Chủ nhật, 20/4/2014, 12h04

Chuyện dài xe quá tải, quá khổ: Kỳ cuối: Còn nhiều bất cập!

Nhiều xe tải lưu thông lúc đêm khuya để ít bị kiểm soát
Xử lý xe quá tải, quá khổ những ngày sắp tới sẽ được siết chặt hơn. Chủ xe cũng như tài xế đều lo lắng và dùng mọi cách để vẫn có thể tiếp tục hoạt động trong sự đối phó. Giới trong nghề cho rằng một khi những bất cập được tháo gỡ thì vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để.
Nỗi lòng người trong cuộc
“Một tấn hàng chở thuê chỉ có vài ba trăm ngàn, nhưng chi phí nhiên liệu ngày càng cao, chi phí cầu đường, trả lương tài xế và “chung chi” dọc đường nữa là chủ xe không còn gì để sống, vậy nên không chở quá tải, quá khổ cũng không được”, ông M.K, một chủ xe tải chuyên chở hoa tươi tuyến Đà Lạt - Sài Gòn than thở.
Còn theo ông Tuấn, một chủ xe có thâm niên theo dạng “cha truyền con nối” trong nghề vận tải hàng rau củ thì chủ xe cũng có nhiều áp lực từ phía khách hàng. Theo kinh nghiệm của ông Tuấn: “Hàng rau củ hoặc hoa tươi đều phải nâng niu như nhau, nên có chất quá khổ quá tải thì cũng ở mức độ chấp nhận được, để đảm bảo sản phẩm không bị dập nát khi giao đến tay đối tác của khách hàng. Trong trường hợp xấu nhất nếu có hư hại thì nhà xe cũng phải bớt tiền chi phí vận chuyển tùy vào mức độ gây thiệt hại cho khách hàng”.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, chủ xe lo một thì tài xế lo mười. Vừa chịu áp lực phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa phải đối phó với các tình huống xảy ra khi lưu thông, khi va quẹt, hay chẳng may gây tai nạn, hoặc khi bị “tuýt còi” thì tài xế cũng “lãnh đủ”.
Ngẫm cái phận “làm lính” phải chịu thiệt thòi, anh Trần Mai Công, một tài xế xe tải chuyên chở trái cây từ Vĩnh Long lên TP.HCM cũng bức xúc lắm mà không biết nói với ai. “Xe quá tải là do chủ xe chứ không phải do tài xế. Nhưng trách nhiệm né trạm cân, né cảnh sát giao thông, hoặc “lo lót” thì tài xế phải đối phó. Đành rằng tiền phạt do quá tải thì chủ xe lo, nhưng bằng lái bị giam, bị “bấm lỗ” thì tài xế phải chịu. Bị giam bằng hai hay ba tháng là tài xế cũng đói meo luôn. Chưa kể điều khiển xe quá tải còn phải chịu áp lực về tâm lý, trong lòng lúc nào cũng bất an nhưng vẫn phải chạy như ma đuổi. Được cái có nhiều đồng nghiệp “hỗ trợ” nên đa phần biết chỗ nào có cảnh sát giao thông thì tránh. Tránh không được nữa thì cũng phải chịu phạt thôi. Chỉ buồn là nếu bị phạt thì y như rằng sẽ bị chủ xe cằn nhằn. Chỉ cần bị phạt một lần mỗi tháng, là coi như hết nửa tháng lương”, anh Công bức xúc nói như tuôn một tràng dài với giọng điệu chán nản.
Vòng luẩn quẩn sẽ chấm dứt?
Theo nghị định 171/2013/NĐ-CP ban hành ngày 13-11-2013, xe vi phạm chở quá khổ, quá tải sẽ bị phạt tiền cả chủ xe và lái xe, bị tạm giữ phương tiện, đồng thời buộc phải hạ tải.
Theo Bộ GTVT, tính từ 1-4, sau khi chính thức áp dụng việc thực hiện trạm cân tại các địa phương với mục đích kiểm soát, tiến tới siết chặt quản lý hoạt động phương tiện vận tải hàng hóa, thì các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Tính đến thời điểm này mới có 52/63 địa phương thực hiện cùng với sự phối hợp của cảnh sát giao thông, nhưng chủ yếu vẫn còn mang tính hình thức, đối phó, chỉ làm trong giờ hành chính… Từ thực tế trạm cân không hoạt động 24/24 ở nhiều địa phương dẫn tới việc có nơi hàng trăm xe quá tải dừng đỗ ở hai phía đầu trạm để tránh giờ làm việc, chờ đến khi trạm nghỉ là tức tốc chạy qua.
Một tài xế trẻ nói rằng việc chấn chỉnh tình trạng xe quá tải, quá khổ bao lâu nay vẫn được thực hiện, nhưng chỉ làm gắt được một vài tháng rồi đâu lại vào đấy. Theo tài xế này, để chấn chỉnh triệt để tình trạng trên, cần chấm dứt tình trạng mãi lộ, đặt biển cấm dừng cấm đỗ ở đầu các trạm cân, lập khung giá vận tải hàng hóa phù hợp, chấm dứt tình trạng “xe vua”, chế tài chủ xe nếu vi phạm quá tải, chế tài những đối tượng làm “cò”, kiểm tra nồng độ cồn của tài xế thường xuyên và chế tài nặng nếu có vi phạm, khi có tai nạn xảy ra liên quan đến nguyên nhân quá tải thì chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới…
Một trong những điều mà tài xế mong muốn, hy vọng trong tương lai gần sẽ được thực hiện ở TP.HCM hầu góp phần khắc phục tình trạng xe quá tải, quá khổ. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Tất Thành Cang kiến nghị: “Ngoài tài xế, những đối tượng liên quan đến phương tiện quá tải, quá khổ như chủ hàng, chủ doanh nghiệp… cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để phương tiện gây ra TNGT nghiêm trọng”.
Trước kiến nghị của ông Cang về việc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng có liên quan trong việc để xe quá tải, quá khổ lưu thông và gây tai nạn nghiêm trọng, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng đồng tình với đề xuất trên và khẳng định các cơ quan Trung ương đang nghiên cứu nâng hiệu lực xử lý đối với hành vi này.
Bài, ảnh: Bích Vân
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu siết chặt kiểm soát tải trọng xe
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Công điện nêu,để khắc phục các tồn tại trong thời gian vừa qua, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần giảm thiểu TNGT, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo công an tỉnh và sở GTVT  tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng thời xác định công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần… Đồng thời, phải có biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm chở hàng quá tải, thách thức dư luận xã hội,  xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá trọng tải lưu thông trên đường bộ thuộc địa bàn; hàng tháng báo cáo kết quả kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ về Bộ GTVT, Bộ Công an và Ủy ban ATGT quốc gia.
T.B