Thứ tư, 24/4/2013, 07h04

Môn ngữ văn: 5 lỗi thường gặp khi làm bài

Muốn làm tốt một bài văn, học sinh cần tích lũy kiến thức thật tốt. Ảnh: Anh Khôi

Ngữ văn thường là môn khiến nhiều thí sinh “sợ” nhất. Bởi cũng giống như địa lý hay lịch sử, ngữ văn được “liệt” vào các môn phải học thuộc lòng. Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới của chương trình, đề thi văn những năm gần đây đã có nhiều thay đổi theo hướng giảm học thuộc, tăng khả năng cảm thụ văn học.
Nhưng để đạt điểm cao không dễ. Cô Trịnh Thị Ngọc Thúy, giáo viên văn Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã chia sẻ những “bí kíp” để các thí sinh có thể đạt được điểm cao môn này một cách dễ dàng.
3 yêu cầu
Với hơn 10 năm trong nghề, cô Thúy cho biết cũng như những môn học khác, môn ngữ văn đòi hỏi tích lũy cả quá trình, không như “mì ăn liền”, phải dày công tìm tòi, bồi đắp. Chính vì vậy, hiểu biết về cuộc sống, đời sống tinh thần, tâm hồn trong sáng là những điều kiện tốt để học sinh (HS) có được bài viết hay, thuyết phục.
Với cấu trúc đề thi như hiện nay, có thể chia thành các yêu cầu để HS có thể làm tốt một đề văn. Thứ nhất: HS phải tích lũy kiến thức thật tốt. Học phần nào phải chắc luôn phần đấy, tránh nhầm lẫn, mơ hồ trong trình bày kiến thức,  vì đây là điều tối kỵ. Khi chấm bài, nếu giám khảo nhận thấy thí sinh mơ hồ về kiến thức thì có thể bài văn đó sẽ bị chú ý và sẽ chấm chặt. Thứ hai: Chương trình hiện nay được thiết kế đồng tâm. Tôi thường hướng dẫn HS đầu tiên phải tìm hiểu kiến thức khái quát. Trong chương trình, những bài khái quát về thời kỳ văn học, các thầy cô bao giờ cũng định hướng cho HS nhớ những gì để làm kim chỉ nam soi chiếu những phần kiến thức cụ thể về sau. Ví dụ như kiến thức về giai đoạn văn học, thời kỳ văn học, khuynh hướng sáng tác, trào lưu sáng tác, bộ phận sáng tác hoặc đặc điểm văn phong… Tất cả những điều đó HS phải nắm được trước khi đi vào tác phẩm cụ thể. Như vậy, kiến thức trong chương trình là vô cùng rộng. Thi tốt nghiệp lấy chủ yếu văn bản lớp 12 nhưng kiến thức ở các lớp dưới vẫn là nền tảng. Thứ ba: Phương pháp rèn luyện kỹ năng. Trong quá trình dạy, tôi thấy kỹ năng là điều HS yếu nhất. Đầu tiên là kỹ năng giải quyết từng loại câu hỏi, từng dạng đề. Để có kỹ năng đòi hỏi HS phải tích lũy, song với những HS tương đối thông minh thì trong thời gian không dài nếu chịu khó vẫn có thể nắm được kỹ năng.
Kỹ năng “giải quyết” 3 câu hỏi
Đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay có 3 câu, chia thành hai phần, chung và riêng. Phần chung có hai câu. Câu 1 tái hiện kiến thức như về văn học nước ngoài, hoặc Việt Nam. