Chủ nhật, 13/7/2014, 15h07

Rớt lớp 10, học ở đâu?: Bài 1: Nhiều hướng để lựa chọn

Phụ huynh ở quận Phú Nhuận tìm hiểu thông tin về các trường tại một buổi tư vấn hướng nghiệp sau THCS do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
Thời điểm này nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại TP.HCM băn khoăn: Nếu thi rớt, con mình sẽ tiếp tục học ở đâu? Tất nhiên, học sinh còn rất nhiều con đường khác để lựa chọn, nhưng chọn con đường nào đúng nhất để có một tương lai vững chắc không phải là dễ dàng.
Nguyên do là bởi các phụ huynh luôn kỳ vọng quá cao về con em mình.
Khoảng 8.000 học sinh rớt lớp 10 công lập
Năm học 2014-2015, TP.HCM tuyển hơn 60 ngàn chỉ tiêu vào các lớp 10 thường và lớp 10 chuyên. Trong khi đó, kỳ tuyển sinh vừa qua có gần 68.000 học sinh dự thi vào lớp 10. Như vậy, sẽ có khoảng 8.000 em không được vào công lập (chiếm gần 12%) và buộc phải chọn những con đường khác như THPT ngoài công lập, GDTX, TCCN…
Kỳ tuyển sinh vừa qua có nhiều thí sinh đạt hơn 40 điểm, số điểm từ 30 trở lên cũng rất cao. Trong khi đó, có khoảng 8.200 thí sinh (chiếm khoảng 12%) đạt điểm dưới 20. Như vậy, nếu các trường lấy điểm chuẩn từ 20 trở lên thì số thí sinh này sẽ rớt lớp 10 công lập.
Năm học trước, vẫn có một số trường lấy điểm chuẩn ở nguyện vọng (NV) 1 dưới 20 điểm như THPT Nguyễn Hữu Thọ (19,5 điểm), THPT Tân Phong (16,5 điểm), THPT Ngô Gia Tự (19,25 điểm), THPT Thanh Đa (19 điểm)… Tuy nhiên, những thí sinh từ 18 đến 20 điểm nếu đăng ký NV2, NV3 vào những trường này vẫn lọt vào tốp nguy hiểm bởi điểm chuẩn NV2, 3 cao hơn NV1 (thông thường cao khoảng 0,5-1 điểm cho từng NV). Đối với những thí sinh ở các quận nội thành, nguy cơ rớt cả 3 NV rất cao. Chẳng hạn, ở quận 1, nếu không tính đến Trường THPT Năng khiếu TDTT thì trường lấy điểm chuẩn NV1 thấp nhất trong năm học trước là THPT Tenlơman (22,5 điểm); các trường còn lại đều trên 30 điểm. Do đó, những thí sinh dưới 30 điểm đăng ký vào các trường trên địa bàn quận 1 khó có “cửa” vào. Với những thí sinh đạt điểm từ 20 đến 25, cơ hội vào các trường THPT thuộc quận 5 và Tân Bình rất khó bởi các trường ở hai quận này năm học trước đều lấy điểm chuẩn trên 24. Cụ thể, năm học trước, điểm chuẩn NV1 thấp nhất ở quận Tân Bình là 24,5 (Trường THPT Lý Tự Trọng), còn quận 5 không có trường nào lấy dưới 25 điểm.
Trong khi đó, nếu thí sinh có điểm từ 20 đến 25 đăng ký NV3 vào những trường THPT ở các quận lân cận có điểm chuẩn thấp hơn cũng có nguy cơ rớt khá cao. Chẳng hạn, năm nay có nhiều thí sinh ở quận 1, đăng ký NV3 vào Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) có điểm chuẩn NV3 năm học trước là 20,75 hay THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) có điểm chuẩn NV3 năm học trước là 22. Theo dự đoán của chúng tôi, điểm chuẩn năm nay có thể tăng hơn năm học trước bởi số thí sinh đạt trên 25 điểm rất nhiều.
Phân vân chọn trường cho con
Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm thi vào lớp 10, nhiều phụ huynh như “ngồi trên lửa” vì điểm của con em mình khá thấp, khó có thể đỗ vào trường THPT công lập.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (ở quận 3) cho biết: “Sức học của con tôi chỉ ở mức trung bình khá nên tôi không dám chọn các trường có điểm chuẩn cao, chỉ chọn những trường ở tốp giữa. Vừa rồi con tôi thi đạt 20,5 điểm, cộng với 1 điểm nghề là 21,5. Tôi đăng ký NV1 cho con vào Trường THPT Marie Curie, NV2 vào Trường THPT Nguyễn Thị Diệu và NV3 vào Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm. Với số điểm này, NV1 chắc chắn cháu sẽ rớt, nhưng NV2 và 3 cũng khó đỗ vì điểm chuẩn NV2 ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu trong năm học trước là 22,5 điểm, còn NV3 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm là 20 điểm. Hiện tôi đang rất lo lắng…”.
Chị Phạm Thị Hà (ở quận Bình Thạnh) tâm tư: “Vợ chồng tôi là dân lao động, mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Chúng tôi phải trả tiền thuê nhà trọ và nuôi hai đứa con ăn học. Trong khi đó, điểm thi của con tôi chỉ được 24, mà các trường cháu đăng ký lại chẳng có trường nào lấy dưới 24 điểm nên tôi đang rất lo. Lỡ nếu con rớt lớp 10 công lập thì chưa biết cho đi học ở đâu vì tôi nghe nói học phí trường tư khá cao”.
Về những vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Thành phố hiện không thiếu chỗ học cho học sinh nhưng chọn học ở hệ thống nào phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của gia đình mới là quan trọng. Hiện nay, ngoài hệ thống trường THPT công lập, trên địa bàn thành phố còn có hệ thống trường tư thục, GDTX và TCCN. Việc theo học những loại hình này đều có thuận lợi trong việc lấy lại kiến thức cơ bản để theo kịp bạn bè. Chẳng hạn, các trường THPT tư thục hầu hết học 2 buổi/ngày hoặc nội trú, các em có nhiều thời gian bổ khuyết kiến thức để tốt nghiệp THPT. Học ở trung tâm GDTX có số môn ít hơn và trình độ học viên ngang nhau, giáo viên sẽ dạy theo khả năng tiếp thu của học viên và các em cũng có nhiều thời gian học tập…”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Thành phố hiện không thiếu chỗ học cho học sinh nhưng chọn học ở hệ thống nào phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của gia đình mới là quan trọng. Hiện nay, ngoài hệ thống trường THPT công lập, trên địa bàn thành phố còn có hệ thống trường tư thục, GDTX và TCCN…”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định.