Thứ tư, 5/9/2012, 16h09

Ký ức đôi bờ “sông Seine” giữa Sài Gòn

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc khu vực quận 3

Dòng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã xanh trở lại. “Sức khỏe sinh thái” của một dòng kênh đang trỗi mình trước sự vui mừng của hơn 8 triệu người dân thành phố. Rồi đây, con kênh sẽ trở thành một dòng “sông Seine” giữa lòng Sài Gòn.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xem là tuyến sông tự nhiên xưa nhất của đất Sài Gòn - Gia Định. Khi giao thông đường bộ chưa phát triển, kênh là tuyến giao thông chính vận chuyển hàng hóa phân phối ở các chợ thuộc Q.3, Q.10 và Tân Bình. Theo tài liệu cũ, rạch Thị Nghè là địa giới tự nhiên giữa nội thành và ngoại thành Gia Định.
Nguồn gốc cái tên
Kênh trước kia dài 10km, sau rút ngắn còn 8,7km chảy qua các quận Tân Bình, Q.3, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Theo ông Nguyễn An Định, con trai đầu của nhà yêu nước, luật sư, liệt sĩ Nguyễn An Ninh thì con kênh này có hai tên là Nhiêu Lộc và Thị Nghè. Nhiêu Lộc là tên gọi từ đoạn cầu Thị Nghè trở về đầu nguồn (tức giáp với đường Út Tịch, Q.Tân Bình), và từ Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn gọi là kênh Thị Nghè, trước thường gọi là rạch Thị Nghè. Ông Định nhớ lại: “Cha tôi kể, ông quan Đặng Lộc thời nhà Nguyễn được phong chức quan Nhiêu học là người có công lớn trong việc sửa sang, cải tạo kênh phục vụ giao thông đường thủy. Để tưởng nhớ công ơn của ông quan này, người dân đã đặt tên kênh là Nhiêu Lộc. Còn cái tên Thị Nghè được cha tôi giải thích là hồi đó con gái của quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân là Nguyễn Thị Khánh, theo chức tước của chồng, bà được người xưa tôn xưng là bà Nghè (Nghè là từ trong dân gian gọi tiến sĩ thời phong kiến). Thời đó, việc đi lại từ bên này sang bên kia kênh, phương tiện duy nhất là đò. Thấy việc đi lại của người dân khó khăn, bà Khánh cho xây cây cầu và được đặt tên là cầu Bà Nghè, tuyến kênh này cũng cùng tên ấy. Đến thời Pháp thuộc, cả cầu và tuyến kênh này cùng được đổi thành Thị Nghè”. Cũng theo ông Định, “Thị” không phải lấy từ chữ lót của bà Khánh mà Thị ở đây muốn nói đến phố thị, chợ nơi diễn ra các hoạt động buôn bán khá nhộn nhịp”.
Người xưa có thời tuổi thơ nhiều kỷ niệm với con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay không còn nhiều. Người ngược ra Bắc, kẻ xuôi miền Tây; người giờ đang định cư ở nước ngoài; người đã vĩnh viễn ra đi… Trong những ngày đi tìm người xưa có nhiều kỷ niệm với con kênh, tôi đã gặp cụ Nguyễn Danh Hiển, nay đã 87 tuổi hiện sống tại Q.Tân Phú, TP.HCM. Cụ Hiển nói: “Hồi đó nước kênh trong vắt, lũ trẻ tụi tôi thích thú được đắm mình dưới dòng nước xanh mát. Những hôm nước xuống, nhiều người còn ra đây bắt cua, bắt ốc về ăn. Mỗi chiều, dọc hai bờ kênh đông vui lắm, phụ nữ giặt đồ, đàn ông thì gánh nước (nước sạch và trong, có thể nấu cơm được - NV). Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày xưa rộng lắm, ghe tàu chở hàng ra vào tấp nập mỗi sáng. Đám con nít tụi tôi thường chơi trò bơi thi, kẻ thua phải cõng người thắng đi nhiều vòng dưới nước”. Ông Nguyễn Văn Tịnh, sinh ở Chánh Phú Hòa, Sông Bé (nay là Bình Dương) trở thành thị dân Sài Gòn từ năm 21 tuổi. Nay ông Hòa đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những gì liên quan đến con kênh này ông vẫn còn nhớ như in. Khi được hỏi về dòng kênh “cổ tích” này, ông Hòa bồi hồi: “Những năm đầu theo gia đình lên sống ở đoạn kênh gần cầu Công Lý, anh em tôi làm nghề bốc vác than cho vựa ở chợ Trương Minh Giảng, cứ chiều là nhảy xuống kênh tắm rửa trước khi về nhà. Có hôm bị đám bạn nghịch quá trớn, lấy hết quần áo giấu, tôi phải huơ tay “cầu cứu””.
