Thứ sáu, 10/1/2014, 15h01

Chỉ chọn nghề khi hiểu rõ bản thân

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đang giải đáp thắc mắc cho các em học sinh
Chọn và học nghề như thế nào để ra trường có một việc làm ổn định? Có nên theo đuổi một nghề mà mình đam mê nhưng nhu cầu lao động đang thừa… Đó là những âu lo mà các em học sinh Trường THPT Long Trường (TP.HCM) nêu lên tại chương trình hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề - sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại trường.
Tất cả những lo lắng, thắc mắc của các em đã đượcBan tư vấn giải đáp cặn kẽ, chi tiết.
Học ngành nào “hot” nhất?
Đây là câu hỏi của rất nhiều học sinh lớp 12 trong thời điểm hiện tại mà chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Không có ngành nào “hot”, chỉ có con người mới là “hot” hay không mà thôi. Xã hội hiện nay đang rất cần những người thợ có kỹ năng, tay nghề cao. Vì vậy, học ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp các trường TCCN, TC nghề, CĐ nghề vẫn có việc làm ổn định, lương cao hơn cả những người có bằng ĐH. Trong khi đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn thất nghiệp, làm trái ngành nghề, thậm chí là chạy xe ôm, phụ hồ…”.
Trong khi đó, một số học sinh cũng thắc mắc vì sao những ngành nghề rất “hot” nhưng sinh viên ra trường khó xin việc làm. Em Nguyễn Minh Trung (lớp 11A2) phân vân: “Em thích ngành tài chính - ngân hàng từ khi còn học lớp 10, nhưng em thấy ngành này hiện nay không còn “hot” nữa, thậm chí là “chìm” khiến nhiều anh chị tốt nghiệp ĐH lâm vào cảnh thất nghiệp. Vậy em phải làm như thế nào để vừa học nghề đúng với sở thích mà xã hội vẫn có nhu cầu lao động”. Một em học sinh khác thắc mắc: “Theo nhận định của các chuyên gia, hiện ngành nào cũng thiếu nhân lực. Vậy tại sao sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp?”. Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn khẳng định: “Các em học sinh nên bớt ảo tưởng rằng ngành tài chính - ngân hàng có thu nhập cao, công việc nhẹ nhàng. Thực chất, công việc này đòi hỏi người lao động phải có nhiều kỹ năng và năng lực cao. Hiện các ngân hàng đang tái cấu trúc, tuyển thêm những nhân lực thật sự giỏi. Theo khảo sát của chúng tôi tại các trường ĐH trên địa bàn thành phố, 50% sinh viên ra trường chấp nhận làm việc trái ngành nghề. Điều cơ bản ở đây là doanh nghiệp vẫn cần nhiều lao động nhưng do mất cân đối đào tạo giữa các ngành nghề. Vì thế, các em cần lựa chọn ngành nghề thật kỹ và trong quá trình học phải thật sự chăm chỉ, có vốn ngoại ngữ lưu loát, tăng cường rèn luyện kỹ năng mềm cho mình”.
Ngoài việc chọn ngành nào cho “hot”, các em học sinh còn băn khoăn nên chọn trường nào đào tạo tốt nhất. “Không nên phân biệt trường nào hay, trường nào dở. Các trường đều cố gắng đem lại cho các em những kiến thức chung nhất, thực tế nhất. Điều cơ bản là học sinh phải tìm hiểu lựa chọn trường nào phù hợp với sức học, điều kiện kinh tế gia đình, sở thích cá nhân… Các em nên chọn ngành xong rồi mới chọn trường”, PGS.TS Bùi Xuân An, Trưởng dự án “ĐH xanh” (Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ.
Cần hiểu mình hướng nội hay hướng ngoại
Không phải ai học ĐH cũng thành công
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM tại 100 trường THPT trên địa bàn thành phố, có đến 80% phụ huynh muốn con mình vào ĐH và 90% học sinh muốn vào ĐH. Tuy nhiên, không phải ai học ĐH cũng thành công, người thành công là người nắm chắc tay nghề, có kỹ năng sống và bản lĩnh trong công việc. Hiện thị trường lao động vẫn cần rất nhiều nhân lực trình độ TCCN, TC nghề, sơ cấp nghề.
Hiện nay, sở thích của học sinh THPT luôn thay đổi nên các em rất băn khoăn khi chọn nghề. Em Nguyễn Thu Phương (lớp 11A9) thắc mắc: “Sở thích của em thường thay đổi theo mỗi năm nên em cần làm như thế nào để xác định ngành nghề, định hướng đúng cho tương lai?”.
ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung, chuyên viên tư vấn tâm lý (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt), phân tích: “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần xác định mình thuộc tính chất hướng nội hay hướng ngoại để chọn nghề. Nếu thuộc tính chất hướng nội, các em không nên chọn những ngành nghề mang tính chất giao tiếp nhiều. Còn nếu thuộc tính chất hướng ngoại, thích giao lưu, giao tiếp thì không nên chọn những ngành nghề ổn định như nhân viên văn phòng. Các em có thể làm các bài test trắc nghiệm khám phá bản thân qua công cụ Google. Khi xác định sở thích phù hợp với nghề nào, các em cần cân nhắc tính vừa sức khi chọn nghề để thi như xem điểm chuẩn dao động hai năm về trước của các trường có tổ chức thi nghề đó; làm các đề thi thử xem mình có vừa sức hay không…”.
Đặc biệt, có một số học sinh biết mình thuộc tính chất nào nhưng lại rất khó chọn nghề. Em Hà Thị Sương (lớp 12A1) chia sẻ: “Em thuộc tính cách hướng ngoại, thích đi đây đi đó, em nên chọn ngành nào phù hợp với sở thích này?”. Theo các chuyên gia tư vấn, với sở thích này, thí sinh sẽ chọn cho mình khá nhiều ngành nghề. ThS. Trần Ngọc Phương, đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng: “Với sở thích này, em có thể chọn nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực dịch vụ như quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng - dịch vụ ăn uống, du lịch lữ hành…”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Học sinh khối 10 và 11 yên tâm về khối thi đã chọn
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên hướng nghiệp (Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) chia sẻ: “Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo yêu cầu các trường ĐH tổ chức thi riêng. Nhưng về cơ bản, kỳ tuyển sinh năm 2014 và đến năm 2016 vẫn còn thi 3 chung. Vì thế, các em học sinh lớp 10 và 11 hãy yên tâm học tập theo khối thi mình đã chọn. Đối với học sinh lớp 12, sau kỳ tuyển sinh ĐH năm 2014, vẫn như những năm trước, ngày 10-8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn, sau đó các em nhận giấy báo trúng tuyển; những thí sinh không trúng tuyển nhưng có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung”.