Thứ năm, 12/2/2015, 09h02

Nâng chất đánh bắt cá ngừ

Năm 2014 đánh dấu một bước ngoặt chưa từng thấy của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD) của ngư dân Việt Nam khi Nghị định 67 của Chính phủ được ban hành. Đã đến lúc, nghề cá ngừ có cuộc “lột xác” khẳng định mình trên trường quốc tế, xây dựng thêm một thương hiệu cho hải sản Việt Nam vươn xa.

Nghề đánh bắt CNĐD vốn là thế mạnh của ngư dân Việt Nam nhưng thực tế xuất khẩu lợi nhuận mang về lại không cao. Thậm chí thua thiệt và tụt hậu. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chung quy lại là do cung cách đánh bắt và khâu bảo quản cá chưa đúng. Và hệ quả là chất lượng cá giảm khiến giá bán ra không cao. Cá ngừ đánh bắt được và xuất khẩu sang Nhật (thị trường chính xuất khẩu CNĐD của Việt Nam) có giá hơn 400.000 đồng/kg, nhưng khi chất lượng cá thấp thì giá bán ra thấp hơn cả 10 lần.

Ví như lô hàng 9 con cá ngừ đầu tiên của ngư dân Bình Định xuất sang Nhật Bản hồi đầu tháng 8-2014. Tại phiên chợ đấu giá, hai con cá ngừ đại dương được mua với giá hơn 2.100 JPY/kg, tương đương khoảng 440.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có những con cá chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.

Đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển Nam Trung bộ

Tại Nhật, nước tiêu thụ CNĐD đứng đầu thế giới, vậy nên công nghệ khai thác cá của họ cũng đi đầu. Khi câu được cá ngừ, họ dùng phương pháp gây tê cá rồi tiến hành chọc tiết, cấp đông ở độ lạnh âm hơn 50 để giữ cá tươi. Còn ngư dân Việt, khi câu được con cá thì lại dùng gậy đập cho chết rồi mới đem xuống khoang đá. Không chỉ cá bị bầm dập ngay từ khi mới lên bờ, mà khi các khoang đá không đủ độ lạnh, lại bảo quản trong cả tháng trời nên cá không còn tươi, chất lượng giảm. Đến ngày cá vào bờ, cá không đạt chất lượng xuất khẩu nên thương lái thường chê. Còn các doanh nghiệp xuất cá sang Nhật, họ cũng chịu nhiều rủi ro bởi giá bán bấp bênh và mất uy tín, mất bạn hàng.

Thị trường Nhật rất tiềm năng nhưng rất khó tính, vậy nên, khi sản phẩm làm ra không hiệu quả, cả ngư dân lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều chịu thiệt thòi trên chính thị trường tiềm năng. Thương hiệu CNĐD của Việt Nam hàng chục năm không tiến xa trên thị trường quốc tế cũng là điều dễ hiểu.

Thay đổi cách khai thác, bảo quản và thói quen đánh bắt CNĐD là điều cơ bản để ngư dân thắng lớn sau chuyến biển. Vậy nên, khi Nghị định 67 của Chính phủ được ban hành, với chủ trương đưa công nghệ và học theo kinh nghiệm ngư dân Nhật vào khai thác, bảo quản cá ngừ đã được ngư dân hướng ứng mạnh mẽ. Anh Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn thuộc tỉnh Khánh Hòa, tâm sự: “Sau 2 chuyến biển cuối năm, do thay đổi khoang cấp đông cá nên độ lạnh đã đạt âm 50, do đó cá được bảo quản tốt. Khi vào bờ, cá dễ bán và giá cao hơn 20% - 30% so với trước đó. Vì vậy, lợi nhuận thu về cũng cao và bền vững hơn”.

Còn tại Phú Yên, lần đầu tiên ngư dân tỉnh này áp dụng thiết bị gây tê và phương pháp gây mê nên sản lượng CNĐD đã đạt chất lượng cao. Ông Lê Tấn Hồng, ngư dân ở TP Tuy Hòa, người đầu tiên áp dụng phương pháp gây mê cá ngừ, cho biết chuyến đi biển hồi cuối tháng 11 vừa qua, tuy chỉ câu được 9 con CNĐD nhưng vẫn có lãi 60 triệu đồng sau 10 ngày đi biển. Lý do là số cá ông câu được đa phần đạt chuẩn xuất khẩu sang Nhật nên giá bán cao.

Người Nhật đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nghề khai thác CNĐD. Họ sẵn sàng đầu tư tiền và công nghệ để ngư dân Việt làm ra sản phẩm, sau đó sẽ thu mua với giá cao nếu cá đạt chất lượng, giữ được uy tín. Như vậy, nghề đánh cá CNĐD Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn, nhưng ngay từ bây giờ ngư dân và cả doanh nghiệp, nhà quản lý phải tự thay đổi mình.

VĂN NGỌC

(SGGP)