Thứ sáu, 2/1/2015, 15h01

Cảnh báo TNGT từ rượu bia ngày Tết

Để tự bảo vệ mình, nam giới không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu và 700ml/ngày đối với bia
Theo thống kê mới đây của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu - bia. Say rượu - bia khiến người điều khiển phương tiện không kiểm soát được hành vi dẫn đến gây tai nạn và thương vong. Những bài học cảnh giác từ bia rượu không khi nào là cũ, nhất là trong thời khắc cả đất nước đang chờ đón năm mới Ất Mùi.
“Bài học” không bao giờ cũ
Có lẽ thời điểm nhà nhà đón xuân mới cũng là khoảng thời gian người dân có dịp “chén chú chén anh” nhiều hơn so với ngày thường. Tình trạng uống quá đà cũng vì thế mà trở nên khó kiểm soát và nhiều vụ TNGT đã xảy ra. Cảnh báo về số vụ TNGT trong dịp xuân gần nhất là Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm ngoái, Ủy ban ATGT quốc gia đã đưa ra con số thống kê trong kỳ nghỉ Tết của cả nước là 458 vụ TNGT, làm 212 người chết, 481 người bị thương. So với các tỉnh, thành trong cả nước, TP.HCM là nơi tiếp nhận số ca cấp cứu về TNGT cao.
Anh Trần Đình Quý, ngụ quận Thủ Đức là một thí dụ. Khi Tết Giáp Ngọ sắp đến, anh Quý nhận được 2 thùng bia Tiger do bạn tặng nên đã tổ chức ăn tất niên sớm với mấy người hàng xóm. Khi 2 thùng bia đã gần cạn thì anh Quý nhận được điện thoại báo có người anh họ muốn ghé nhà chơi. Trên đường ra Bến xe Miền Đông đón khách thì anh Quý tự tông thẳng vào đuôi xe bồn đang tưới cây ven đường. Hậu quả vụ tai nạn anh Quý chết ngay tại chỗ, chiếc xe Air Blade thì nát bét phần đầu. Vì bị thương quá nặng nên anh Quý đã qua đời, để lại một vợ và hai đứa con tuổi còn thơ ấu.
Một vụ tai nạn khác cũng có nguyên nhân từ “ma men” xảy ra vào mùng 3 Tết. Anh Lê Phước Thắng (tài xế, trú tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) điều khiển xe ô tô 7 chỗ khi đang lưu thông trên đèo Prenn, TP.Đà Lạt, đến Km 290 + 800 quốc lộ 20, cách đỉnh đèo khoảng 200m thì bị rớt xuống vực phía bên phải. Vực sâu tới 150m nhưng xe mới lao xuống khoảng 10m thì khựng lại nhờ mắc vào cây thông cổ thụ. Rất may tài xế cùng 2 phụ nữ và 1 trẻ em chỉ bị thương nhẹ, được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân vụ tai nạn được cơ quan chức năng kết luận do tài xế lái xe trong tình trạng… nồng nặc mùi men.
Cần cẩn trọng với rượu bia
Theo kết luận của một cuộc nghiên cứu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành cho thấy ở Việt Nam, tình trạng nam giới sử dụng đồ uống có cồn là khá phổ biến. Ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại. Một thực tế đáng lo ngại hơn là tình trạng uống rượu bia ở những người có trình độ học vấn cao đang có xu hướng tăng, nhất là tại khu vực thành thị.
Theo Bộ Y tế, có tới 62% số nạn nhân bị tai nạn và 34% số người tử vong do TNGT đường bộ có nồng độ cồn trong máu cao. Để tự bảo vệ mình, các chuyên gia khuyên nam giới nên chủ động sử dụng rượu bia một cách chừng mực, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu và 700ml/ngày đối với bia. Đặc biệt, tuyệt đối không được uống rượu bia khi đói. Riêng đối với rượu, cần lưu ý không nên sử dụng rượu được chế biến theo kinh nghiệm dân gian, rượu giá rẻ, rượu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cảnh báo rằng tình trạng uống rượu, bia khiến người điều khiển phương tiện dễ bị bốc đồng, kích thích lưu thông với tốc độ cao. Mặt khác, rượu bia cũng là tác nhân gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi đang lưu thông, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh, gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT.
Theo các chuyên gia y tế, tùy vào từng mức độ sử dụng rượu bia sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia lưu thông. Cụ thể, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; ở mức 0,1mg/l khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; nếu với nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể bị lú lẫn khiến họ không thể tự chủ được hành vi cá nhân… Cũng theo nghiên cứu của WHO, khi tiến hành khảo sát trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam đã cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Nhằm giúp người dân đón Tết 2015 được trọn vui và an bình, lực lượng CSGT TP.HCM sẽ đồng loạt mở đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý các tài xế “ma men” trong khoảng thời gian từ ngày 16-12-2014 đến hết ngày 15-3-2015, nhằm kéo giảm TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới. Theo đó, CSGT sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các lỗi vi phạm như: Chạy xe quá tốc độ quy định; lưu thông đường cấm; lưu thông ngược chiều... Đáng lưu ý là những trường hợp điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ bị xử lý triệt để, hầu góp phần đảm bảo an toàn và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.
Bài, ảnh: Bích Vân
 
Sẽ mạnh tay hơn với các “ma men”
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thừa nhận một thực tế: “Dù đã có quy định cấm và mức hình phạt rất cao nhưng tình trạng lạm dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh địa bàn các thành phố, tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng cần kiểm tra, kiểm soát nghiêm những vi phạm quy định về nồng độ cồn vì trường hợp lái xe kinh doanh vận tải sử dụng rượu, bia còn nguy hiểm hơn nhiều. Sắp tới, chúng tôi mạnh tay hơn để khắc chế các “ma men” coi thường pháp luật, hình thành thói quen cho người dân “Đã uống rượu, bia - Không tham gia giao thông”. Có như vậy, niềm vui nơi bàn rượu mới không trở thành nỗi buồn, điều đáng tiếc khi những vụ TNGT xảy ra xuất phát bởi chính rượu bia.
M.H