Thứ sáu, 3/8/2012, 15h08

Nguyễn An Ninh - Ước mơ làm “cơn gió thổi”…: Kỳ 2: Dòng dõi có tâm với nghề dạy học

Bà Minh lần giở những trang tư liệu về người cha kính yêu của mình

Nguyễn An Ninh thuộc dòng tộc họ Đoàn ở miền Bắc. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, vì chống lại triều đình mà dòng dõi bị tội xử chém rồi trôi dạt vào Nam, đổi thành họ Nguyễn.
Vào Nam khai hoang lập làng
Để tìm hiểu cội nguồn của cụ Nguyễn An Ninh, tôi đã tìm gặp được bà Nguyễn Thị Minh, con gái thứ 5 của ông hiện đang sống ở khu nhà 357A, đường Nguyễn Trọng Tuyển, P.1, Q.Tân Bình TP.HCM. Bà Minh nay đã 77 tuổi nhưng nhanh nhạy, hoạt bát và đặc biệt là rất minh mẫn. Bà Minh kể lại: “Ông nội của ba tôi sinh năm 1824, tên Nguyễn An Nghi. Gốc tổ của ông Nguyễn An Nghi ở miền Bắc. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, do chống lại triều đình mà các ông bị tội xử chém”. Sau đó họ trôi dạt vào Bình Định. Từ gốc gác họ Đoàn đổi thành họ Nguyễn. Ông cố của Nguyễn An Ninh tên Đoàn Công Hòa, cháu gọi bà Đoàn Thị Điểm bằng cô ruột. Đoàn Công Hòa là em út của 4 anh em trai, họ chiêu tập nghĩa binh chống lại chúa Trịnh. Đoàn Công Hòa vào Nam đổi là Nguyễn Chuẩn Trực. Ông Nghi sinh tại Bình Định, làm Lý trưởng phủ An Nhơn khi đã có vợ và 3 con. Mặc dù không màng đến chức quyền, danh lợi nhưng ông Nghi làm Lý trưởng theo yêu cầu của dòng họ trong làng. Ông Nghi nổi tiếng giỏi Hán học, võ nghệ và y học cổ truyền. Y học là nghề của dòng họ nhiều đời.
Dưới thời vua Tự Đức, dân Nam Kỳ được phép lập đồn điền (lúc Pháp chưa chiếm Nam Kỳ). Đó là lý do thôi thúc ông Nghi vào vùng Phước Lý (địa phương nằm giữa Chợ Đệm và Tân An), thuộc tỉnh Chợ Lớn sinh sống và gầy dựng sự nghiệp. Tại đây ông lập gia đình với bà Dương Thị Tiền. Ông Nghi chí thú làm ăn với mong ước tạo lập đồn điền. Chỉ một thời gian ngắn định cư thì Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông Nghi tham gia nghĩa binh của Tướng quân Trương Định. Tướng quân hy sinh, nghĩa quân cũng tan rã nên ông Nghi dắt díu vợ con về Phước Quảng (nay thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Phước Quảng là nơi mà dòng họ của bà Dương Thị Tiền đến lập nghiệp trước đó.
Ông Nghi mất năm 1886, để lại 3 người con là Nguyễn Thị Xuyên (sinh năm 1856), Nguyễn An Khương (sinh năm 1860) và con út Nguyễn An Cư (1864). Bà Xuyên là con gái đầu nhưng lại là con thứ 5 của ông Nghi và bà Tiền (khi còn ở Bình Định, ông Nghi đã có vợ và 3 người con). Trước khi mất, ông Nghi truyền nghề y cho hai con trai nhưng tin tưởng ở Nguyễn An Khương hơn nên truyền tất cả bí quyết về các bài thuốc hiếm, giải độc khi cần kíp. Ông Nghi mất, con trai Nguyễn An Khương dẫn dắt gia đình về Tân An sau thời gian tìm hiểu về địa thế. Ông Khương sáng dạ, có tâm với nghề dạy học. Mục đích về Tân An là vì nơi này dân cư đông, tiện việc mở trường dạy học. Theo lời dặn của cha ngày trước, ông Khương vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh không lấy tiền. Thừa hưởng gen di truyền từ cha, ông Khương thông minh, giỏi chữ Hán. Ông đã dịch bộ sách đầu tiên ra chữ quốc ngữ là Tam quốc diễn nghĩa. Bộ sách này có sự đóng góp của chị Xuyên và em trai là ông Cư. Ông dịch sách, tự biên soạn các gương hiếu nghĩa, hiếu học của con trẻ thành một tập sách để dạy học. Ông đặt tên tập sách là Mong học thê giai, có nghĩa là từng bậc thang cho trẻ leo lên kiến thức. Ông quan niệm dạy học là người kiến trúc những nấc thang về kiến thức cho trẻ làm theo. Ông đã dành nhiều tâm sức để hoàn thành và cho in tập sách này.
Khách sạn Chiêu Nam Lầu
Thời gian sinh sống ở Tân An, bà con cảm kích tấm lòng thơm thảo, tài đức vẹn toàn của thầy Khương và gia đình. Ông Hội đồng Trương Dương Lợi ở Cần Giuộc cho người đến mời Nguyễn An Khương về nhà, ý muốn gả con gái tên Trương Thị Ngự (sinh 1837, tức nhỏ hơn ông Khương đến 13 tuổi) cho Nguyễn An Khương. Ông Hội đồng Trương Dương Lợi, sinh 1840, là một thợ bạc. Sau nhiều năm tích lũy, ông Lợi mua hơn trăm mẫu ruộng tại làng Long Thượng, tổng Phước Điền, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ông Lợi đưa gia đình về đây, thôi làm nghề thợ bạc, xây chợ, cất nhà cho thuê và được tước hiệu Hội đồng. Theo bà Minh, cháu gọi ông Nguyễn An Khương bằng nội thì bà Ngự không đẹp nhưng được cái nết na, làm lụng giỏi giang. Lúc về làm dâu, bà Ngự vừa tròn 18 tuổi. Ông Khương và bà Ngự có với nhau 4 người con nhưng đã mất 3 (con đầu Nguyễn An Thái (1892-1905); con kế Nguyễn An Thường mất lúc chưa tròn tuổi, con thứ ba Nguyễn Thị Năng mất từ nhỏ). Còn lại người con duy nhất là Nguyễn An Ninh (1900-1943).
Năm 1896, ông Nguyễn An Khương rời Long Thượng cùng vợ và con trai đầu Nguyễn An Thái lên Sài Gòn làm ăn để tiện bề lo cho con ăn học. Tuy nhiên, mục đích chính lên Sài Gòn của ông bà Khương là để tìm cách giúp thanh niên yêu nước xuất dương sang Nhật học. Ông Khương thuê hai căn nhà mặt phố ở đường Kênh Lấp (nay là Nguyễn Huệ) để mở tiệm may và làm khách sạn cho thuê. Bà Minh kể: “Về sau, ba má tôi quen với ông Diệp Văn Kỳ (chủ nhà in báo) và nghe ông nói lại: “Nghe tiếng bà Khương may vá khéo nên vua Thành Thái trước khi đi đày sang đảo Réunion đã đến may cả chục áo dài gấm””. Chẳng lâu sau, tiệm may của ông bà Khương được nhiều người biết đến. Để khuếch trương làm ăn, ông bà lại mở thêm tiệm cơm và mở rộng khách sạn lấy tên Chiêu Nam Lầu. Hoạt động của Chiêu Nam Lầu không vì mục đích kinh doanh mà vì mục đích giúp cho thanh niên yêu nước muốn xuất dương sang Nhật học (trong phong trào Đông Du) để giúp nước. Chiêu Nam Lầu là địa chỉ gặp gỡ, tá túc của những nhà yêu nước mọi miền. Từ ngày thành lập Chiêu Nam Lầu, ông Khương kết thân với nhiều thương gia và điền chủ. Ông thân với Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Chánh Sắt và là bạn của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Huy… Vừa chú tâm cho hoạt động của Chiêu Nam Lầu, ông Khương còn tuyên truyền cho phong trào Duy Tân và truyền bá tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Kỳ 3: “Thủ lĩnh” nhí