Thứ hai, 19/1/2009, 08h01

Làng “nghề” lân sư rồng giữa Sài Gòn

Ảnh: I.T

Hình ảnh của lân sư rồng thường xuất hiện nhiều nhất trong ba ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, bất kể ở nơi đâu. Để khẳng định “đẳng cấp” của cái nghề được xem là truyền thống này, lân sư rồng “made in Vietnam” không những chiếm lĩnh trọn vẹn thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang tận nước ngoài. Nhân dịp xuân về, mời bạn cùng chúng tôi thử tìm hiểu đôi nét về “nghề” làm lân sư rồng đang “ăn nên làm ra” này giữa chốn Sài thành.
Từ… lân “hàng chợ”
Hiện nay, cụm làng nghề làm lân sư rồng tại TP.HCM được rải rác ở các quận 5, 6, 10, 11 và Tân Bình với trên dưới 20 cơ sở làm lân “hàng chợ”. Hầu hết là làm đầu lân, có khi làm thêm đầu ông Địa. Đầu lân hàng chợ thường có hai dạng: làm bằng giấy bồi và làm sườn bằng tre. Làm đầu lân bằng giấy bồi rất đơn giản (đầu ông Địa cũng được làm theo phương pháp này). Dựa trên khuôn mẫu có sẵn (bằng xi măng, thạch cao), đắp một lớp giấy hơi ẩm lên khuôn, dán thêm 1 - 2 lớp giấy trắng và 2 lớp giấy xi măng có phết hồ. Đầu lân được cắt dọc làm đôi, tách ra khỏi khuôn và được dán dính trở lại. Một thanh tre được ghép quanh “cổ” lân - vừa tạo sự chắc chắn, vừa làm tay cầm cho người múa. Chị Mùi - chuyên gia công bồi giấy cho các cơ sở làm lân ở đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), cho biết: “Nhờ có nhiều khuôn, một người có thể làm được đến 10 cái đầu lân/ngày”. Đây là loại lân dùng cho trẻ em chơi, có hai kích cỡ. Khoảng hơn năm nay, thị trường còn có thêm lân “kiểng” - kích cỡ nhỏ như mô hình, dùng để trưng bày cho đẹp. Giá một bộ lân (đầu lân, đầu ông Địa, trống và chập chõa) được bán khoảng 70-80 ngàn đồng/bộ lân lớn, bộ lân nhỏ và lân “kiểng” khoảng 40-45 ngàn đồng, tùy thuộc có hoặc không có thêm phần đuôi lân. Được thị trường tín nhiệm do hàng đẹp, bền là các cơ sở làm lân sư rồng nằm ở chợ Hòa Bình.
Có dịp dạo quanh một số cơ sở chuyên làm lân sườn tre (tập trung nhiều nhất ở khu vực quận 11), mới cảm nhận được rằng: tuy là sản xuất “hàng chợ” nhưng những người làm lân vẫn được xem là những nghệ nhân có tay nghề thực thụ. Họ tỉ mỉ với từng nan tre dày - mỏng khác nhau, cuốn cong và nối kết lại bằng những sợi dây được se từ giấy sa (loại giấy làm cho tim pháo ngày trước) để tạo dáng cho sườn lân (đầu lân được tạo thành hình tròn, đầu sư được tạo hình vuông vức hơn). Làm một cái sườn lân mất khoảng một ngày. Sườn lân sẽ lần lượt được dán lên một lớp giấy xi măng, vải mùng giấy trắng. Sơn dùng tô vẽ lân sư rồng là loại sơn bột dạ quang. Lân sư rồng dạ quang đẹp, “bắt mắt” người xem, nhưng phải có sự hỗ trợ của đèn tím mới có thể phát huy được ưu điểm trên. Nhược điểm của lân sư rồng dạ quang là dễ bị lem màu khi gặp trời mưa, nên thường phải múa trong nhà. Do đó, chỉ có các đội lân múa chuyên nghiệp mới có nhu cầu tô vẽ lân bằng sơn dạ quang. Bình thường, sơn được trộn thêm dầu bóng để đầu lân sư rồng có thể phần nào đối phó được với... nước. Sừng lân được làm riêng, để có bị gãy cũng không làm ảnh hưởng đến sườn lân. Đầu lân được “trang điểm” thêm một miếng kim loại hình tròn ở giữa trán; được dán râu, lông mi, lông mày...; gắn mắt, mi mắt (bằng vải) có thể chớp - mở nhờ một cơ quan điều khiển đặt phía trong sườn lân. Những công đoạn trên được làm hoàn toàn bằng thủ công, đòi hỏi ở hoa tay và sự kiên trì trong từng thao tác nhỏ của nghệ nhân. Lân sườn tre có 5 kích cỡ khác nhau phù hợp theo độ tuổi người múa. Lân “hàng chợ” thường có giá “gốc” khoảng từ 350 ngàn đến 1 triệu đồng/đầu lân. Anh Cường (đường Lão Tử, quận 5), gia đình đã ba đời theo nghề, hiện nay chuyên làm đầu lân sư rồng bỏ mối cho các tiệm - đã thật thà cho biết: “Sườn lân rẻ tiền có ít nan tre hơn và cũng ít được chăm chút hơn trong các công đoạn, nên đôi khi hơi bị méo hoặc lệch. Tiền nào của nấy mà...!”.
Đến... lân “đặc chủng” xuất khẩu
