Thứ hai, 23/2/2015, 10h02

Bình đẳng cho sinh viên khiếm khuyết

Bà Carol Witney, Điều phối viên Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật ĐH RMIT Việt Nam tư vấn cho SV Nguyễn Tuấn Tú
Sau hơn một thập kỷ thành lập, ĐH RMIT Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa thiết thực. Và một trong những hoạt động hỗ trợ tạo được ảnh hưởng sâu sắc chính là sự ra đời của Trung tâm (TT) Hỗ trợ người khuyết tật.
“Bình thường hóa” sinh viên khuyết tật
Với phương châm “Người khuyết tật có quyền bình đẳng trong giáo dục”, tháng 12-2013, TT Hỗ trợ người khuyết tật được thành lập nhằm mang đến môi trường học tập toàn diện cho những sinh viên khuyết tật (SVKT) về mặt thể chất và/hoặc có vấn đề về mặt sức khỏe tâm thần, đồng thời hỗ trợ những SV này đạt được thành công trong học tập. Có thể nói RMIT là trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam cung cấp dịch vụ hỗ trợ này.
Hiệu trưởng ĐH RMIT Việt Nam, giáo sư Gael McDonald cho biết dịch vụ đem đến cho SVKT cơ hội theo đuổi chương trình giáo dục bậc cao, lĩnh vực mà trước đây các bạn có thể không vươn tới được. Giáo sư nói: “TT đã giúp nhiều SV gặp khó khăn trong việc học, đưa ra những hỗ trợ phù hợp và có những điều chỉnh căn cứ vào tiêu chuẩn giáo dục tại Việt Nam, Úc cũng như toàn cầu”.
Điều phối viên TT Hỗ trợ người khuyết tật - bà Carol Witney, người gắn bó với TT ngay từ những ngày đầu mới thành lập và đã tư vấn cho hơn 40 SV tại TP.HCM và Hà Nội cho biết: “Mỗi SV/nhân viên là những cá thể đơn nhất, vì vậy có những nhu cầu khác nhau cần được hỗ trợ phù hợp”.
Từ hỗ trợ kỹ thuật đến ứng xử linh hoạt
Chính quan điểm “Một phương pháp không thể và không nên áp dụng cho tất cả”, ngoài những hỗ trợ về mặt kỹ thuật, trường còn áp dụng nhiều chính sách linh hoạt để SVKT có thể đạt được thành tích học tốt nhất.
SV khiếm thị sẽ được cài đặt những phần mềm hỗ trợ như Zoom Text, có thể thu âm bài giảng, tham khảo toàn bộ giáo trình trước kỳ học và được cài đặt phần mềm cho phép sử dụng trình đọc màn hình. Ngoài ra, TT còn sắp xếp tăng giờ kiểm tra, cho phép SV sử dụng máy tính cá nhân và có phòng riêng khi tham gia kỳ thi.
SV nhận được học bổng toàn phần ngành cử nhân kinh doanh (Hệ thống thông tin kinh doanh) - Nguyễn Tuấn Tú cho biết phần mềm đã giúp bạn rất nhiều trong việc học. Tú nói: “Em không còn lo lắng khi đến lớp nữa vì có thể nghe lại bài giảng khi về nhà thay vì phải hỏi bạn bè suốt. Thêm vào đó, TT cũng giúp em đề xuất với giảng viên gia hạn thời gian nộp bài khi cần”.
Một số khiếm khuyết ngầm khác như chứng rối loạn khả năng đọc, hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc tự kỷ đều được TT hỗ trợ.
Một trong số đó là trường hợp của SV Lê Hoàng Minh Nhật. Nhật tâm sự: “Em bị hội chứng ADHD nên không thể tập trung hay làm bài kiểm tra như bình thường được. Nếu ở môi trường khác, em rất khó được cho nghỉ giải lao và tăng thời gian làm bài. Nhưng tại đây, trường tạo điều kiện cho em nghỉ 10 phút sau 20 phút làm bài trong mỗi kỳ thi”.
Thêm vào đó, để nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật, TT cũng giải đáp thắc mắc của nhân viên, phụ huynh và người giám hộ, đồng thời hỗ trợ tổ chức tọa đàm cùng các tổ chức tại địa phương như nhóm hoạt động vì người khuyết tật TP.HCM, TT Khuyết tật và Phát triển, cũng như một số doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp tích cực nhất hỗ trợ cho người khuyết tật.
Minh Châu