Thứ bảy, 17/10/2009, 16h10

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Đào tạo cán bộ quản lý cần xem lại!

Chúng ta chưa bao giờ đào tạo quản lý giáo dục bài bản và chưa thấy hết tầm quan trọng của quản lý giáo dục. Vẫn còn một số cán bộ trong ngành không được đào tạo chính quy, chỉ đào tạo qua sử dụng mà thôi. Tôi còn nhớ, sau năm 1954 miền Bắc thiếu cán bộ ngành giáo dục trầm trọng nên phải lấy từ nguồn cán bộ cải cách ruộng đất chưa được đào tạo gì cả. Hiện nay chúng ta cũng chưa đặt ra vấn đề cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo như thế nào? Ở nước ngoài họ đào tạo bằng cách thử nghề vô thời hạn, không sử dụng được thì phải tự đào thải. Cách đào tạo của họ rất cụ thể cho từng chức vụ chứ không chung chung. Ví dụ như một chi tiết nhỏ: trong phòng của thủ trưởng không đặt ghế ngồi cho khách. Ai vào làm việc thì phải đứng và nói nhanh, còn nếu có ghế họ sẽ ngồi lâu, nói cả những chuyện không cần thiết sẽ mất thời gian. Nữ thư ký không phải có ngoại hình đẹp, khéo léo mà quan trọng là có nghiệp vụ, biết làm việc. Nghiệp vụ của thư ký cũng được cụ thể hóa ngay cả chuyện bưng bê, đi đứng, phát ngôn… trong lúc đó chúng ta thì cho là chuyện vặt vãnh, chuyện trẻ con không cần thiết. Bất cứ cái gì cũng phải đào tạo để trở thành nếp để làm việc cho tốt. Bộ máy luôn chạy đều như một dây chuyền công nghệ, không bị vướng ở công đoạn nào.

Lãnh đạo một ngôi trường đông HS không phải dễ dàng. Ảnh: T.Tr
Cán bộ quản lý của ngành giáo dục từ trước tới nay chủ yếu từ những giáo viên dạy lâu năm. Gần đây tôi thấy hình như ai cũng làm được hiệu trưởng, như vậy là hơi lạm phát. Tôi biết có người không đủ điều kiện theo học cao học vì luận văn rất yếu, thế mà không hiểu sao sau đó cũng làm được thạc sĩ rồi trở thành hiệu trưởng của một trường phổ thông. Công việc của hiệu trưởng từ trước tới nay vẫn chưa có ai kiểm tra, mặc dù cuối năm có viết báo cáo nhưng không biết có người đọc không.

“Cán bộ quản lý của ngành giáo dục từ trước tới nay chủ yếu từ những giáo viên dạy lâu năm. Gần đây tôi thấy hình như ai cũng làm được hiệu trưởng, như vậy là hơi lạm phát” - GS. NGND Hoàng Như Mai

Người cán bộ quản lý không cần đi sâu vào tất cả các môn khoa học nhưng ít ra phải nắm được những vấn đề cơ bản của môn học để hiểu được mục tiêu của từng môn rồi đưa ra cách dạy như thế nào. Có khi hiệu trưởng phải biết từng em học sinh, nhất là các trường nhỏ, ít học sinh. Lúc đó hiệu trưởng có thể theo dõi được hành vi và cả điểm số từng em. Người quản lý phải nhìn thấy tương lai của giáo dục, thấy sự đổi mới trong ngành và phải có triết lý về giáo dục, nhìn ra ngoài thế giới để biết sự phát triển của các nước tiên tiến. Làm lãnh đạo phải có chiến lược lâu dài, không ôm mọi việc của cơ quan vì nếu ôm thì cũng chẳng bao giờ làm xuể.
Công tác đào tạo đội ngũ quản lý rất có lợi cho nhà trường vì những con người đó là những nhân tố quyết định tất cả. Không chỉ có hiệu trưởng mà mỗi giáo viên phải là một nhà quản lý ở góc độ một lớp, một khối. Có thầy tốt mới nên mở trường dạy, đó là đòi hỏi tất yếu, thiếu là không được. Thực hiện công việc thì ai cũng làm được nhưng quan trọng là khâu quản lý. Người lãnh đạo phải biết điều phối, kiểm tra, lập dự án… cho đơn vị. Đầu tàu tốt không phải là đầu tàu chạy một mình mà phải kéo được nhiều toa. Người cán bộ quản lý cũng phải như vậy.
GS. NGND Hoàng Như Mai
Giáo viên “chạy” theo sách giáo khoa: nên hay không?
Không thể dạy ôm đồm theo sách
Sách giáo khoa mới THPT môn địa lý viết vẫn còn dài dòng. Nếu đọc để nghiên cứu thì rất hay còn dạy hết thì thật tội cho học sinh. Tôi dạy chương trình cơ bản nên bài nào cũng dài, nhìn chung là quá tải quá sức với thầy và trò. Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình thay sách giáo khoa nên các trường vẫn lúng túng. Tuy nhiên để các em có đủ kiến thức căn bản, giáo viên phải dạy hết bài, hết chương trình và không được bỏ qua một chương hay một phần nào cả. Những bài nào nặng thì giáo viên chắt lọc lại rồi thông qua tổ bộ môn thống nhất nhưng điều cơ bản là giáo viên phải biết tự điều phối làm chủ chương trình. Còn một thực tế nữa là những kiến thức cơ bản về khoa học thì các em nắm không vững, khó nhớ nhưng những kiến thức “bâng quơ” ngoài lề thì các em lại rất nhạy bén. Bài nào, phần nào quá tải thì chúng tôi cho các em đọc ở nhà trước có hướng dẫn của giáo viên, rồi các em ghi lại sườn theo chi tiết. Dạy bám theo sách giáo khoa nhưng không thể ôm đồm một cách máy móc.
Ngô Thị Phước
(Giáo viên bộ môn địa lý, Trường THPT Thanh Đa)
Những nội dung của Năm học đổi mới QL và nâng cao chất lượng GD”
Năm học 2009-2010 toàn ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho HS. Triển khai thí điểm thực hiện bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào giảng dạy một số môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, trình độ đào tạo từ năm học 2009-2010. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với các yêu cầu: thực hiện tốt quy định về đạo đức nhà giáo và trong năm học 2009-2010, mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có 1 đổi mới trong dạy học hoặc quản lý giáo dục. Phấn đấu đến ngày 15-11-2009 thực hiện được yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh: “đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở”. Tổ chức “Lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên toàn quốc. Mỗi địa phương (tỉnh, huyện) tuyên dương, khen thưởng 1 thầy giáo và 1 cô giáo được học sinh yêu quý nhất do HS và các tổ chức xã hội, các cựu HS tôn vinh. Triển khai hướng dẫn giáo dục kỹ năng sống cho HS phổ thông trong và ngoài nhà trường. Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường. Tổ chức “Ngày về nguồn” (23-11), xây dựng cơ sở dữ liệu số của các sở GD-ĐT về “1.000 năm Thăng Long” và “Việt Nam trong thế kỷ XX”, đưa lên trang website để làm tư liệu dùng chung cả nước, phục vụ đổi mới nội dung và phương pháp dạy và học...
P.V