Thứ hai, 26/11/2012, 11h11

Dạy học theo sơ đồ tư duy

Tiết dạy của cô Thùy Linh tại lớp 12A1 Trung tâm GDTX Gia Định

Ngoài các phương tiện dạy học hiện đại còn có một cách dạy đơn giản nhưng khoa học và hiệu quả, đó là dạy học theo sơ đồ tư duy. Tùy theo từng đối tượng học sinh mà giáo viên (GV) có thể thiết lập sơ đồ tư duy đơn giản hay phức tạp. 
Sơ đồ tư duy đơn giản
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là bài đầu tiên của chương Địa lý kinh tế lớp 12. Nếu ở hai chương Địa lý tự nhiên Địa lý dân cư trước đó có nhiều khái niệm cụ thể dễ hiểu thì ở chương này học sinh (HS) mới bắt đầu làm quen với những khái niệm trừu tượng, các thuật ngữ mang tính chuyên ngành. Điều này yêu cầu GV bộ môn phải đưa ra một phương pháp giảng dạy phù hợp để các em có thể nắm bài ngay tại lớp. Chính vì thế khi thực hiện tiết dạy tại lớp, cô Lê Thị Thùy Linh - GV Trung tâm GDTX Gia Định - đã chọn cách truyền tải tri thức cho HS gọn nhẹ và phù hợp nhất. Trong phần đầu tiên của bài học (Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế) sách giáo khoa đã trình bày rõ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ từng ngành và từng khu vực. HS còn gặp thuận lợi hơn khi nhìn thấy bảng số liệu về cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế và cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhưng đây lại là một khó khăn và thử thách cho người dạy khi tìm cho tiết học cách truyền thụ tri thức khoa học và dễ hiểu nhất. Rõ ràng nếu trình bày theo ý gạch đầu dòng hay đưa ra các mục a, b, c… thì cũng không có gì khác với nội dung mà sách giáo khoa đã sử dụng. Cho đến khi GV vẽ lên bảng sơ đồ cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp theo 3 mũi tên tượng trưng cho 3 ngành (trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp) thì những kiến thức mà sách giáo khoa trình bày được hiện ra một cách cụ thể và cô đọng nhất. Với lời giảng rõ ràng và chậm rãi, cô đã giúp các em tạo được một ấn tượng đặc biệt về bài học để khắc ghi kiến thức dễ dàng.
Khi sang tới nội dung thứ 2 của bài học (Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế), cô Thùy Linh lại tiếp tục sử dụng sơ đồ tư duy để biểu diễn bảng Cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế. Ba nhánh cây được vẽ trên bảng chính là 3 thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay kinh tế ngoài Nhà nước cũng có 3 thành phần được biểu hiện bằng các nhánh rẽ chi tiết: Kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể.
Trong chương trình môn ngữ văn, trước khi đọc - hiểu văn bản, sách giáo khoa có đưa ra phần Tiểu dẫn nhằm giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp văn học của tác giả. Nếu trình bày lại giống như trong sách thì HS sẽ nhàm chán và khó nhớ được mọi thông tin. Chính vì thế khi dạy bài Tây Tiến cho HS lớp 12, cô Lê Kim Mai - GV Trường THPT Võ Thị Sáu - cho các em khắc sâu kiến thức phần Tiểu dẫn ngay tại lớp bằng sơ đồ tư duy theo hình nhánh cây về tiểu sử, gia đình, phong cách, tác phẩm chính… Đây cũng là hướng chung của GV ngữ văn khi thực hiện phần này ở trên lớp.
Cách thiết kế sơ đồ
Chính nhờ các hình vẽ trực quan này mà HS biết chọn lọc thông tin quan trọng, những kiến thức cần nhớ kỹ. “Hiện nay các em học rất nhiều bài, nhiều môn nên khó có thể nhớ hết tất cả mọi kiến thức trong sách giáo khoa hay lời giảng của cô. Chính vì thế GV phải có cách “nhấn nhá” để các em nhớ lâu những kiến thức căn bản mà không cần học thuộc lòng” - cô Thùy Linh trao đổi.
Có người quan niệm các biểu bảng, sơ đồ chỉ phù hợp với các bộ môn khoa học tự nhiên vì liên quan nhiều đến con số công thức. Nói như vậy chỉ đúng một nửa vì ngoài tư duy hình tượng, các môn khoa học xã hội cũng cần đến tư duy logic, tư duy khoa học. Tư duy logic không hề lấn lướt hoặc làm lu mờ tư duy khoa học mà nó còn có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ cho việc truyền thụ và tiếp nhận kiến thức. Bằng chứng đã cho thấy những tiết học ghi chép nhiều sẽ làm cho kiến thức bị loãng, lời giảng của GV cũng bị phân tán bớt. Các sơ đồ, bản đồ tư duy vừa có tính khái quát hóa vừa có tính hệ thống hóa cao nên hỗ trợ đắc lực cho việc khắc sâu kiến thức bài học. Chúng ta không thể áp dụng phương pháp dạy cũ khi môi trường và điều kiện học tập đã thay đổi hoàn toàn. Những cách dạy phát hiện, tìm tòi và có sáng tạo sẽ giúp cho người học hiểu nhanh và nhớ bài học lâu hơn. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, sơ đồ tư duy không chỉ giúp con người luyện tập trí tuệ mà còn giúp bộ não ghi chép được mọi sự kiện một cách có hệ thống và khoa học hơn. Khi vẽ sơ đồ tư duy cần thể hiện rõ chủ đề trung tâm và mỗi nhánh lớn tượng trưng cho một nội dung lớn, các nhánh nhỏ tượng trưng cho mỗi ý nhỏ. Không nên viết tắt mà nên viết chữ in hoa các tiêu đề chính. Đặc biệt GV nên dùng phấn màu hay bút chì màu để làm bật nổi màu sắc (tượng trưng cho một nội dung hay một ý nào đó). HS vừa nhìn thích mắt và lưu lại vào bộ nhớ được lâu hơn.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang