trung tướng. Ông ấy còn khoe rằng tất cả lãnh đạo TP và nhiều Bộ, ngành đều là bạn bè ông ấy cả(?!). Hai dự án xây dựng lớn ở Hà Nội là dự án tổ hợp nhà ở văn phòng trên đường Hoàng Quốc Việt và dự án Lâm Hoa Viên ở Đông Anh mà Công ty Đại Tây Dương có được cũng là nhờ vào nhân thân “hoành tráng” và các mối quan hệ VIP của ông ấy.
Thế là chị tin và giao cho ông ấy nhiều tỷ đồng để góp vốn làm dự án mà không hề kiểm tra lại tất cả những điều ông ấy nói. Cho mãi đến khi tiền trao rồi mà mãi chả thấy dự án khởi động chị mới sinh nghi đi dò hỏi thông tin về “trung tướng Tuấn” thì hoá ra không phải. Không có “trung tướng Tuấn” nào ở Hải Dương cả vào Công ty Đại Tây Dương đó cũng chả có dự án nào ở đường Hoàng Quốc Việt và Đông Anh.
Chị đau lắm, mất một đống tiền như thế, ai chả xót xa nên cứ trách mình hoài. Tôi hỏi, chỉ có mấy tấm hình mặc quân phục trung tướng với tấm thẻ trung tướng tẩy xoá vụng về, nhìn bằng mắt thường đã thấy nó mờ mờ, dài dại thế mà chị lấy làm tin để yên tâm giao cho họ số tiền lớn thế ư, chị chỉ còn biết cười buồn. Vụ án lừa đảo ấy sau này được cơ quan An ninh điều tra làm rõ. Kẻ giả danh trung tướng quân đội Tăng Đình Hứa bị đưa ra xét xử với mức án 23 năm tù giam, nhưng hậu quả về kinh tế thì hầu như không khắc phục được. Kết cục, chị mất một số tiền lớn bởi sự cả tin.
Theo Tô Ngọc Huyền Thi
(ANTG cuối tháng)