Thứ hai, 16/7/2012, 14h07

Đổi mới phương pháp dạy học môn toán

So với các bộ môn khác, đổi mới phương pháp dạy học môn toán có những yêu cầu riêng biệt và cụ thể. Để rèn luyện tốt các thao tác giải toán, trước hết “công thức” chung là giáo viên (GV) phải biết hướng dẫn phân tích bài toán, tìm cách giải quyết vấn đề để cuối cùng là trình bày bài giải trên giấy. Làm được 3 bước đó mới giúp học sinh (HS) rèn luyện và phát triển khả năng diễn đạt (nói và viết), đồng thời phát triển tư duy phân tích - tổng hợp - giải quyết vấn đề. Không chỉ biết vận dụng vào từng bài giảng cụ thể mà người thầy phải biết cách tổ chức chi tiết và chu đáo để HS có sân chơi hoạt động. Khác với trước đây, người dạy còn tìm kiếm và tạo thêm cơ hội để HS phát hiện và tự giải quyết nhiệm vụ bài học nhằm tự chiếm lĩnh kiến thức chứ không phải là người gieo tri thức một cách áp đặt. Đến lúc đó vai trò cá nhân trong tiết dạy mới được phát huy mạnh mẽ thông qua sự dìu dắt định hướng của “người cầm cương”. Theo truyền thống, GV là người thuyết trình trong giờ lên lớp nhưng ở đây họ không phải nói nhiều, không làm thay mà là người biết “bày trò” các hoạt động phù hợp với nội dung bài học. Thông qua các mô hình, tranh vẽ các em tường minh thêm kiến thức nhưng đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng. Vận dụng kỹ năng thích hợp các em tiếp tục làm việc theo trình tự logic để lĩnh hội tri thức theo cách của riêng mình. Nâng cao một bước, đại diện các nhóm mô tả thành lời các hoạt động và đặc biệt là kết quả mà nhóm đã thu được. Khâu luyện tập cuối giờ cũng là một “con đường đi” để các em ứng dụng lý thuyết vào kỹ năng làm bài thật sinh động.
Phương pháp là như vậy nhưng chúng ta không cứng nhắc, dùng rập khuôn cho mọi tiết học và nhiều đối tượng mà phải sử dụng linh hoạt và phù hợp. Nếu cách làm đơn điệu giờ này qua giờ khác thì sẽ gây ra sự chủ quan và nhàm chán từ phía người học. Tốt nhất nên sử dụng hiệu quả không gian lớp học như sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, trang trí phòng học bắt mắt, góc sản phẩm lôi cuốn phù hợp với tâm lý tò mò và bắt chước của các em HS tiểu học. Có như vậy mới tạo được lòng yêu thích say mê trong học tập…
Cần nói thêm, môi trường và không gian học tập cũng ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần người học. Vì thế các giờ lên lớp phải có môi trường thân thiện như giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần của GV sẽ giúp HS cảm thấy thoải mái. Làm thế nào để mọi HS có thể tiếp cận được với các hoạt động và sự hỗ trợ của GV cũng là cách tạo môi trường công bằng, dân chủ trong học tập.
Như trên đã nói, bằng cách này hay cách khác trong quá trình tổ chức cần tạo cho các em cơ hội được trao đổi, thảo luận, chia sẻ trước nhóm hay trong lớp theo yêu cầu của GV.
Tổ chuyên môn khối 4
(Trường TH Bình Triệu, Q.Thủ Đức, TP.HCM)