Thứ hai, 30/6/2008, 16h59

Đào tạo điều dưỡng ở Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành: Mô hình kết hợp “trường - viện”

Mô hình “Nghề dạy nghề” được Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành học tập từ nước ngoài về áp dụng đầu tiên tại Việt Nam.Hiện nay trường đang từng bước chuyển đổi mô hình từ “Bác sĩ dạy điều dưỡng” sang “điều dưỡng dạy điều dưỡng”, từ đó nhà trường mới có đủ “thầy đúng nghề để dạy đúng nghề” và “trò mới được học đúng nghề”.

Trường của doanh nghiệp

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài và nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân đến thăm trườngVới cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên vốn có của 8 khoa đang đào tạo 31 ngành, nghề ở các trình độ khác nhau như cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, đào tạo nghề, khoa Điều dưỡng ra đời trong điều kiện có nhiều thuận lợi: Được kế thừa và tận dụng các trang thiết bị dạy học hiện đại và đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao của các môn học chung.

Mặt khác, Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành là một trong số rất ít trường ở Việt Nam là “trường của doanh nghiệp”. Nhà trường có mối liên kết lâu đời với doanh nghiệp, nắm bắt được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, các dịch vụ. Do vậy, nhà trường luôn bám sát vào nhu cầu của các cơ sở sử dụng nhân lực để cung cấp cho học sinh, sinh viên những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết và các cơ sở sẽ tiếp nhận đội ngũ cán bộ kỹ thuật do nhà trường đào tạo ra.

Phát huy truyền thống đó, khoa Điều dưỡng Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành ngay sau khi được thành lập đã sớm kết hợp với 10 bệnh viện lớn đóng trên địa bàn TP.HCM và nhiều bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (các bệnh viện công và tư) để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập (trong 50 tuần/khóa học) về các môn điều dưỡng lâm sàng. Những bệnh viện này không chỉ là nơi tạo ra môi trường tốt cho học sinh thực hành các kỹ thuật chăm sóc người bệnh mà còn là cơ sở cung cấp cho nhà trường một đội ngũ giáo viên (hơn 400 người) đủ và đúng nghề để hướng dẫn, kèm cặp, quản lý và đánh giá quá trình thực tập của học sinh.

Kết hợp giữa “cung - cầu”

Hiện nay, với cơ chế kết hợp trường - viện, mỗi giáo viên lâm sàng có nhiệm vụ quản lý, kèm cặp hướng dẫn và đánh giá quá trình thực tập của 2 học sinh. Với công thức 1 kèm 2 (1 giáo viên kèm 2 học sinh) để có 3 lợi ích (điều dưỡng bệnh viện ngày càng giỏi, học sinh điều dưỡng chăm rèn luyện kỹ năng tay nghề, người bệnh được nhiều người chăm sóc tốt hơn), được thực tập tại các bệnh viện lớn, được điều dưỡng của các bệnh viện này quản lý, kèm cặp và hướng dẫn thực hành lâm sàng đúng theo nghề điều dưỡng, chắc chắn học sinh điều dưỡng sẽ có kiến thức, có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp tốt và sẽ được chính các bệnh viện này nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Để có được đội ngũ điều dưỡng đủ để hướng dẫn thực hành lâm sàng điều dưỡng cho học sinh của trường, nhà trường đã mở lớp đào tạo về phương pháp sư phạm cho giáo viên thỉnh giảng là các điều dưỡng trưởng bệnh viện, điều dưỡng trưởng khoa và điều dưỡng có năng lực, có kinh nghiệm và kỹ năng tay nghề. Khi tham gia lớp đào tạo này, các học viên được cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết để quản lý và hướng dẫn học sinh tiến hành qui trình kỹ thuật chăm sóc, để đánh giá kiến thức, đánh giá mức độ thực hiện chỉ tiêu tay nghề, phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp và mức độ thành thạo tay nghề. Qua lớp đào tạo này, các điều dưỡng bệnh viện có đủ năng lực để quản lý, kèm cặp, hướng dẫn thực hành chăm sóc người bệnh và đánh giá được quá trình thực tập của học sinh.

Hiện nay, để đào tạo được đội ngũ giáo viên điều dưỡng tại bệnh viện có đủ năng lực giảng dạy, quản lý và đánh giá quá trình thực tập của học sinh, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã giao cho Thành hội Điều dưỡng TP. HCM tổ chức triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trường - viện trong đào tạo điều dưỡng” giữa Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành với các bệnh viện, trong đó Hội Điều dưỡng Việt Nam sẽ cùng với Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án. Bước đầu, dự án được triển khai xây dựng mô hình kết hợp giữa trường với Bệnh viện Triều An, sau đó rút kinh nghiệm và sẽ triển khai rộng thêm 10 bệnh viện khác đóng trên địa bàn TP. HCM. Bước tiếp theo sẽ nhân rộng mô hình này đến các bệnh viện tuyến tỉnh.

Với phương châm kết hợp trên, Nhà trường sẽ khắc phục được sự bất cập về cơ cấu đội ngũ giáo viên đào tạo điều dưỡng như hiện nay (75% là bác sĩ và 25% là điều dưỡng) và từng bước chuyển đổi được mô hình từ “Bác sĩ dạy điều dưỡng” sang “điều dưỡng dạy điều dưỡng”, từ đó nhà trường mới có đủ “thầy đúng nghề để dạy đúng nghề”“trò mới được học đúng nghề”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành đã và đang chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên để trong thời gian tới có thể đào tạo điều dưỡng trình độ cao đẳng, đào tạo nâng cấp cho điều dưỡng sơ cấp và mở thêm mã ngành đào tạo dược sĩ trung cấp.

Nhà trường đã, đang và sẽ liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đào tạo điều dưỡng có đủ năng lực để có thể xuất khẩu đi lao động ở các nước trên thế giới.

Nhà trường cùng với một số công ty tạo điều kiện khuyến khích học sinh điều dưỡng tham gia học tiếng Anh (như cấp học bổng cho 1 khóa học tiếng Anh) để sau khi tốt nghiệp có thể tham dự vào các lớp đào tạo bổ sung theo yêu cầu của những nước có nhu cầu về nhập khẩu điều dưỡng viên Việt Nam.

 

T.S