Thứ bảy, 31/12/2011, 10h12

Bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp sư phạm cho GV tiểu học

BÀI 1: Các kĩ năng nghề nghiệp đặc thù cần có 

Cần chú trọng đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp dạy học đặc thù cho GV tiểu học. Ảnh: Q.N

Trong môi trường học đường, kĩ năng giao tiếp nói chung, giao tiếp sư phạm (GTSP) nói riêng là hoạt động diễn ra một cách thường xuyên, liên tục với tần suất rất cao. Đối với ngành giáo dục tiểu học, do chịu sự qui định và chi phối bởi các đặc điểm, đặc trưng xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, kĩ năng GTSP của giáo viên (GV) luôn gắn với những mục đích và yêu cầu rất riêng biệt.
Do đó, công tác bồi dưỡng các kĩ năng này cho đội ngũ GV đòi hỏi phải có sự nhận thức thấu đáo, đi kèm với các giải pháp cụ thể để không ngừng phát huy vai trò, tầm quan trọng và hiệu năng của nó trong điều kiện hiện nay.
Vai trò của GTSP
Đối với khái niệm GTSP, các nhà nghiên cứu về giáo dục đã thống nhất định nghĩa như sau: GTSP là giao tiếp có tính nghề nghiệp giữa GV với học sinh (HS) trong quá trình giảng dạy (giáo dưỡng) và giáo dục, có chức năng sư phạm nhất định, tạo ra những tiếp xúc tâm lí, xây dựng không khí thuận lợi, cùng các quá trình tâm lí khác (chú ý, tư duy…) có thể tạo ra kết quả tối ưu của quan hệ thầy trò, nội bộ tập thể HS và trong hoạt động dạy cũng như hoạt động học. GTSP trong hoạt động sư phạm có vai trò và tầm quan trọng rất đặc biệt. Bởi vì GTSP vừa là điều kiện đảm bảo hoạt động sư phạm; vừa có một vị trí quan trọng trong cấu trúc năng lực sư phạm của người GV; là phương tiện thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và phát triển và là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách. PGS.TS Nguyễn Bá Minh, trong tác phẩm “Tâm lý học tiểu học và giao tiếp sư phạm”đã chỉ rõ ba đặc trưng cơ bản của GTSP gồm: GV (chủ thể gián tiếp) không chỉ giao tiếp với HS qua nội dung bài giảng, tri thức khoa học, mà còn là tấm gương sáng mẫu mực về nhân cách cho HS noi theo; thầy giáo cần sử dụng các biện pháp giáo dục tình cảm, thuyết phục vận động, cảm hóa (thay vì dùng biện pháp đánh đập, hành hạ, trù dập HS); sự tôn trọng của Nhà nước và xã hội đối với GV. Theo đó, các nguyên tắc chủ yếu của GTSP là: mang tính chất bền vững, ổn định, chỉ đạo, định hướng điều chỉnh các phản ứng, hành vi của GV và HS trong quan hệ thầy trò; được hình thành từ thói quen, sự rèn luyện trong nghề nghiệp, vốn sống kinh nghiệm cá nhân (thâm niên nghề nghiệp); nền tảng của mọi nguyên tắc GTSP của GV đối với HS là “Tất cả vì HS thân yêu - yêu thương HS như chính con em mình”.
GTSP vốn có hình thức rất phong phú và đa dạng, nếu căn cứ vào môi trường giáo dục, có hai hình thức giao tiếp chủ yếu là GTSP trong nhà trường và GTSP ngoài nhà trường. Xét về phương diện cấu trúc, trong GTSP có: Cấu trúc tâm lí (nhận thức, cảm xúc, hành vi); cấu trúc theo giai đoạn (mở đầu, diễn biến, kết thúc quá trình GTSP).
Các kĩ năng GTSP của GV tiểu học
Trong hệ thống giáo dục, giáo dục tiểu học có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Điều II Luật Phổ cập giáo dục đã nêu: “Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân…”. Đây là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục, đào tạo những cơ sở ban đầu cơ bản và bền vững cho trẻ tiếp tục học lên bậc học trên, giúp trẻ hình thành những cơ sở ban đầu, những đường nét cơ bản của nhân cách. Do vậy, giáo dục ở bậc tiểu học có tính chất đặc biệt, có bản sắc riêng, với tính sư phạm đặc trưng. Chính vì vậy việc đào tạo GV tiểu học cần chú trọng đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp dạy học đặc thù ở tiểu học. Thứ nhất, đối tượng lao động trực tiếp của GV tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11 - 12. Đây là lứa tuổi có quy luật phát triển tâm lý riêng và đang tiềm ẩn những khả năng phát triển rất lớn. Do đó, người thầy phải có tình thương yêu, lòng tin và sự tôn trọng đối với trẻ em, đối xử công bằng, dân chủ và tế nhị trong cách ứng xử, mềm dẻo, nhưng cần phải kiên quyết. Thứ hai, lao động của GV tiểu học tạo ra sản phẩm đặc biệt. Đó là nhân cách của mỗi trẻ em ngồi trên ghế nhà trường để tương lai họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Mặt khác, khoa học về sư phạm cũng đã khẳng định: Con người chỉ sinh ra con người, còn giáo dục mới sản sinh ra nhân cách. Thứ ba, sản phẩm lao động của GV tiểu học gắn với tương lai của dân tộc. Do đó, trách nhiệm của GV tiểu học là rất lớn. Mỗi GV không chỉ chú ý đến mục tiêu của bậc học mà còn phải biết được những yêu cầu của xã hội đối với HS trong tương lai là chủ nhân của xã hội và đất nước. Thứ tư, muốn dạy học đạt kết quả cao, GV tiểu học phải nắm vững quy luật tâm lí của HS tiểu học, quy luật giáo dục trẻ em để hình thành nhân cách các em theo mục tiêu của cấp học. Vì thế, lao động sư phạm của GV tiểu học là khoa học đòi hỏi phải có sự kế thừa có chọn lọc, đồng thời sử dụng các khoa học khác nhằm làm cho hoạt động của mình có căn cứ và mang tinh thần khoa học. Thứ năm, công tác dạy học và giáo dục ở bậc tiểu học đòi hỏi người GV phải khéo léo trong đối xử sư phạm, vận dụng các phương pháp dạy học và giáo dục vào từng tình huống và con người cụ thể, đòi hỏi người GV phải văn minh trong hoạt động giao tiếp, tác động khoa học đến toàn bộ tâm lí HS. Thứ sáu, mỗi HS tiểu học là một nhân cách đang được hình thành, khả năng phát triển còn bỏ ngỏ, trong khi sự phát triển lại diễn ra rất nhanh chóng. Vì thế, lao động của GV tiểu học không cho phép rập khuôn máy móc, mà đòi hỏi phải có nội dung phong phú, đi kèm với cách thức tiến hành linh hoạt và sáng tạo.
Mai Thị Ngọc Lan
Lao động của GV tiểu học là một loại hình lao động đặc thù mang tính “khai sáng” trong giai đoạn khởi đầu của con người, từng bước góp phần cải biến con người tự nhiên thành con người xã hội.