Thứ hai, 30/7/2012, 14h07

Phòng tránh bệnh dại thế nào?

Cần tiêm ngừa vaccine khi bị chó, mèo nhiễm virus dại cắn (ảnh minh họa). Ảnh: T.HIỀN

Chó, mèo là những vật nuôi thân thiết của con người và chúng được xem là thú cưng của không ít gia đình. Tuy nhiên, chúng có thể là hiểm họa bất ngờ, trong đó nguy hiểm nhất là bị chó nhiễm virus dại cắn. Nếu không được tiêm ngừa kịp thời và đúng cách, nạn nhân sẽ lên cơn dại dẫn đến tử vong.
Bệnh dại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hàng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong. Điều đáng lưu ý là bệnh này có thể chủ động phòng tránh được và chỉ có phương pháp tiêm phòng sớm, đúng liều mới mong cứu sống người bệnh.
Những điều cần biết
ThS.BS Lê Hồng Nga (Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết: “Bệnh dại là một bệnh do nhiễm virus dại vào cơ thể và hậu quả là tử vong 100%. Ở châu Á, nguồn lây truyền bệnh này chủ yếu là từ chó sang người thông qua vết cắn. Thời gian gần đây số bệnh nhân bị chó dại cắn cũng như số trường hợp tử vong đang tăng lên. Virus dại có trong nước bọt của động vật bị bệnh dại xâm nhập, vào cơ thể người và động vật qua vết cắn hoặc do liếm trên vùng da bị trầy xước. Do vậy, người và vật bị bệnh, virus này sẽ theo dây thần kinh hướng tâm di chuyển vào hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống). Tại đây, virus nhân lên và sau đó tập trung tại các tuyến nước bọt. Khi người hoặc động vật lên cơn dại, nước bọt chứa rất nhiều virus dại và sẽ là nguồn lây bệnh dại cho người cũng như động vật khác. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào số lượng virus đi vào cơ thể, mức độ vết cắn, số lượng vết cắn và vị trí của vết cắn trên cơ thể. Giai đoạn ủ bệnh trung bình khoảng 20-60 ngày, nhưng cũng có trường hợp chỉ từ 4-7 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm virus dại.
Chú ý, các con chó bị bệnh dại thường có những biểu hiện tiền lâm sàng như trốn vào góc tối, miễn cưỡng đến gần chủ, thỉnh thoảng sủa vu vơ hoặc tru lên từng hồi. Thời kỳ chó điên cuồng là cắn, sủa người lạ dữ dội, vết thương nơi bị nhiễm dại chó liếm hoặc tự cào đến rụng lông, chảy máu. Tiếp theo là chó bỏ ăn, chảy nước dãi, sùi bọt mép, sau đó bỏ nhà đi và thường không trở về, trên đường đi gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, nhất là người.
Cũng theo BS. Lê Hồng Nga, những trường hợp sau khi bị súc vật cắn cần phải đi tiêm phòng dại ngay là: Khi bị súc vật nghi là có bệnh dại cắn, phải lập tức rửa vùng da bị tổn thương bằng nước và xà phòng đặc, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc dung dịch povidine để diệt virus dại. Sau khi chăm sóc vết thương (không được khâu vết thương), phải đến ngay cơ sở y tế có tiêm phòng dại để được tiêm phòng càng sớm càng tốt. Đặc biệt, khi bị cắn nhiều vết nguy hiểm, bị cắn ở đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục hoặc không theo dõi được con vật, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán, tiêm phòng… Các cơ sở y tế thông thường là: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố; trung tâm y tế dự phòng các quận - huyện; Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh viện…
Phòng ngừa bệnh dại bằng cách nào?
BS. Lê Hồng Nga khẳng định: “Để phòng ngừa bệnh dại, cần phải tiêm vaccine ngừa dại cho chó, mèo, vật nuôi; không thả rông chó, khi dắt chó ra đường phải rọ mõm (bịt miệng); khi bị súc vật cắn, phải đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và tư vấn cách xử lý; không nên xử lý bằng thuốc nam khi bị chó, mèo cắn. Ngoài ra, cần phải lưu ý khi tiêm vaccine phòng dại: Việc tiêm phòng phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn; luôn tuân thủ đúng lịch hẹn tiêm vaccine để đạt hiệu quả tốt nhất; khi phát hiện có những bất thường về sức khỏe trong quá trình tiêm vaccine dại, cần phải thông báo ngay cho BS để có những xử lý phù hợp”.
PHỤNG DIỄM