Thứ năm, 7/6/2012, 17h06

Bài dự thi “Từ hình ảnh người mẹ suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình”: Học gì ở mẹ?

Tôi sẽ chăm sóc và dạy các con nên người giống như mẹ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Ai cũng tưởng tôi giống như mọi người con gái khác, bối rối khi mới bước về nhà chồng, tạm biệt người thân trong ngày tân hôn của mình khi tiệc tàn… và họ chuẩn bị bao nhiêu lời khuyên với cô dâu - là tôi - khi tôi khóc…
Tuy nhiên, mắt tôi ráo hoảnh và ngắm nhìn mọi người khóc… vì tôi. Cô Kiển - người lớn tuổi, ở trường các cô giáo trẻ đều gọi bằng má - thầm thì: Không biết nó làm dâu được không? Các bạn tôi có đứa buồn rười rượi vì từ giờ tôi bớt tự do để đi uống cà phê, đánh bóng bàn cùng chúng… Mặc cho mọi người lo, tôi cứ vô tư cười nói với ý nghĩ trong đầu: Nhà gần mà, về giờ nào lại không được. Có người bạn đã lo lắng cho tôi biết trước khi cưới: “Tao nghe nói bà già chồng mày khó số 1… Đã vậy, chồng mày được bà cưng nhất nhà, lấy nó thế nào mày cũng bị để ý cho coi”. Ngay cả chồng tôi cũng đã từng “hù” tôi về mẹ chồng tương lai… Nhưng tôi vẫn cảm thấy bình chân như vại. Chẳng qua là mọi người cứ thích suy nghĩ rối rắm nên cuộc sống mới phức tạp chứ có gì đâu mà phải sợ, cứ để từ từ xem sao, tôi nghĩ vậy và ung dung về nhà chồng.
Đúng như mọi người đồn đoán, mẹ chồng tôi quả là người “kỹ tính”. Ngày nào cũng vậy, bà hay hỏi thăm như ra lệnh: Sao không nấu cơm cho nó (chồng tôi) ăn, sao không giặt đồ cho nó, sao không kêu nó về sớm để nó nhậu hoài, gọi điện cho nó về đi! Tôi trả lời ngọt xớt: “Dạ, để con gọi”, nhưng tôi đâu có gọi vì không muốn học cái “kỹ tính” của bà… Nói rồi tôi đi soạn bài, còn bà ngồi canh cửa, bà ngáp ngắn ngáp dài, rồi bà chửi: “Thằng quỷ sứ… nhốt mày luôn”. Nói như thế nhưng làm sao bà dám bỏ rơi thằng con trai yêu quý của mình ngoài cửa. Bà đóng cửa nhưng kiếm cái gì đó để làm và nghe ngóng tiếng con trai kêu cửa.
Riêng tôi, tuy mới về nhà chồng nhưng đã biết anh có một con đường vào nhà rất ư là “tài”, đó là… leo lầu! Cạnh cửa phòng ngủ của chúng tôi là một trụ đèn, anh đã làm dã chiến các cọc leo… vì thế anh leo rất dễ dàng. Và tôi là thủ phạm mở cửa cho anh vào mà không hề méc mẹ, vì tôi biết những ngày tháng yêu nhau, anh cũng đã trốn bà đi như thế.
Cuộc sống hàng ngày không khó để tôi nhận ra sự thương yêu, lo lắng vô hạn của mẹ dành cho con mình. Con trai đã trưởng thành, đã có vợ vậy mà mẹ còn ngày đêm trông ngóng, lo con về khuya sẽ ngủ không đủ giấc, sợ con đi nhậu rồi sa ngã, sợ khi anh say xỉn hai vợ chồng sẽ sinh ra những đứa con không khỏe mạnh… Là dâu trong gia đình, tôi không dám tranh luận với mẹ chồng vì bà là thế hệ trước còn tôi là một phụ nữ hiện đại. Là người đi làm tôi hiểu được mối quan hệ xã hội của anh, sống phải có giao tiếp. Ban ngày tôi đi làm, ban đêm có thể bạn bè rủ nhau uống ly cà phê hay đi chơi đâu đó… Còn anh có tiệc uống vài ly bia với bạn bè cũng là bình thường. Nhưng mẹ chồng tôi thì nghĩ khác, mới có tám rưỡi tối, bà đã khép cửa bắt chúng tôi ngủ thì buồn thật. Chiều lòng bà, chúng tôi cũng làm thế nhưng thật tình tôi đã dung túng cho anh, lén mở cửa khi anh cần.
Trong cuộc sống cũng đã có biết bao sự va chạm giữa mẹ chồng và con dâu, nhưng tôi không dám kể với chồng vì sợ anh buồn và khó xử: Không biết bênh mẹ hay bênh tôi? Mẹ chồng tôi mất đã lâu, tối tối tôi và anh vẫn thường cắm cây nhang cho mẹ ấm lòng. Nhìn lên bàn thờ của mẹ, ánh mắt mẹ như mỉm cười với tôi, hẳn mẹ rất vui vì tôi đã sinh cho mẹ hai đứa cháu thật xinh - một trai, một gái. Hẳn mẹ rất yên lòng vì tôi đã giữ chân anh ấy suốt bao nhiêu năm trời mà anh không sa ngã. Nhìn hình ảnh anh luôn quyến luyến bên bàn thờ mẹ, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Khác với mẹ, đóng vai trò là một người nội trợ, tôi có việc làm ngoài xã hội, nên cũng có lúc không thể lo tròn cho chồng trong bữa ăn, giặt giũ áo quần… mà ngược lại, có khi chồng còn lo lại cho vợ. Tôi thật áy náy vô cùng khi mẹ phải chứng kiến điều ấy. Tôi biết mẹ đau lòng, nhưng mẹ không buồn, vì thế hệ con, vợ chồng bình đẳng, cùng lo cho nhau, miễn gia đình hạnh phúc.
Đối với con cái, tôi cũng sẽ như mẹ: Chăm sóc và dạy dỗ chúng nên người bằng những lời giáo huấn, bằng những tấm gương của mọi người xung quanh, bằng gương chăm làm việc, học tập của cha mẹ… Tình yêu và sự chung thủy của vợ chồng tôi, tôi hi vọng cũng sẽ là niềm vui dành cho mẹ, cho các con…
Trần Mỹ Lệ
(Trường Tiểu học Bình Quới, Thủ Đức)