Thứ sáu, 11/11/2011, 15h11

Rèn kỹ năng sử dụng từ Hán Việt

Để HS hình thành kỹ năng sử dụng từ ngữ một cách thành thạo, cách tốt nhất là giáo viên hướng HS vào hoạt động giao tiếp.
Ảnh: T.L

Hiện nay, việc hướng dẫn học sinh (HS) rèn luyện kỹ năng sử dụng từ Hán Việt ở trường THPT chưa được giáo viên quan tâm nhiều. Với kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi xin đưa ra một số định hướng khi dạy học từ Hán Việt ở trường THPT.
1. Rèn luyện kỹ năng sử dụng từ Hán Việt cho HS cần dựa vào mục tiêu, nội dung chương trình dạy học ngữ văn. Mục tiêu cơ bản của việc dạy học tiếng Việt là giúp HS sử dụng thành thạo tiếng Việt, trong đó có từ Hán Việt. Từ mục tiêu này mà nội dung chương trình phải được phân chia hợp lí theo từng cấp học, lớp học để mang lại hiệu quả cao trong việc học tập từ ngữ. HS ở mỗi cấp học khác nhau có những đặc điểm tâm lí khác nhau trong quá trình lĩnh hội kiến thức và kỹ năng mới. Vì thế khi xác lập nội dung dạy học, lựa chọn và áp dụng phương pháp giảng dạy nào buộc người giáo viên phải xuất phát từ trình độ nhận thức của HS. Nếu nội dung học tập vượt quá khả năng của HS sẽ làm cho các em không thể tiếp thu được, buộc các em phải học thuộc lòng một cách máy móc và tất nhiên là không thể vận dụng được những đơn vị kiến thức đó vào cuộc sống. Do đó, giờ học trở nên nặng nề, vô vị. Ngược lại, nếu nội dung giảng dạy quá dễ dàng không cần sự tư duy của HS, không đòi hỏi sự nỗ lực của các em sẽ dẫn đến sự chủ quan, giảm hứng thú trong học tập. Vì vậy, để mang lại hiệu quả cao trong việc rèn luyện từ ngữ nói chung và từ Hán Việt nói riêng, giáo viên cần bám sát vào nội dung, chương trình cũng như mục tiêu dạy học. Tuân theo nguyên tắc này, các nhà biên soạn chương trình và người giáo viên cần phải nắm vững trình độ tiếng Việt cũng như tâm lí lứa tuổi của HS để xây dựng hệ thống bài học phù hợp, nhằm tạo hứng thú cho các em tiếp thu kiến thức từ đó hình thành các kỹ năng sử dụng từ ngữ tiếng Việt.
2. Rèn luyện kỹ năng sử dụng từ Hán Việt cho HS cần phù hợp với đặc điểm nhận thức lứa tuổi. Ở bậc THPT, HS đã phát triển khả năng tư duy trừu tượng, bước đầu hình thành những thao tác phân tích - tổng hợp. Sự khác biệt về nhận thức và tâm lí đòi hỏi việc dạy học từ ngữ cần phải có sự thay đổi cho phù hợp, nhất là từ Hán Việt. Công cụ để con người tư duy là ngôn ngữ, “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy”. Quá trình thủ đắc tiếng Việt ở mỗi HS là quá trình thông hiểu các quy luật cấu trúc nội bộ của tiếng Việt, quy luật hoạt động của nó, từ đó mà hình thành các kỹ năng và kỹ xảo ngôn ngữ. Cùng với việc thủ đắc vốn từ tiếng Việt là quá trình hình thành và phát triển các thao tác, các phẩm chất tư duy. Hai lĩnh vực này có mối quan hệ thống nhất biện chứng, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Thực tế giảng dạy đã cho thấy, HS nào hạn chế về tư duy đồng thời cũng hạn chế về ngôn ngữ và ngược lại. Chính vì thế, rèn luyện ngôn ngữ cần gắn liền với rèn luyện tư duy. Kết hợp hài hòa vấn đề này sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học tiếng Việt nói chung và từ Hán Việt nói riêng. Tuy nhiên khi kết hợp nguyên tắc rèn luyện ngôn ngữ gắn liền với rèn luyện