Thứ năm, 24/7/2014, 22h07

Áo xanh tình nguyện ở bệnh viện

Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhãn, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục khám tại Bệnh viện Ung bướu
“Chú tên gì ạ?”. “Yễn Ăn Ược”. “Gì ạ, chú nhắc lại lần nữa đi?”... “Nguyễn Văn Cược hả chú?, không phải à, vậy là Nguyễn Văn Cuộc?”… Phải mất 7 lần phát âm, Nguyễn Ngọc Anh Thư (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mới ghi được tên của bệnh nhân Nguyễn Văn Được (quê ở Long An, mắc chứng nói ngọng và không có giấy tờ tùy thân) vào sổ khám bệnh. Sau phần ghi sổ, Thư hướng dẫn bệnh nhân đến quầy bốc số, đóng tiền để vào phòng khám bệnh.
Anh Thư chỉ là một trong số gần 300 tình nguyện viên (TNV) tiếp sức cho bệnh nhân tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Truyền máu huyết học, Ung bướu...
Liền tay, liền miệng…
6 giờ sáng, Bệnh viện Chợ Rẫy đông nghẹt người, đa phần là người dân các tỉnh về đây khám bệnh. Khoác vội chiếc áo xanh có in dòng chữ “Đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân”, trưởng nhóm Lưu Thị Linh Chi (SV Trường ĐH Mở TP.HCM) nhanh chóng phân công các TNV thành 5 đội hình trực chiến ở các chốt: Quầy bấm số, bàn hướng dẫn, phòng xét nghiệm, quầy thu viện phí… Do số lượng bệnh nhân đông nên quầy bấm số sẽ được ưu tiên nhiều TNV hơn. Các bạn luôn miệng nhắc nhở bệnh nhân xếp hàng trật tự, không chen lấn để tránh hiện tượng móc túi.
Đến 7 giờ, các phòng khám của bệnh viện bắt đầu làm việc. Khi đó TNV lại tỏa ra hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục, chỉ dẫn đường đi… “Phòng điện tâm đồ đi lối nào vậy cô?”, “Bác đi thẳng, hết đường rẽ phải, đi thêm một đoạn nữa là tới đó ạ!”. “Giờ muốn siêu âm thì làm sao em?”; “Cô đóng tiền trước rồi mới tới phòng siêu âm nhé!”…
“Miệng nói, tay chỉ” dường như đã trở thành thói quen của các TNV kể từ ngày tiếp nhận “công việc”. Có không ít TNV nhiều lần “toát mồ hôi” khi khai hồ sơ cho những trường hợp bệnh nhân nói ngọng, câm điếc hay không biết chữ mà không có giấy tờ tùy thân nào...
Cùng lúc đó, tại hai bệnh viện Ung bướu và Truyền máu huyết học, các TNV cũng nhanh chóng tiếp nhận vị trí và hướng dẫn cho bệnh nhân. Phan Thị Thảo Nguyên (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), nhóm phó trực chiến tại Bệnh viện Ung bướu cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 TNV chốt tại các vị trí: Bốc số, hướng dẫn ghi sổ, xét nghiệm, siêu âm, quầy dịch vụ... Ngày đầu tuần, số bệnh nhân tới khám nhiều dẫn đến quá tải khiến các TNV phải xoay ca, hoạt động liên tục đến tận 12 giờ trưa vẫn chưa được nghỉ. “Nhiều bạn ban đầu cũng hơi ngại môi trường này, nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhìn thấy thực cảnh của họ thì ai cũng cảm thấy mình hãy còn khỏe lắm, nên dù mệt đến đâu cũng không than phiền”.
Để hướng dẫn bệnh nhân tốt, các TNV phải bỏ ra rất nhiều thời gian tìm hiểu quy trình khám bệnh, bởi hệ thống và quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu phức tạp hơn những nơi khác. Khó “nhằn” nhất vẫn là những bệnh nhân cư trú tại TP.HCM. “Nếu như bệnh nhân ở các tỉnh có vẻ lạ lẫm, e ngại, chỉ cần nói là nghe thì bệnh nhân cư trú ở TP.HCM lại rất dạn dĩ, không nghe lời hướng dẫn của TNV vì cho rằng “tụi em là… con nít, biết gì đâu mà chỉ dẫn”. Một người làm như vậy, những người khác sẽ làm theo, thế là chen lấn gây mất trật tự nên tụi em phải khéo léo nhắc nhở, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của các anh bảo vệ trong bệnh viện. Dù đã nhắc nhở mọi người không chen lấn để tránh bị móc túi nhưng nhiều người vẫn ngoan cố, đến khi bị mất hết tiền và giấy tờ thì khóc lóc, kể lể. Gặp những trường hợp người bị móc túi khó khăn, nhà ở xa thì chúng em sẽ đi vận động những người hảo tâm trong bệnh viện hỗ trợ tiền vé xe đi về cho họ”, Thảo Nguyên chia sẻ.
Mỗi ngày học thêm nhiều điều mới

