Thứ sáu, 6/1/2012, 15h01

Phát triển kĩ năng nói trong giờ học tiếng Anh

Trong môn ngoại ngữ, việc rèn luyện kỹ năng nói là rất quan trọng. Ảnh: N.Anh

Khi giáo viên (GV) bộ môn hướng dẫn “Phát triển kĩ năng nói và luyện các cấu trúc”, các em học sinh (HS) sẽ thực hiện được những câu giao tiếp đơn giản hằng ngày liên quan đến các chủ điểm và nội dung ngoại ngữ đã học trong chương trình.
Chương trình môn tiếng Anh bậc THCS nhằm hình thành và phát triển ở HS những kiến thức, kĩ năng cơ bản về ngoại ngữ (môn Anh văn) và những phẩm chất trí tuệ cần thiết để tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động. Trong đó HS cần đạt được những yêu cầu chủ yếu là nghe, nói, đọc, viết. Riêng kĩ năng nói thường được dùng xuyên suốt hầu hết trong bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết nên đây là một kĩ năng không kém phần quan trọng. Tuy nhiên đây là công việc mà các em HS ngại ngùng nhất do nhút nhát, thiếu tự tin nên hiệu quả thường thấp nhất so với ba kĩ năng còn lại.
Ba bước phát triển kĩ năng nói
Thông thường một giờ lên lớp được xây dựng trên cơ sở một quy trình ba bước gồm: Giới thiệu, luyện tập và vận dụng. Quy trình ba bước trên có thể hiểu như sau: Bước giới thiệu:Trong bước này GV giới thiệu tình huống của bài nghe, bài đọc hay bài viết, giới thiệu từ, cấu trúc mới và xác định nhiệm vụ, thời gian HS cần thực hiện. Bước luyện tập:HS cần thực hiện các bài tập khai thác bài nghe, nói, đọc và viết bắt đầu bằng các bài tập có hướng dẫn (guided/ controlled practice) đến các bài tập mở, tự do hơn. Bước vận dụng:HS được khuyến khích vận dụng các kiến thức ngôn ngữ vừa học trong những tình huống giao tiếp mới hoặc kết hợp nhiều kiến thức ngôn ngữ đã học với nhau. Cũng trong bước luyện tập này HS chuyển sự chú ý từ hình thức ngôn ngữ (accuracy) sang nội dung giao tiếp (fluency).Trò chơi thường được sử dụng trong giờ học Anh văn để gây không khí học tập thoải mái và sinh động.
Tổ chức làm việc theo cặp, nhóm
Muốn phát triển kĩ năng nói thì việc tổ chức cặp, nhóm chỉ là bước khởi đầu cho quá trình luyện tập. Muốn cho các cặp, nhóm để luyện nói và luyện cấu trúc có hiệu quả, lớp học cần thực hiện tốt ba bước cơ bản sau: Trước luyện tập: Để việc luyện tập đạt hiệu quả, GV cần thực hiện bước “trước luyện tập” bằng cách thực hiện một quy trình gồm ba yếu tố: Chuẩn bị tâm thế cho HS - xác định mục đích và chỉ dẫn nhiệm vụ cần thực hiện - ấn định thời gian (engage - instruct - initiate). Trong khi luyện tập:HS thực hiện nhiệm vụ cá nhân trước (brainstorm), các cá nhân sau đó trao đổi nhiệm vụ trong các cặp để rút ra những vấn đề chung, các cặp được ghép thành các nhóm để trao đổi kết quả nhiệm vụ và rút ra những vấn đề chung của nhóm, cuối cùng đại diện nhóm chuẩn bị báo cáo kết quả của nhóm mình trước lớp. Trong khi HS luyện tập GV có thể đứng ở một vị trí nào đó trong lớp (trước lớp, cuối lớp hoặc giữa lớp) hoặc đi xung quanh lớp quan sát và lắng nghe hoạt động của các cặp nhóm diễn ra, GV có cơ hội tập trung giúp đỡ các đối tượng HS giỏi hoặc HS kém. Sau khi luyện tập:Khi thời gian dành cho hoạt động cặp và nhóm kết thúc GV cần tổ chức để các cặp, nhóm thông báo lại kết quả hoạt động của cặp, nhóm mình, cả lớp lắng nghe, bổ sung thông tin, sửa chữa lỗi, cho nhận xét và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các nhóm. Cuối cùng, GV tóm tắt các hiện tượng ngôn ngữ, cho nhận xét, đánh giá chung công việc vừa tiến hành có đảm bảo mục tiêu, các bước thực hiện và thời gian đã định trước không.
GV hướng dẫn luyện cấu trúc cho HS bằng cách cho các em nói cá nhân, từng cá nhân đứng lên luyện cấu trúc theo sự hướng dẫn của GV. Trước tiên là một HS khá sẽ làm lực đẩy, sau đó là HS yếu đứng lên nói. Dần dần HS yếu cũng cảm thấy tự tin hơn khi luyện nói và hiểu kỹ hơn về các cấu trúc đang học.
Mục tiêu của phát triển kĩ năng nói
Lấy HS làm trung tâm. Trao đổi trực tiếp bằng ngôn ngữ nói ở mức độ đơn giản các tình huống giao tiếp hằng ngày thông qua việc vận dụng kiến thức ngôn ngữ cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Diễn đạt được ý mình trong những tình huống giao tiếp thông thường có liên quan đến những chủ điểm quen thuộc thông qua việc vận dụng các chức năng ngôn ngữ đã học.
Luyện phát âm được coi là một bộ phận mật thiết gắn liền với các hoạt động lời nói trong các chủ điểm khác nhau, do vậy không chủ trương giới thiệu tách rời thành các mục bài tập riêng biệt. Việc luyện phát âm sẽ được tiến hành với các hoạt động lời nói khác như với việc dạy từ mới, dạy nghe và dạy nói.
Huyền Tôn Nữ Mỹ Thuận
(GV Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận)