Thứ hai, 6/8/2012, 15h08

Nguyễn An Ninh - Ước mơ làm “cơn gió thổi”…: Kỳ 3: “Thủ lĩnh” nhí

Nhà tưởng niệm ba mẹ của Nguyễn An Ninh

Nguyễn An Ninh thông minh, lanh lợi nhưng nghịch ngợm thuộc hạng… ưu. Hầu hết những trò tinh nghịch của đám con nít trong gia đình bên ngoại ở Long Thượng đều do Nguyễn An Ninh làm “thủ lĩnh”.
Nghịch để người lớn thương
Khi ông bà Nguyễn An Khương lên Sài Gòn khuếch trương làm ăn và thành lập Chiêu Nam Lầu, Nguyễn An Ninh sống với ông bà ngoại. Qua lời kể của mẹ với con gái Nguyễn Thị Minh thì: “Ba tụi bây không đẹp cũng không xấu, nhưng gặp rồi cứ nhớ hoài, một mẫu người khiến mình mơ ước. Từ lúc mới gặp đến sau này, ba bây vẫn không có gì thay đổi về cách sống, ứng xử với vợ con và bè bạn hết sức mẫu mực. Chỉ có mái tóc lúc thì để dài tới mang tai, khi thì cạo trọc”.
Tuy là cháu ngoại của ông Hội đồng Lợi nhưng Nguyễn An Ninh chỉ nhỏ hơn dì và cậu út một, hai tuổi. Ninh nổi tiếng nghịch ngợm. Đám con cháu (trong đó có cả dì và cậu) mỗi lần vui quá trớn, đánh nhau chí mạng hay những “vụ án” lớn đều do Ninh làm “thủ lĩnh”.
Mỗi lần đám con cháu cũng như dì, cậu cùng lứa tuổi với Ninh nghịch phá làm hư hỏng đồ đạc, vật dụng bị người lớn la mắng thì Ninh đều can đảm đứng ra nhận tội. Dù còn nhỏ tuổi nhưng Nguyễn An Ninh biết pha trò, chọc cười mỗi khi người khác buồn bực chuyện chi đó. Lần ông ngoại của Ninh ngồi trước hiên nhà, mắt đăm chiêu, Ninh bước nhẹ đến trước mặt ngoại rút một cánh tay ra khỏi áo cho vào túi quần sau cựa quậy, tay còn lại xỏ vào tay áo rỗng rồi quàng lên đầu. Ninh cố tình đi qua đi lại trước mặt ông nội nhiều lần. Ông ngoại đã bực càng bực hơn, quát lớn: “Thằng Ninh, làm cái gì vậy cà?”. Ninh lém lĩnh: “Ông ơi. Con gì chui vô quần con đây này, hai tay con lại bị… kẹt không thể làm được gì”. Ông ngoại biết rõ thằng cháu nghịch ngợm liền kéo áo Ninh lại, chụp cánh tay sau túi quần rồi nắm tay đang quàng trên đầu xuống. Nét mặt ngoại thôi nghiêm nghị: “Con không qua mặt được ngoại đâu”. Ninh cười, nhảy nhót như chú chim non rồi hỏi: “Thế ông hết bực mình rồi phải không?”. Ông cười, xoa đầu cháu.
Chuyện nghịch ngợm của Nguyễn An Ninh thì nhiều vô kể nhưng sau những gì mà Ninh gây ra, ông bà lại yêu thương cháu hơn. Lần khác, nhân dịp Tết, các vị hương chức đến chúc Tết ông với bức hoành phi có dòng chữ mạ vàng “Dân chi phụ mẫu” (nghĩa Cha mẹ của dân). Ông ngoại cứ trầm trồ mãi vì món quà đẹp, có ý nghĩa rồi sai người treo trang trọng ở gian nhà trên. Vốn không thích, Ninh bày trò cho đám con nít trong nhà tháo nó xuống. Chuyện tày đình như thế chẳng ai dám nghe theo. Ninh lại giục: “Cứ tháo xuống đi, ông có mắng thì nói Ninh làm”. Đứa nào đứa nấy tin lời Ninh răm rắp, liền tìm cách tháo bức hoành phi xuống. Tháo xong, Ninh còn “vẽ đường” cho cả bọn chạy trốn. Ông về phát hiện. Trong đầu ông lúc này nghĩ ngay đến thằng Ninh. Chuyện tày trời này chỉ có thằng Ninh mới