Thứ tư, 23/7/2008, 12h01

Vì sao tai nạn do người đi bộ gây ra khá cao?

Người đi bộ ngang nhiên qua đường bất chấp Luật giao thôngTrong khi tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong 6 tháng đầu năm 2008 có xu hướng giảm nhẹ (545 vụ) thì số vụ tai nạn do người đi bộ lại tăng khá cao.

Đã có ít nhất 53 vụ tai nạn do người đi bộ gây ra từ đầu năm đến nay.

Cần nhiều biện pháp chế tài người đi bộ vi phạm luật

Theo số liệu thống kê, từ 1-12-2007 đến 31-5-2008, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 545 vụ TNGT khiến 459 người chết, 211 người bị thương, gây hư hỏng cho 768 xe các loại. Ngoài ra còn có 5.189 vụ va chạm giao thông khác, gây thiệt hại về người và phương tiện không đáng kể. So với cùng thời gian trước thì giảm 128 vụ (19%), giảm 60 người chết (12%), giảm 168 người bị thương (44%). So với cùng kỳ năm 2007, giảm 157 vụ tai nạn (22%), 127 người chết (22%), giảm 237 người bị thương (53%) và giảm 45 người chết vì TNGT. Bên cạnh đó, số ca chấn thương sọ não vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong vì nguyên nhân TNGT giảm đáng kể. Cụ thể, ca chấn thương sọ não nhập viện giảm 20% và tử vong giảm 30%. Tuy nhiên, trường hợp người đi bộ và xe đạp bị tai nạn nhập viện gia tăng đáng kể, từ 4%, hiện nay vọt lên 7%. Có phải đó là do hệ quả tất yếu của tốc độ phát triển đô thị hóa vượt quá xa “tốc độ nhận thức” và văn hóa của người tham gia giao thông (?)

Hầu hết 53 trường hợp người đi bộ bị TNGT ở đầu năm 2008 đều do họ băng ngang qua đường không đúng nơi quy định. Trong khi cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý theo hướng thật nặng, nhằm chấn chỉnh và làm thay đổi nhận thức đối với người tham gia giao thông bằng các loại phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô đang ngày càng được siết chặt thì lại bỏ quên một trong những đối tượng quan trọng là người đi bộ trong khi tham gia giao thông. Thậm chí, hiện nay, các biện pháp chế tài đối với người đi bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ chưa đủ tính răn đe hoặc không có xử phạt, đó là chưa nói đến việc khó mà áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với loại vi phạm này. Chẳng hạn như đối với hành vi trèo qua dải phân cách, mang vác vật cồng kềnh gây cản trở lưu thông, đi qua đường không đảm bảo an toàn thì bị phạt từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng; băng ngang qua đường không đúng nơi quy định, theo luật hiện hành chỉ xử phạt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.

Vi phạm vì thói quen

Luật thì quy định không rõ, các văn bản dưới luật, Nghị định cũng đã được Chính phủ ban hành với nhiều chi tiết qui định việc xử phạt hành chính, nhưng với một người đi bộ ra đường mà không mang theo giấy tờ tùy thân hoặc không mang theo tiền thì cảnh sát giao thông (CSGT) cũng khó mà xử phạt khi họ vi phạm luật. Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM cho biết, thực tế CSGT cũng đã từng lập biên bản xử phạt những người trèo qua dải phân cách, băng qua đường mà không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Thường họ cứ vô tư băng qua đường mà bất cần pháp luật hay nói đúng hơn là họ không cần quan tâm đến sự an toàn cho bản thân mình và những phương tiện xung quanh, những vi phạm thuộc về người đi bộ cũng chỉ xử lý được một vài trường hợp. Phải thừa nhận là ít phạt được người đi bộ vi phạm Luật giao thông. Mặc dù mức phạt rất nhẹ. Khi gặp người đi bộ vi phạm thì CSGT chỉ có thể khuyến cáo, chứ với một người đi tập thể dục, không có giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền bạc, thì khó mà xử phạt được.

Cho nên, hiện tại đối với người đi bộ thì cơ quan chức năng chỉ mong chờ vào sự nhận thức, và ý thức của họ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, có nhiều người thường không có thói quen chấp nhận đi bộ một đoạn để qua đường trên phần vạch sơn dành cho người đi bộ. Có khi họ còn đi ngược chiều hay đi ngênh ngang dưới lòng đường một cách vô tư. Nhiều người đã sai còn tìm cách biện minh cho mình là họ vi phạm Luật giao thông như là đi không đúng phần đường theo quy định, vì bị chiếm hết lề đường nên người đi bộ không có cơ hội để chấp hành luật, lối đi dành cho người đi bộ qua đường cũng bị xe gắn máy, xe ô tô chiếm mất. Nhưng thực tế không phải tất cả lề đường của thành phố đều bị lấn chiếm, và mọi lối qua đường cho khách bộ hành đều bị ô tô, xe máy chặn lại. Vì hiện nay ý thức của người đi xe gắn máy và xe ô tô ngày càng được nâng lên rõ rệt mà do thói quen của người đi bộ đã chặn hết lối đi đúng của họ. Điều đó dễ nhận thấy nhất là nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ được đầu tư tiền tỷ trên một số tuyến đường, lắp đặt cả đèn ưu tiên giao thông cho người đi bộ sang đường, mục đích là nhằm vào sự an toàn cho người đi bộ. Thế nhưng, việc sử dụng hiệu quả các phương tiện này, hầu như tỷ lệ nghịch với con số đầu tư.

Hà Anh