Thứ năm, 30/10/2014, 21h10

Cán bộ quản lý - giáo viên: Yếu kém trong ứng xử

Môi trường sư phạm cần được giữ gìn và tạo ra hình ảnh đẹp trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.H
Một cô giáo vừa tự tử ngay trong phòng hiệu trưởng tại một trường tiểu học ở huyện Củ Chi (TP.HCM), nguyên nhân được cho rằng có những bức xúc trong quá trình công tác, một lần nữa thể hiện sự kém ứng xử trong quan hệ giữa giáo viên (GV) và lãnh đạo nhà trường.
Hai năm trước, một nữ GV ở một trường tiểu học tại quận Thủ Đức cũng đã uống thuốc độc tự tử ngay trước mặt lãnh đạo Phòng GD-ĐT sau khi có tranh cãi về việc điều chuyển… Đó là dạng “tự hủy mình” do cảm thấy quá bức xúc, thiệt thòi. Còn một dạng ứng xử khác, là sử dụng bạo lực để “giải quyết tình huống”. Cụ thể, hồi tháng 3-2014, một thầy giáo ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã tạt axít làm 4 người bị thương nặng, trong đó có trưởng và phó phòng GD-ĐT huyện này, cũng vì lý do mâu thuẫn cá nhân khi công tác thực tế…
Những chuyện như thế đều rất không hay trong môi trường sư phạm. Nhà giáo là người truyền đạt cho học sinh thấy được niềm tin, lẽ sống, sự công bằng… trong cuộc sống thì hơn ai hết phải tự mình có nhận thức đúng đắn về điều đó. Chẳng hạn, nhà giáo hẳn tin rằng chân lý, chính nghĩa bao giờ cũng sẽ thắng, những điều tốt đẹp nhất định sẽ đẩy lùi cái tiêu cực, cái xấu xa, dù sớm hay muộn, dù bằng cách này hay cách khác; thế sao lại hành động nông nổi, gây thiệt hại cho bản thân và cho người khác? Nhà giáo hẳn dạy học sinh yêu quý bản thân, biết chăm sóc và bảo vệ mình, cớ sao lại “tự hủy mình” một cách đáng tiếc? Nhà giáo hẳn dạy cho học sinh phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ các quy phạm đạo đức xã hội…, cớ sao lại hành động phi pháp, xâm phạm đến lợi ích, sức khỏe, tính mạng của người khác… Tức là, xã hội có sự đòi hỏi cao ở nhà giáo nên nhà giáo càng phải cố gắng gìn giữ hình ảnh đẹp của mình trước người khác.
Trên thực tế, có thể có ý kiến cho rằng nhà giáo cũng là người bình thường, có đủ hỉ, nộ, ái, ố… nên xử sự như người bình thường cũng không có gì là lạ, không thể đòi hỏi khác hơn. Điều đó đúng nhưng không đầy đủ. Đúng là nhà giáo không phải là người vượt ra khỏi biểu hiện con người bình thường, nhưng thông thường, nhà giáo có được nền tảng văn hóa, nền tảng giáo dục tốt hơn rất nhiều người khác, thì họ phải có những ứng xử có tính giáo dục, có tính văn hóa hơn những người khác. Giả sử những người làm nghề nào đó có hành vi đánh nhau, nhưng chúng ta đều khó chấp nhận chuyện đó xảy ra với các nhà giáo, dù hành vi ấy có xảy ra trong môi trường sư phạm hay không.
Về phía các nhà quản lý giáo dục, lại càng cần có ứng xử đúng mực hơn. Một quyết định liên quan đến GV không chỉ ảnh hưởng đến bản thân GV đó mà còn liên quan đến nhà trường, đến học sinh, đến phụ huynh…, tức là khả năng tác động rất cao và rất rộng. Sự tác động không chỉ ở góc độ chuyên môn mà còn về tâm lý, tình cảm, nhận thức.
Do vậy, một quyết định của nhà quản lý giáo dục liên quan đến nhà giáo trước hết phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, thậm chí “vượt lên trên” pháp luật, ở chỗ: Nếu áp dụng máy móc theo quy định thì có thể không phù hợp với điều kiện của trường, của địa phương, có thể gây thiệt hại cho một số cá nhân nào đó. Sau đó, dù đã đúng pháp luật, nhà quản lý phải nghĩ đến quyết định có phù hợp trong môi trường sư phạm hay không, bởi có một số quyết định có thể gây ra sự phản cảm, phản giáo dục, nếu quyết định đó bị phản ứng hoặc tạo ra sự bức xúc của người nhận quyết định. Và, nhà quản lý còn phải xem xét ở góc độ tình người, sự hơn - thiệt, lợi - hại của quyết định đó để cân nhắc một cách thận trọng. Tức là, trước khi dùng quyết định để xử lý công việc, nhà quản lý nên nhìn sự việc ở góc độ con người với tính nhân văn hơn để định đoạt thay vì dùng mệnh lệnh và cưỡng chế.
Xét cho cùng, quyết định của nhà quản lý giáo dục không nhất thiết nặng về hành chính như các quyết định quản lý khác. Nên nhìn nhận môi trường sư phạm là một môi trường cần tạo được tôn trọng, gìn giữ và tạo ra một hình ảnh đẹp trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội. Các hiện tượng trù dập, bất công… hay bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào khác có thể là bình thường khi xảy ra ở môi trường khác nhưng không thể xem là bình thường ở môi trường giáo dục. Do đó, với các nhà quản lý cần gương mẫu và cố gắng không để xảy ra các hiện tượng đó.
Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là thỏa hiệp, xuê xoa với cái sai trái, cái lệch chuẩn của GV…, nhưng trước khi dùng biện pháp hành chính để xử lý thì nhà quản lý nên dùng sự nêu gương và cái tâm của mình để ứng xử. Có lẽ điều đó sẽ dễ thuyết phục hơn!
Trúc Giang (TP.HCM)
Một quyết định liên quan đến GV không chỉ ảnh hưởng đến bản thân GV đó mà còn liên quan đến nhà trường, đến học sinh, đến phụ huynh…, tức là khả năng tác động rất cao và rất rộng.