dám làm. Ông đùng đùng nổi giận. Dì Út thấy vậy lo lắng cho Ninh, chạy đi báo tin chẳng lành. Trời tối, không thể trốn đi đâu được nữa. Ninh lệnh: “Thôi đành về nhà, Ninh sẽ nhận tội một mình”. Về đến nhà, Ninh kính cẩn thưa: “Thưa ông, con không thích dòng chữ ấy”. Ông ngồi đó chẳng thèm nói một câu. Ông phạt cả đám nhịn cơm tối. Còn với Ninh, ông phạt bằng cách xích chân lại. Đến nước này mà Ninh còn mồm mép: “Ngoại ơi, ngoại xích con bằng sợi xích dài dài để con còn nhảy nhót”.
Làm thơ khi bị xiềng xích
Ông ngoại thương Ninh nhất nhà nhưng không thể không buồn lo vì tính tình bướng bỉnh, nghịch ngợm không biết mai này sẽ thế nào? Ông lo lắng cũng phải vì ông muốn hướng con cháu học hành đến nơi đến chốn, đem tri thức giúp nước mà Ninh lại gây ra nhiều chuyện buồn phiền như thế. Dù mới chỉ là chuyện nhỏ nhưng chuyện nhỏ làm được thì chuyện lớn cũng sẽ làm được. Ông lo rằng Ninh sẽ hư hỏng. Ông ngoại bỏ lên nhà trên ngồi ở bộ trường kỷ. Bỗng ông nghe Ninh đọc 4 câu thơ: “Xích xiềng rèn đúc tự bên Tây/ Cớ sao đem tới nước Nam này/ Để ta phải chịu chân cùm trói/ Chừng nào tháo được xích xiềng đây?”. Ông ngoại nghe cháu ngân nga thơ, bao nhiêu buồn bực tan biến. Ông xuống nhà dưới, khóe mắt ông ươn ướt. Ông gọi đầy tớ mở xích cho Ninh. “Ai dạy con vậy?, ông ngoại hỏi. Ninh cười tươi, đáp: “Con tự làm đó. Ông thấy hay không?” Ông khen nức nở. Đám con nít đang thút thít ở nhà dưới lại quậy tưng lên vì Ninh được trả “tự do””.
10 tuổi, ông ngoại đưa Ninh lên Chiêu Nam Lầu ở với cha để đi học. Thời gian này Chiêu Nam Lầu đang ăn nên làm ra. Cả nhà phấn khởi vì kế hoạch tài chính chuẩn bị cho phong trào Đông Du thành công bước đầu. Đùng một cái, tin dữ đến với gia đình. Anh hai Nguyễn An Thái của Ninh sau khi học xong tiểu học ở Trường dòng Taberd, đậu vào Trường Trung học Mỹ Tho. Học đến năm thứ 2 thì mắc bệnh tiêu chảy. Hay tin trường báo, ông bà Khương tất tả đến thì không còn kịp. Ông bà Khương đưa xác con về, cả nhà như chết lặng. Thái mất năm 13 tuổi. Chỉ thời gian ngắn sau, bà Dương Thị Tiền, tức bà nội của Nguyễn An Ninh qua đời vì trọng bệnh. Mất 2 người thân liên tiếp, ông Nguyễn An Khương buồn bã, suy nghĩ nhiều, kiệt sức nên bị bệnh tai biến nhẹ. Bà Khương dù cứng rắn cũng lâm bệnh vì mất con nhưng bà cố giấu ông.
Nguyễn An Ninh lên Sài Gòn ở Chiêu Nam Lầu được một năm thì mẹ mất. Ông ngoại đưa về chôn cất ở Long Thượng. Ông Khương buồn, chuyển về Hóc Môn sinh sống. Ông mua đất cất nhà ở một mình, dịch sách và dạy học cho dân trong làng. Thời đó, người dân ở đây gọi ông Khương là thầy Sáu (ông Khương thứ sáu, tiếp theo các con trước của cha Nguyễn An Nghi ở Bình Định). Bao nhiêu tiền kiếm được từ kinh doanh ở Chiêu Nam Lầu ông Khương dành phần lớn để mua đất. Ông Khương tốt bụng, mua đất xong nhưng vẫn cho chủ cũ trồng trọt, không phải nộp tô thuế.
Bài, ảnh: Trần Tuy An 
Kỳ 4: Xuống tàu sang Pháp bằng ghế hạng bét