Thứ năm, 16/6/2011, 23h06

9X đi học ngôn ngữ ký hiệu

Cậu học sinh tự tin đứng trên bục giảng dùng ký hiệu bằng tay chia sẻ với thày giáo và các bạn bên dưới những tin tức thời sự. Đôi lúc không biết từ, cậu phải dùng cách đánh chữ vào không khí để giáo viên hiểu mình đang nói gì. Phần múa kết thúc, cậu được cả lớp tán thưởng bằng cách đưa hai bàn tay xòe ra rồi lắc lắc thay cho tràng pháo tay.

Nhiều bạn trẻ tới lớp học ngôn ngữ ký hiệu ban đầu vì tò mò nhưng sau đó bắt đầu yêu thích và đam mê.

 
Hàng tuần, Hồng Phong, cậu sinh viên năm hai khoa CNTT của Cao đẳng Công nghệ Thực phẩm, lại có mặt tại lớp học thủ ngữ của Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu. Theo học đến nay đã sáu tháng, tới giờ, Phong có thể nói chuyện dễ dàng với thày giáo Thái Anh cũng như những người bạn khiếm thính, thậm chí còn giúp phiên dịch khi cần thiết. Từ chỗ tò mò đến thích thú rồi đam mê, nam sinh Hà Thành chột dạ “chắc có lẽ sẽ theo đuổi nghề phiên dịch ngôn ngữ dấu hiệu thay vì trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin mất thôi bởi công việc ấy có thu nhập tốt lại được chú ý".
Trong số 20 học viên của lớp, Phong nổi bật khi “nói bằng tay” dẻo như múa và nhớ nhiều ký hiệu. Cuộc trao đổi của cậu với thày về một từ khó diễn ra yên lặng, chỉ nhìn mới biết hai người đang nói chuyện. Thỉnh thoảng, Phong nhăn mặt với thày khi muốn biểu lộ cảm xúc. Đôi tay cậu thoăn thoắt, các ngón tay xòe ra, cụp vào và đưa lên, đưa xuống. Chỉ với những động tác đơn giản, Phong nói chuyện với mọi người mà không cần phải cất lời.
Ngày còn nhỏ, cậu thường cùng đám bạn nghịch ngợm sang bấm chuông trêu đùa một nhà mới chuyển đến nhưng không ai ra mở. Cậu bé đem thắc mắc về hỏi mẹ thì được giải đáp rằng nhà ấy có người khiếm thính. Hôm sau, nhóm của Phong vẫn tiếp tục diễn trò cũ và lần này một người đàn ông bất ngờ mở cổng khiến bọn trẻ giật mình bỏ chạy. Nhiều ngày sau đó, mỗi lần đi qua ngôi nhà ấy, cậu lại nhìn vào và thỉnh thoảng trông thấy vài người bạn của người đàn ông trên đến chơi. Họ chẳng nói gì, chỉ “múa tay” rồi… cười với nhau. Có hôm, vài người đó hỏi chuyện Phong nhưng họ cũng chỉ ra hiệu, không cất tiếng khiến cậu “chẳng hiểu gì”. Lại hỏi mẹ và lần này cậu biết họ dùng thủ ngữ, một loại ngôn ngữ dành cho người câm điếc, để trò chuyện. Sự tò mò về những dấu hiệu chuyển tải thông điệp thay cho lời nói trong Phong bắt nguồn từ đó.

Nhật (áo trắng) đang luyện tập các ký hiệu mới học cùng bạn.

