Thứ tư, 20/6/2012, 15h06

Đổi mới phương pháp dạy học: Thầy và trò phải làm gì?

HS trình bày theo nhóm trong học tập

Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) không chỉ là quy luật mà còn là nhu cầu cho cả người học lẫn người dạy. Như vậy, đối với thầy và trò, việc đổi mới PPDH phải được thực hiện như thế nào trong một tiết dạy cụ thể?
Trách nhiệm của người dạy
Theo cô Lê Thị Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (Q.Phú Nhuận), giáo viên (GV) bộ môn là người trực tiếp tạo ra “luồng gió” mạnh nhất trong đổi mới PPDH. Không có nhận thức đúng thì người thầy khó có thể đủ quyết tâm để đổi mới PPDH trong hoàn cảnh hiện nay. Trước hết, GV bộ môn phải có nhu cầu thay đổi PP soạn giảng, biết “đoạn tuyệt” với những cách dạy lạc hậu không còn phù hợp với thời cuộc. Muốn vậy, GV phải biết cải tổ cách ra đề, lên đáp án và cả chấm sửa bài phù hợp với nội dung chương trình giảng dạy. Thầy cô không chỉ là người dẫn đường giúp các em học sinh (HS) đọc và nghiên cứu SGK mà còn “hướng đạo” HS tìm hiểu bài, thảo luận nhóm, tìm tư liệu để xây dựng bài mới. Ở trên lớp GV giống như một vị chỉ huy - thầy cô là người trực tiếp hướng dẫn HS phương pháp học tập mới, biết tổ chức tiết học phát huy tối đa tính tích cực của HS.
“Để phát huy tính chủ động sáng tạo và tập thói quen tự ghi chép cho HS trong giờ học, qua kinh nghiệm thực tế cho thấy GV cần phải chuẩn bị tốt các yếu tố sau: Nắm vững chương trình nội dung SGK, chuẩn bị tốt bài giảng. Coi đây là “kim chỉ nam của mọi hành động”. Tùy thuộc vào sĩ số lớp, điều kiện phòng học để chia nhóm trong lớp (mỗi nhóm tối thiểu từ 2 đến 4 hoặc 6 đến 8 HS). Không máy móc, không rập khuôn “nhất cử nhất động”. Chuẩn bị tốt các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học như: Phiếu học tập, giáo án điện tử, máy chiếu, bảng phụ, nam châm, tư liệu, tranh ảnh… Việc làm tuy nhỏ nhưng có khi tạo hiệu quả lớn. Xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, câu hỏi có vấn đề hoặc đưa ra các dạng bài tập để HS suy nghĩ, trả lời hoặc làm bài. Từ đó GV đánh giá được trình độ nhận thức của HS. Hướng dẫn các nhóm thảo luận và đưa ra nhận xét kết luận. GV chốt lại và bổ sung nội dung để các em tự ghi bài theo từng phần”, cô Hoài Phương chia sẻ.
Đối với phần củng cố kiến thức, GV tổ chức các hình thức game show như ô chữ, đố vui, tìm từ khóa hoặc ứng dụng bài tập… để HS khắc sâu kiến thức đã học với tinh thần “Vui để học”. Riêng phần dặn dò, GV cho HS ghi hướng dẫn, phân công tìm tư liệu, hình ảnh cho tiết học sau của từng nhóm ở các môn xã hội, các dạng bài tập ở môn tự nhiên. Đừng để các em quên phần việc của mình khi về nhà.
Vai trò của người học
Trước đây HS học theo lối thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào GV. Vào lớp HS chỉ biết nghe GV giảng và chép theo những gì GV đọc. Thi thoảng các em cũng tham gia xây dựng bài mới nhưng không có thói quen thảo luận, làm việc nhóm. Chủ yếu là cá nhân và tự phát. Theo cô Hoài Phương, để thực hiện tốt tiết học, thầy cô phải giúp các em thay đổi “guồng máy học tập”. Chuyển từ học tập thụ động ghi nhớ là chính sang học tập tích cực chủ động, sáng tạo. Quan trọng hơn, chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự học, tự rèn kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của HS. Do vậy, trách nhiệm của GV bộ môn là phải hướng dẫn HS: Tự học tự rèn ở nhà. Trước khi đến lớp, HS có thói quen đọc bài mới trong SGK, gạch dưới những ý chính, trả lời một số câu hỏi gợi ý của GV hoặc câu hỏi trong SGK vào vở bài soạn. Nếu có thắc mắc thì ghi lại bảng câu hỏi để vào lớp trao đổi nhóm hoặc hỏi thầy cô. Mỗi nhóm tự phân công từng cá nhân sưu tầm tư liệu hình ảnh hoặc chuẩn bị một câu chuyện của chính bản thân mình hay người khác có liên quan đến bài học để minh họa cho tiết học sau. Có như vậy HS mới chủ động hơn trong việc xây dựng và tiếp thu bài mới. Đó chính là điều kiện để tư duy HS biết vận động và phát triển. Bên cạnh đó là chủ động xây dựng bài, tự ghi chép ở lớp: Dưới sự hướng dẫn của GV, các nhóm lần lượt trình bày nội dung, giới thiệu những hình ảnh mà nhóm mình tìm được cho cả lớp tham khảo. Các tổ nhóm căn cứ vào nội dung SGK và vốn sống thực tế của mình để thảo luận, trả lời những câu hỏi của GV hoặc các nhóm nêu ra. Trong quá trình thảo luận, các thành viên phải đưa ra ý kiến của mình dù có thể chưa đúng, chưa hay nhưng bước đầu tạo điều kiện cho các em ham thích học tập bộ môn, phát huy được tính tích cực học tập của HS. Các em yếu kém có động lực vươn lên, các em khá giỏi sáng tạo năng động hơn. Thảo luận xong thư ký các nhóm ghi lại ý kiến của nhóm mình vào bảng phụ và cử đại diện phát biểu. Các nhóm khác đánh giá kết quả thảo luận với nhau và các nhóm đưa ra nhận xét. GV chốt lại và nhấn mạnh trọng tâm nội dung bài học để học sinh tự ghi bài. HS thực hiện phương châm: “Tai nghe, tay viết, mắt nhìn, óc suy nghĩ”.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Để thực hiện tốt tiết học, thầy cô phải giúp các em thay đổi “guồng máy học tập”, chuyển từ học tập thụ động ghi nhớ là chính sang học tập tích cực chủ động, sáng tạo”, cô Lê Thị Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây nêu ý kiến.