tư duy trong quá trình dạy học từ Hán Việt, giáo viên cần lưu ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, phải làm cho HS thông hiểu được nghĩa của từ ngữ Hán Việt nào đó, gắn từ đó vào câu, đoạn văn với nội dung hiện thực mà chúng phản ánh và thấy được giá trị của từ đó trong hệ thống từ Hán Việt. Thứ hai, phải chuẩn bị kỹ nội dung các đề tài cho bài tập rèn luyện. Những đề tài này nên sát với thực tế, gần gũi với HS để các em dễ dàng nắm bắt và cũng để các em có nhiều cơ hội lựa chọn những từ Hán Việt phù hợp khi trình bày.
3. Rèn luyện kỹ năng sử dụng từ Hán Việt cho HS theo hướng tích hợp. Tích hợp là việc phối hợp kiến thức môn học hoặc phân môn khác nhau nhằm tạo hiệu quả cao trong việc hình thành kiến thức kỹ năng. Việc dạy học từ Hán Việt theo hướng tích hợp cũng là một giải pháp nhằm giúp HS mở rộng vốn từ Hán Việt, cũng như kỹ năng sử dụng từ Hán Việt một cách hiệu quả. Quá trình này không chỉ diễn ra trong môn ngữ vănmà cần có sự phối kết hợp nhiều đơn vị kiến thức của nhiều môn học khác nhau theo đúng tinh thần của lý thuyết tích hợp. Việc tích hợp dạy từ Hán Việt có thể áp dụng ở nhiều tiết học khác nhau có thể là các tiết đọc - hiểu, làm văn hay, hoạt động ngoại khóa…
4. Rèn luyện kỹ năng sử dụng từ Hán Việt cho HS cần gắn liền với quan điểm giao tiếp trong dạy học tiếng Việt. Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là hệ thống hoạt động chức năng, nếu tách nó khỏi hoạt động này thì nó không còn sức sống và trở nên khô cứng. Hay nói cách khác, ngôn ngữ phải được thể hiện trong các dạng lời nói khác nhau. Khi được hoạt động ngôn ngữ sẽ trở nên sinh động và có thể sử dụng ứng biến trong nhiều trường hợp. Để hình thành các kỹ năng và kỹ xảo ngôn ngữ, HS phải trực tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp. Từ những hoạt động giao tiếp này, HS sẽ lĩnh hội và tích lũy để làm phong phú thêm vốn từ vựng trong đó vốn từ Hán Việt cần được quan tâm hơn. Vì thế giáo viên ngoài việc hướng dẫn HS khám phá ra nghĩa của các từ Hán Việt cần phải tạo điều kiện cho các em vận dụng những từ Hán Việt này trong quá trình giao tiếp cũng như trong việc tạo lập văn bản. Có như vậy, các em mới hiểu nghĩa của từ và biết vận dụng chúng một cách phù hợp, đồng thời nhớ được từ Hán Việt.
Khi hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng sử dụng từ Hán Việt theo nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp cần: Đặt các từ Hán Việt cần nghiên cứu vào hệ thống hành chức của nó. Một từ nào đó có thể mang nhiều nét nghĩa khác nhau, để HS nắm rõ vốn từ trong sử dụng chúng ta cần đặt chúng vào các câu, đoạn văn hay văn bản. Bởi thế, trong dạy học, chúng ta không thể dạy từ đơn lẻ mà phải đặt từ, câu, đoạn văn trong hoạt động hành chức của nó. Không nên dạy tách rời văn cảnh nhằm giúp cho các em hiểu đúng ý nghĩa của từ cũng như dùng từ chính xác. Để HS hình thành kỹ năng sử dụng từ ngữ một cách thành thạo, cách tốt nhất là hướng các em vào hoạt động giao tiếp. Muốn làm được điều này, người giáo viên phải tạo được các hoàn cảnh giao tiếp, tình huống giao tiếp khác nhau trong hoạt động ngoại khóa hay các cuộc tranh luận để khuyến khích các em nâng cao ý thức và kỹ năng.
Lê Văn Nghĩa