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có xu hướng hỏi về chi tiết, đòi hỏi HS phải nắm được thế mạnh của văn bản, phải phát hiện được chỗ hay của văn bản. Do đó, HS không được bỏ qua bất cứ văn bản nào. Tuy nhiên câu hỏi tái hiện kiến thức không dừng lại ở việc yêu cầu HS phải thuộc lòng mà người ta có tính đến khả năng cảm thụ, khả năng lý giải của HS mặc dù không được trình bày dài. HS phải chú ý đến vấn đề này… Ngoài kiến thức cơ bản HS phải biết sáng tạo, biết đưa ý kiến cá nhân của mình về những nội dung câu hỏi yêu cầu để giải quyết vấn đề. Đây là phần lấy điểm tốt, phải cố gắng được gần 2 điểm. Câu 2 là phần mới của đề thi từ khi thay sách. Ở câu hỏi này, HS không phải học nhiều nhưng lại dễ giành điểm và là phần gỡ điểm. Kỹ năng để làm phần này trước hết, HS phải phân biệt được 3 dạng nghị luận: Đời sống, tư tưởng đạo lý và một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học… Bên cạnh đó, HS phải biết phân tích đề. Để làm tốt câu hỏi này, dù chỉ viết 400 chữ đối với thi tốt nghiệp và 600 chữ đối với thi ĐH thì HS vẫn phải viết đầy đủ 3 phần: Mở bài, thân bài (giải thích đề, phân tích nội dung, dẫn chứng thực tế, chứng minh thực tế) và kết luận (mở rộng bàn bạc hoặc có thể rút ra bài học gì). Câu 3 là câu hỏi tự chọn. Đây là phần nghị luận tác phẩm văn học. Kiến thức là toàn bộ chương trình đã học. Muốn làm tốt, HS phải chịu khó tập dượt một số dạng đề cơ bản như nhân vật văn học, một khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Như vậy, có thể nói, nếu nắm vững kiến thức về văn học sử, văn học từng thời kỳ văn học, trào lưu văn học, nhất là kiến thức về văn bản văn học, HS hoàn toàn có thể tự tin lập dàn ý để giải quyết vấn đề. Trong câu hỏi này, HS còn phải đưa chính kiến, quan điểm của mình về vấn đề được nghị luận. Bên cạnh đó, HS còn phải vận dụng cảm xúc của mình vào bài viết…
5 lỗi thí sinh thường gặp
Lỗi diễn đạt: Sai từ, sai câu, sai cú pháp. Cách khắc phục: Các em chỉ dùng từ khi nắm vững nghĩa của từ. Nắm chắc ngữ pháp của câu, nghĩa của câu. Để viết được câu đúng, HS phải biết ban đầu mình muốn diễn đạt gì. Lỗi lập luận: HS mắc phải lỗi này do không nắm chắc được luận điểm, luận chứng. Để tránh lỗi này, các em phải lập dàn ý chi tiết để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các luận điểm, luận chứng. Lỗi lan man, sa đà: Xảy ra khi HS tham kiến thức hoặc không xác định được trọng tâm. Để tránh, các em phải phân tích được đề, sau đó phải xác định được đúng vấn đề cần nghị luận là gì, lựa chọn được đúng phần kiến thức để đưa vào giải quyết vấn đề. Diễn đạt gọn, trúng và hay. Lỗi sa đề, lạc đề: HS không nắm vững kiến thức, không vững kỹ năng dẫn đến bị nhầm lẫn, viết bừa bãi. Để tránh: Các em bắt buộc phải tìm hiểu kỹ đề, lập dàn ý chi tiết, phải chịu khó ôn tập.
Nghiêm Huê (ghi)
Sai cấu trúc từng phần bài thi
Đây là lỗi khá nhạy cảm. Ví dụ như câu 1 là phần tái hiện kiến thức. Thí sinh viết thành đoạn văn hoặc gạch ý đầu dòng, đủ ý là được điểm. Nhưng có nhiều thí sinh tham, muốn đưa nhiều kiến thức vào phần bài này nên viết rất dài, không được cộng thêm điểm mà tốn thời gian. Bài nghị luận xã hội là sai nhiều nhất hiện nay. Bài nghị luận dù ngắn nhưng nó là một bài văn hoàn chỉnh. Vẫn có bố cục 3 phần. Phần thân bài học sinh vẫn phải chia luận điểm. Học sinh phải nắm chắc được cấu trúc của bài nghị luận.
Ở phần riêng, lỗi cấu trúc hay bị vi phạm nhất là không chia luận điểm cho thân bài.