Thứ ba, 23/12/2014, 22h12

Băn khoăn về cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp

Ông Dương Minh Kiên - Ủy viên Hội Dạy nghề TP.HCM phát biểu tại tọa đàm
Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được Quốc hội thông qua nhưng giao hệ thống cho bộ nào quản lý vẫn đang là vấn đề tranh cãi của nhiều chuyên gia. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Quản lý hệ thống GDNN” do Hội Dạy nghề TP.HCM tổ chức vừa qua.
Ai quản cũng không xong
Theo các chuyên gia, GDNN giao cho Bộ LĐ-TB&XH hay Bộ GD-ĐT quản lý đều có những ưu điểm nhất định nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn.
Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM, phân tích: “Nếu giao GDNN cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì đây là cách giải quyết nhanh gọn, đưa giáo dục chuyên nghiệp (do Bộ GD-ĐT quản lý) nhập vào Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH). Tuy nhiên, phương án này lại thiếu khoa học, gượng ép bởi tách ĐH với GDNN ra thì ĐH cũng là GDNN, hơn nữa Bộ LĐ-TB&XH lo về vấn đề xã hội, lao động, việc làm là quá lớn, mang tính lịch sử nay lại lo thêm hệ thống này thì không phù hợp với chức năng, không đáp ứng nhiệm vụ chuyên nghiệp hóa quản lý giáo dục. Còn nếu giao cả hệ thống này cho Bộ GD-ĐT quản lý thì hệ thống giáo dục nước nhà được quản lý một mối nhưng việc quản lý này sẽ chồng chéo, nhiễm mục tiêu giáo dục phổ thông và mục tiêu GDNN với nhau. Bởi giáo dục phổ thông đào tạo thế hệ trẻ có tri thức văn hóa cơ bản, còn GDNN lại đi sâu vào nghề. Nếu đưa hệ thống này cho Bộ GD-ĐT quản lý thì chương trình giáo dục phổ thông có nguy cơ nhiễm chương trình GDNN, lấy mục tiêu phổ thông đi vào mục tiêu nghề nghiệp, vấn nạn dạy thêm - học thêm cũng xuất phát từ đây”.
Đề cập đến việc có nên giao hệ thống này cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý hay không, ông Nguyễn Việt Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, khẳng định: “Bộ LĐ-TB&XH hiện không đủ tầm để quản lý hệ thống này, nhiều trường học và trung tâm dạy nghề đang lâm vào cảnh đìu hiu, thậm chí có nơi phải đóng cửa khiến các thiết bị “trùm mền”. Hơn nữa nếu giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì phụ huynh và học sinh chưa tin tưởng bởi công tác tuyển sinh của trường nghề trong những năm qua cho thấy rõ điều này. Đáng lưu ý nữa là khi giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý, nguy cơ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ chuyển dần sang ĐH”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường TC Du lịch và Khách sạn Saigon-tourist, lại đề cập đến “bầu sữa” của Bộ LĐ-TB&XH giao cho các trường nghề. Ông Hùng cho hay: “Bộ LĐ-TB&XH cung cấp ngân sách rất lớn cho trường nghề hoạt động. Chẳng hạn như 8 trường CĐ của Bộ LĐ-TB&XH kết hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng rất đẹp, đầu tư đầy đủ trang thiết bị với mỗi trường hàng trăm tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả. Vậy thì nếu ngưng “bầu sữa” này lại, các trường sẽ hoạt động rất khó khăn”.
Nên thành lập một cơ quan quản lý riêng?
Ông Nguyễn Minh Thành cho rằng, bộ nào quản lý cũng có những mặt ưu của bộ đó nhưng để chuyên nghiệp hơn thì nên bổ sung thêm một bộ mới. Ông Thành đưa ra ý kiến: “GDNN gồm ĐH, CĐ, TC, sơ cấp nên giao cho bộ ĐH và GDNN quản lý; còn giáo dục mầm non và phổ thông do Bộ Giáo dục quản lý. Phương án này đẻ thêm một bộ mới nhưng sẽ tạo điều kiện tập trung quản lý chuyên nghiệp hơn, có tính liên thông cao. Việc đưa thêm bộ mới này vào không cần tăng thêm biên chế nhưng có khả năng tăng về chất lượng đội ngũ”.
“Nên thành lập Tổng cục Nghề nghiệp trực thuộc sự quản lý của Chính phủ, trong đó tách một phần của Bộ GD-ĐT là giáo dục chuyên nghiệp và một phần của Bộ LĐ-TB&XH là Tổng cục Dạy nghề vào để những bộ phận này sẽ giải quyết vấn đề việc làm và liên thông”, ông Lưu Đức Tiến, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp & ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM), nói.
Việc thành lập một bộ mới được nhiều đại biểu tham gia tọa đàm đồng tình nhưng không phải một sớm một chiều thực hiện được. Ông Nguyễn Việt Tuấn lý giải: “Đây là phương án tối ưu vì các bộ này sẽ tập trung quản lý chuyên môn hẹp được phân công chứ không quá ôm đồm, phân tán. Trong khi chưa thực hiện được phương án này vẫn nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý vì bộ này có bề dày kinh nghiệm và nhiều năm qua quản lý tốt hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (hơn 50 năm). Ngoài ra, giao hệ thống này về Bộ GD-ĐT sẽ thuận lợi trong việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, có sự gắn bó giữa các trình độ đào tạo”.
Về vấn đề này, ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp & ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho rằng: “Phương án này rất hay nhưng muốn thực hiện được cũng phải mất thời gian khoảng 5 đến 7 năm nữa. Vì vậy, nên thành lập Tổng cục Nghề nghiệp trực thuộc quản lý của Chính phủ, trong đó tách một phần của Bộ GD-ĐT là giáo dục chuyên nghiệp và một phần của Bộ LĐ-TB&XH là Tổng cục Dạy nghề vào để những bộ phận này sẽ giải quyết vấn đề việc làm và liên thông”. Với phương án này, ông Ngô Văn Hai, Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Trường Tộ, đồng tình: “Thành lập Tổng cục Nghề nghiệp do Chính phủ quản lý mới giải quyết được bài toán chung, nếu thuộc bộ này hay bộ kia quản lý thì khi phê duyệt các đề án sẽ mất khá nhiều thời gian. Chẳng hạn trường chúng tôi muốn phê duyệt gì trải qua nhiều bước như trình Sở Công thương, UBND TP, Bộ Công thương…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo các văn bản thi hành Luật GDNN
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc ban hành danh mục và phân công soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật GDNN năm 2014. Theo quyết định này, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo toàn bộ các văn bản này. Cụ thể, theo danh mục phân công, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nội vụ… trong quá trình soạn thảo, tùy từng loại văn bản. Các văn bản này phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ tháng 2 đến tháng 5-2015.
T.S