Tình nguyện viên Thảo Nguyên đang hướng dẫn thủ tục khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu. Ảnh: N.Anh

Tròn hai tháng kể từ ngày ra quân đội hình tiếp sức trong bệnh viện, các TNV đều cảm thấy mình trưởng thành hơn khi mỗi ngày được tiếp sức cho bệnh nhân. Trong số những TNV tiếp sức tại bệnh viện, ngoài số SV các trường ĐH, CĐ còn có HS một số trường THPT, du học sinh về nghỉ hè. Nguyễn Châu Phước (học sinh lớp 11A3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) - một TNV tích cực tại Bệnh viện Truyền máu huyết học - cho biết có 80% bệnh nhân tại bệnh viện này đến từ các tỉnh. Trong suy nghĩ của họ, hình ảnh TNV hãy còn rất xa lạ, có khi không thân thiện bằng… người lái xe ôm đứng ngoài cổng bệnh viện. “Nhiều bệnh nhân còn tưởng tụi em là… “cò”, sợ bị lừa đảo nên trăm sự đều nhờ các chú xe ôm mà không biết rằng đó mới là “cò”… chính hiệu. Mà “cò” thì nhanh lắm. Nào bốc số, photo giấy tờ, rồi hướng dẫn thủ tục khám nhanh đều làm được hết, nhưng bù lại bệnh nhân phải trả chi phí với giá cao. Nhiều người bị “chém” nên vào bệnh viện cự lại… TNV”. Tương tự, Lâm Hoàng Quân (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) chia sẻ: “Có nhiều bệnh nhân tưởng tụi em là người của bệnh viện nên làm quen nhờ lấy số sớm hay nhờ dẫn người nhà vào khám nhanh hơn. Gặp những trường hợp như vậy, tụi em phải giải thích và hướng dẫn họ làm đúng thủ tục của bệnh viện. Làm TNV ở đây, tụi em gặp không ít người dân tộc tới khám. Họ phát âm tiếng Việt không chuẩn khiến tụi em phải hỏi nhiều lần, nhắc họ khi nghe đến tên giống với tên mình thì bước vào phòng khám”.
Riêng với Lê Phương Dung (du học sinh tại Mỹ) thì đây là mùa hè đầu tiên em được trải nghiệm nhiều cảm xúc mới. Từ bé tới lớn, Phương Dung chưa từng đi một mình vào bệnh viện. Do đó, những ngày đầu làm TNV tại bệnh viện, em ngỡ ngàng và luống cuống khi thấy quy trình khám bệnh phải qua nhiều khâu và thấy thương những bệnh nhân mất nhiều thời gian chờ đợi. Thậm chí, nhiều người chờ đợi lâu quá đã trút nỗi bực mình lên các TNV. Dần dà, Phương Dung cũng thích nghi với mọi “phiền toái” tại bệnh viện, biết cách chia sẻ, động viên bệnh nhân…
Bài, ảnh: Linh Vy
“Nhiều bệnh nhân còn tưởng tụi em là… “cò”, sợ bị lừa đảo nên trăm sự đều nhờ các chú xe ôm mà không biết rằng đó mới là “cò”… chính hiệu”, Nguyễn Châu Phước (học sinh lớp 11A3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) - một TNV tại Bệnh viện Truyền máu huyết học - nói.