Dòng “sông Seine” của Hòn ngọc Viễn Đông
Qua thời gian, tình trạng lấn chiếm, cơi nới nhà cửa ra kênh cộng với bồi lấp khiến chiều rộng kênh hẹp dần. Nhà cửa nhiều, dân cư đông đúc kéo theo nhiều hệ lụy về môi sinh, nước thải sinh hoạt trực tiếp đổ ra làm thay đổi bộ mặt kênh theo chiều hướng xấu. Con kênh thơ mộng, trong xanh ngày nào đã không còn nữa, thay vào đó là một màu nước đen ngòm, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua nhiều lần cải tạo, nạo vét khai thông đến nay đã dần trong xanh trở lại. Ý thức của người dân trong việc giữ gìn dòng kênh xanh mát cũng đã thay đổi đáng kể. Những dãy nhà cao tầng, khu phố ăn uống sầm uất dọc hai bên đường cũng được mọc lên góp phần “tạo dáng” cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Khi vạt nắng cuối ngày dần tắt, người dân thả bộ, thi thoảng những đôi tình nhân chở nhau trên đoạn kênh cùng nhau cất lên lời ca yêu đời: “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi…” (ca khúc Con kênh xanh xanh - tác giả Ngô Huỳnh). Rồi đây, hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa sẽ xanh hơn với bóng mát của cây bàng vuông, cây phong ba được mang về từ quần đảo tiền tiêu Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Thế hệ trẻ TP.HCM nói riêng và người dân thành phố nói chung sẽ vô cùng tự hào, hãnh diện vì sự đổi thay từ một con kênh nước đen ngòm nay được phủ đầy một màu trong xanh.
Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang trong giai đoạn nước rút. Nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và một số hạng mục đang thi công dở dang như lắp đèn chiếu sáng, tạo mảng xanh… đang chuẩn bị hoàn tất là niềm phấn khởi mà người dân thành phố ngày ngày mong đợi. Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết, khi dự án này đưa vào sử dụng thì toàn bộ nước thải sinh hoạt sẽ chảy vào tuyến cống bao dẫn về trạm bơm để xử lý. Đây không chỉ là một thông tin đơn thuần mà là sự kỳ vọng của hơn 8 triệu dân thành phố.
Bà Nguyễn Thị Vân (81 tuổi), ngụ đường Hoàng Sa là một trong số ít người sinh sống lâu đời bên rạch Thị Nghè. Bà Vân tâm sự: “Tôi cũng không tin con kênh xanh và đẹp đang dần hiện ra trước mắt thay cho con kênh bốc mùi hôi thối, đầy rác rưởi ngày nào. Dưới kênh không còn rác rưởi, trên bờ những khu nhà ổ chuột, tạm bợ cũng đã giải tỏa, thay mới bằng những tòa nhà chung cư cao tầng. Phố xá, hàng quán nhộn nhịp thật sự là niềm mong ước hàng chục năm của người Sài Gòn”. Bà Vân cũng như hầu hết người dân Sài Gòn mong rằng, khi Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc Thị Nghè hoàn thành, dòng nước trong xanh hơn hiện tại, lúc đó tôm cá sẽ có điều kiện sinh sôi. Sẽ không còn thị dân khu ổ chuột sống quanh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và trong tương lai, Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ là một “dòng sông Seine” của Hòn ngọc Viễn Đông.
Từ khi chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Ánh) cho xây thành Gia Định, rạch Thị Nghè trở thành địa danh quan trọng của Sài Gòn - Gia Định. Địa thế thuận lợi của con rạch được chúa Nguyễn quan tâm và cho xây xưởng Chu Sư - xưởng sửa chữa tàu chiến thủy quân nổi tiếng của nhà Nguyễn (sau là xưởng Ba Son).
Bài, ảnh: Trần Tuy An