 
Lớn hơn một chút, cậu bắt đầu tìm hiểu trên mạng về ngôn ngữ lạ lùng ấy và sau đó tham gia lớp học. Nam sinh năm thứ hai này cho biết: “Em có khả năng nhớ, không cần ghi ra hay miêu tả ra giấy để học thuộc, chỉ cần nhìn thầy làm trên lớp và về tưởng tượng lại rồi luyện tập là quen”. Với cậu, việc thể hiện điệu bộ cơ thể, cử chỉ khi dùng ngôn ngữ đặc biệt này là khó nhất. Lúc đầu chưa quen, Phong cảm thấy gượng gạo, “tay nọ đánh tay kia” còn bộ mặt thì vô hồn, đầu óc chỉ tập trung sao cho nhớ phải dùng ký hiệu nào để nói từ này. Theo cậu, cách tốt nhất để học hiệu quả là nói chuyện nhiều với thày giáo và tiếp xúc thường xuyên với các em nhỏ câm, điếc. Ngoài việc luyện ký hiệu ở nhà, Phong nói rằng mình thường xuyên chat webcam và nhắn tin cùng cộng đồng người khiếm thính để nâng cao trình độ.
“Đừng chú ý nhiều đến ngữ pháp bởi nó rất khác so với cách nói thông thường của chúng ta. Cố gắng sử dụng dấu hiệu nhiều, sai cũng được, khi nói chuyện với thày sẽ giúp mình tiến bộ”, Phong chia sẻ cách học. Hát bằng ngôn ngữ ký hiệu cũng là một cách Phong áp dụng. Từ bài ca từ đơn giản đến phức tạp, cậu tự “múa” ở nhà và quay clip để sửa lỗi. Theo Phong, học ngôn ngữ dấu hiệu cũng giống như học một ngoại ngữ mới. Cậu thấy mình trở nên đặc biệt và được nhiều người chú ý khi đứng ngoài đường nói chuyện bằng tay. Cảm giác đó khiến cậu thích thú.
Lớp của Phong gồm cả người bình thường và người khiếm thính. Có người theo học vì trong gia đình có thành viên bị câm, điếc, số khác đăng ký vì thấy lạ nhưng phần đa các bạn học sinh, sinh viên học với mong muốn có thể giao tiếp được với người không có khả năng nghe và nói. Học sinh sẽ được học từ mới theo chủ đề như khi học tiếng Anh, sau đó là hội thoại và cuối cùng là thực hành bằng cách diễn đạt lại một đoạn văn dưới sự trợ giúp của một giáo viên là người bình thường và một là người khiếm thính.
Ngồi bàn đầu, cậu học sinh tên Nhật lớp 11 trường Quang Trung nhí nhảnh khi dùng đôi tay trêu đùa người chị họ tên Hà là sinh viên năm nhất trường Đại học Thăng Long. Nhật mới chuyển sang lớp nâng cao sau ba tháng học cơ bản. “Em không cảm thấy quá khó khi học. Điều quan trọng là em thích”, cậu bé vừa nói vừa cười rồi nhanh chóng quay lên nhắc bài bằng ký hiệu cho một chị đang bị thầy kiểm tra bài cũ. Biết đến lớp đặc biệt qua một người bạn, Nhật đăng ký rồi rủ cả chị theo học cùng. Chậm hơn cậu em, người chị của Nhật thường phải miêu tả lại động tác của một từ ra giấy rồi học thuộc. Ban đầu cả hai đều không xác định học thủ ngữ để làm gì nhưng càng học càng bị cuốn hút. Thỉnh thoảng cậu tới trường dành cho trẻ câm, điếc để chơi đùa và giao lưu cùng các em. Ngay bàn phía sau của Nhật là đôi bạn câm, điếc đến từ Hòa Bình và Thái Nguyên. Hai cô gái nói chuyện bằng ngôn ngữ của mình và thỉnh thoảng “cãi nhau” với người bạn cùng cảnh ngộ ngồi dãy bàn bên cạnh.

Trong lớp, các học viên giao tiếp với nhau bằng ký hiệu thay vì lời nói

 
Ở Hà Nội hiện nay có một vài cơ sở dạy thủ ngữ do các tình nguyện viên được đào tạo và chính những người khiếm thính đứng lớp. Ngoài Trung tâm trên, Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu cũng là một địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Nơi này chủ yếu đào tạo tình nguyện viên là sinh viên. Mỗi khóa học tối đa 15 học sinh nhưng cũng có khi cá biệt lên tới 50 người. Cũng có mơ ước làm phiên dịch, cô bạn tên Huyền, sinh viên trường Đại học Dân lập Đông Đô, đến với ngôn ngữ của người câm, điếc bởi nó hình ảnh và chuyển tải nhiều thông điệp hơn lời nói. Nữ sinh này cho hay, cô thích ngôn ngữ ký hiệu vì “hành động luôn giá trị hơn lời nói”. “Lời nói gió bay còn hành động sẽ khiến người khác ấn tượng và nhớ mãi. Nếu ai không yêu thích sẽ không theo được bởi ngữ pháp rất khó và khác so với ngữ pháp của người bình thường. Trong câu, những từ chỉ cảm xúc luôn đứng sau danh từ được nói”, Linh giải thích. Cô lấy ví dụ, nếu người bình thường hỏi “Đi ăn cùng tôi không?” thì với người khiếm thính sẽ là “Tôi đi ăn cùng không? Hoặc “Bạn, tôi đi không?”.
Khác với các bạn trên, Linh, sinh viên Học viện Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh, theo đuổi "ngoại ngữ" này vì nghề nghiệp. "Công việc của em là chữa bệnh, không chỉ cho người bình thường mà cả người khiếm thính", Linh nói. Với cô sinh viên năm ba ấy, ngôn ngữ dấu hiệu thật khó khiến cô ngày nào cũng phải đi theo các chị giáo viên và đến chơi cùng các em khiếm thính để học. Tư duy và suy nghĩ của người điếc thường khác người thường nên Linh cho rằng thủ ngữ hỗ trợ cô nhiều ở khả năng thuyết trình cũng như kích thích chí tưởng tượng.
Cũng như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ ký hiệu của từng nước, thậm chí là từng khu vực trong một quốc gia rất khác nhau. Điều đó là do mỗi nước, khu vực có lịch sử, văn hóa, tập quán khác nhau nên dấu hiệu để biểu thị sự vật hiện tượng cũng khác nhau. Do ngôn ngữ ký hiệu phát triển hơn trong cộng đồng người khiếm thính nên những người thuộc cộng đồng này của hai nước khác nhau có thể giao tiếp với nhau tốt hơn hai người bình thường không biết ngoại ngữ. Hai đặc điểm quan trọng nhất của thủ ngữ là tính giản lược và có điểm nhấn. Tại Việt Nam, ba phương ngữ dấu hiệu được sử dụng chính là Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Hệ thống ngôn ngữ chuẩn quốc gia cũng đang được xây dựng.
Theo Bình Minh
(ngoisao.net)