Thứ sáu, 4/5/2012, 10h05

Ngành kỹ thuật cơ khí: Vì sao không còn hấp dẫn người học?

Vài năm gần đây có quá ít HS đăng ký thi vào ngành cơ khí. Ảnh: T.L

Mới 5 năm trước, cơ khí là một trong những ngành “hot” của các trường ĐH có đào tạo ngành này. Bây giờ, thời buổi kinh tế thị trường, các nhóm ngành khoa học công nghệ, tài chính đang được “ưu ái” quá mức nên ngành kỹ thuật cơ khí bỗng chốc bị quay lưng.
Nhà trường khó tuyển sinh
PGS.TS Trần Thị Thanh - Trưởng khoa Cơ khí công nghệ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM -cho biết cách đây khoảng 5 năm, cơ khí là ngành được nhiều người quan tâm, học sinh nộp hồ sơ vào rất đông. Chỉ cần lấy nguyện vọng (NV)1 điểm xét tuyển từ trên xuống dưới là đủ chỉ tiêu. Thế nhưng những năm gần đây việc tuyển sinh của ngành học này đang gặp khó khăn. Ngoài NV1, nhà trường phải xét tuyển thêm NV2 ở hầu hết các ngành, đặc biệt ở khối ngành cơ khí kỹ thuật. Nếu như năm 2008, ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt có 303 hồ sơ đăng ký dự thi thì năm 2011 chỉ còn 73 hồ sơ. Các ngành còn lại cũng không khá hơn: Cơ khí nông lâm giảm từ 303 hồ sơ năm 2008 xuống còn 129, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử cũng “trượt dốc” từ 775 còn 271 hồ sơ.
Trước tình cảnh các ngành đã hạ điểm chuẩn NV1 xuống 13 điểm - ngang mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT - nhưng vẫn “bói” không ra sinh viên, NV2 trở thành nguồn cung “đầu vào” không kém phần quan trọng.
Tình trạng thí sinh “thờ ơ” với ngành cơ khí có nhiều nguyên nhân. Phụ huynh và học sinh dành sự “ưu tiên” nhiều cho các ngành có độ “hot” cao như kinh tế, tài chính ngân hàng. Thứ đến là CNTT, ngoại ngữ, môi trường, du lịch…
Thầy Nguyễn Hải Đăng - giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - lý giải: Bây giờ, theo xu hướng chung của thời đại, sinh viên không thích học những ngành kỹ thuật nữa, vì thế số lượng sinh viên vào khoa cũng giảm dần theo các năm.
Bên cạnh đó, xét về mặt tâm lý vẫn còn những suy nghĩ rằng học ngành cơ khí ra làm việc nặng nhọc nhưng lương lại không cao. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho ngành cơ khí ngày càng “lép vế” trong lựa chọn nghề nghiệp của học sinh.
Cầu nhiều hơn cung
Thực tế cho thấy, mặc dù người học ngành cơ khí ngày càng ít đi nhưng nhu cầu xã hội ngày càng tăng, bài toán nghịch lý: Doanh nghiệp thì cần nhân lực nhưng cơ sở đào tạo lại đỏ mắt đợi sinh viên vẫn chưa có lời giải. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM năm 2011, danh sách những ngành nghề đang thiếu nhân lực hiện nay có hàng loạt các ngành cơ khí - kỹ thuật như điện tử viễn thông, luyện kim, ô tô, chế tạo máy… Song, đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động). Trong khi đó, nguồn cung lao động dồi dào nhất với 35,7% rơi vào khối ngành kinh tế, tài chính, dù nhu cầu tuyển mới của những ngành này không nhiều. Hiện các khu KCX - KCN trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ sư lành nghề ngành động lực, chế tạo máy, tiện, phay… dù các đơn vị này rao tuyển khá nhiều.
PGS.TS Trần Thị Thanh cho biết, Khoa Cơ khí công nghệ của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vẫn thường xuyên nhận được rất nhiều thư tuyển dụng từ các doanh nghiệp, công ty. Thậm chí có công ty đặt hàng cả năm với mức lương khá hấp dẫn (lương trung bình là 5 đến 7 triệu đồng, chưa kể phụ cấp) và nhiều vị trí tuyển dụng nhưng khoa vẫn không đủ sinh viên để cung ứng. Nhìn lại sự phản hồi của các nhà quản lý trong đợt gặp gỡ doanh nghiệp tuyển dụng và cựu sinh viên khoa cơ khí, có thể nhận rõ là hiệu ứng của các nhà tuyển dụng khi tuyển sinh viên tốt nghiệp từ khoa cơ khí khá cao. Hầu hết sinh viên học khoa này ra trường đều có công việc ổn định. Rõ ràng cán cân cung - cầu giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp đang có độ “chênh” rất lớn. Cầu nhiều hơn cung. Nhà trường thì thiếu sinh viên trong khi đó doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tìm người lao động. Ông Phan Tấn Bện, chủ cơ sở cơ khí Phan Tấn (Thủ Đức) chia sẻ: “Cơ hội tìm được việc làm trong ngành cơ khí là rất cao. Hiện tại chúng tôi rất cần người có trình độ chuyên môn về cơ khí, lương 5 đến 7 triệu đồng/tháng nhưng cũng chưa tuyển được”.
Trong lúc ngành cơ khí có vẻ như đã hết thời nhưng thực tế thì các nhà tuyển dụng vẫn phải chạy đôn chạy đáo trong cuộc săn tìm nhân lực cho mình. Phải chăng đó là một bất cập mà chưa có được lời giải thấu đáo?
Hoàng Lan