Lân sư rồng “đặc chủng” là loại hàng cao cấp, dành cho các đội lân chuyên nghiệp múa có biểu diễn võ thuật. Một đầu lân và sư nặng từ 3 kg đến 6 kg và một đầu rồng có thể nặng từ 3 kg đến 20 kg. Thời gian hoàn tất cũng phải hơn một tuần đối với đầu lân và sư, và hơn nửa tháng đối với một đầu rồng. Nếu như phần râu, lông mi, lông mày... của lân sư rồng “hàng chợ” được làm bằng sợi cước, lông dê, lông thỏ, lông nhân tạo...; thì ở loại hàng cao cấp này, nó thường được làm bằng lông cừu nhập từ nước ngoài. Có khi lân sư rồng “đặc chủng” được trang trí thêm dàn đèn điện tử chớp tắt. Ở một đầu lân và sư được gắn từ 200 - 800 bóng đèn; còn ở rồng phải cần trên 4.000 bóng đèn cho toàn thân. Đôi khi theo yêu cầu của khách, sườn lân và sư được làm bằng mây. Mây mềm dễ uốn, tuy không cứng cáp bằng tre nhưng được cái là ít bị... mối “gặm”. Do đó sườn làm bằng mây được các tỉnh chuộng hơn, và vì là hàng “đột xuất” nên giá cả cũng hơn chút đỉnh. Một đầu lân “đặc chủng” có giá tiền từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng; và từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nếu bán ra nước ngoài. Giá tiền sẽ cao hơn nếu mua nguyên con lân (gồm đầu, đuôi và hai quần).
Mới đây, người viết bài được tận mắt chứng kiến xem anh trưởng đoàn Từ Tiết Hằng cùng với một số “đệ tử” trong đội lân sư rồng Hằng Anh Đường đang chuẩn bị “khai sinh” một con rồng, anh Từ Tiết Hằng đã “bật mí”: “Nó dài 188 mét, hơn con rồng năm ngoái 23 mét. Gần như năm nào chúng tôi cũng thay toàn bộ lân sư rồng mới. Chúng tôi chuẩn bị đón tết năm nay với hơn 20 con lân sư rồng các loại”. Cầm đầu rồng thô chưa “trang điểm” lên coi thử, nặng thiệt! Lật xem phía trong, sườn rồng có thêm 4 thanh nhôm dẹp (2 tròn, 2 thẳng) kết nối cân xứng. Anh Lương (chuyên gia làm lân sư rồng cho đội Hằng Anh Đường hơn 10 năm nay cho biết: “Mỗi loại có một cái khó riêng. Làm sườn lân - sư sợ nhất là phần mắt trên. Nếu không khéo, kết vầng mắt thấp sẽ cho ra con lân - sư giống như đang... buồn ngủ, kỳ lắm! Làm sườn rồng, khó nhất là tạo dáng sừng và mang. Phần tô và trang trí được làm theo nguyên mẫu; hoặc chế tác thêm theo mắt mỹ thuật riêng của người thực hiện hoặc khách hàng yêu cầu”. Người múa rồng không thể điều khiển miệng rồng như khi múa lân - sư. Do đó hàm dưới của rồng có đặt một lò xo để có thể tự động khép mở miệng rồng. Đưa mắt tìm kiếm, chỉ thấy mỗi cái đầu và cái đuôi rồng, tôi liền hỏi: “Mấy khúc giữa của con rồng đâu?”. Anh Từ Tiết Hằng cười, chỉ vào đống giỏ “cần xé” ở góc nhà: “Nó đó!”. Thì ra đống giỏ “cần xé” là những ống tròn được kết bằng tre. Sau khi “gia cố” thêm vài bộ phận để có thể tra vào một ống nhôm dài khoảng 1,6 mét, nó sẽ đỡ khúc mình cho rồng khi múa. Khác với đuôi lân - được trang trí bằng nhiều mảnh vải, kim tuyến hoặc lông - phần mình và đuôi rồng là những tấm vải được in hoa văn, màu sắc dạ quang. Hai tấm vải cùng hoa văn, màu sắc làm hông, làm sườn; một tấm vải khác làm bụng và những miếng “mút” (mousse) có hình dợn sóng được bọc vải sẽ được dùng làm xương sống rồng.
Bình thường, sau khi sử dụng biểu diễn, một con rồng dài mấy chục thước sẽ được tháo ra thành nhiều bộ phận rời. Khi chuẩn bị múa, nó sẽ được kết nối và ráp lại, mảnh vải làm phần mình sẽ phủ kín các vật liệu “linh tinh” bằng dây gài hoặc dán rất chắc chắn. Do giá tiền của một con rồng khá đắt, nhiều đội chủ trương “ăn chắc mặc bền” yêu cầu phải làm đầu rồng có lớp giấy và hai lớp vải. Cũng có đội yêu cầu làm đầu rồng chỉ cần phủ hai lớp giấy, hầu giảm bớt “gánh nặng” cho người múa. Theo võ sư Lưu Kiếm Xương (phụ trách đội lân Nhơn Nghĩa Đường): “Một đầu rồng đạt tiêu chuẩn không chỉ nhờ nó được làm khéo, đẹp, có mỹ thuật... Người làm đầu rồng phải biết cân đối lực để tạo sự dễ dàng cho người múa. Nếu đầu rồng không cân xứng, trọng tâm bị lệch, người múa đầu rồng rất dễ bị trật cổ tay”. Và như võ sư Lưu Kiếm Xương tâm sự: “Nghề làm lân sư rồng rất công phu và hấp dẫn - như chính nghệ thuật múa lân vậy! Nó luôn đòi hỏi tính sáng tạo nhưng vẫn yêu cầu phải giữ được những nét truyền thống”.
Trần Nguyễn