Thứ năm, 29/1/2015, 22h01

Chọn trường, chọn ngành ngay từ bây giờ

Học sinh lớp 12 tham gia một ngày hội tư vấn tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm
Vừa qua, hơn 1.500 học sinh Trường THPT Marie Curie và Trung học Sư phạm Thực hành (TP.HCM) đã được các chuyên gia của chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cung cấp nhiều thông tin về kỳ thi THPT quốc gia, điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015.
Phải sớm chọn ngành học
Tại Trường THPT Marie Curie, khá nhiều em học sinh đặc biệt quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia. Em Trần Quốc Phương (lớp 12B2) thắc mắc: “Em muốn biết quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 khi nào sẽ công bố chính thức? Cách thức, thời hạn đăng ký thi ra sao?”. Với thắc mắc này, TS. Lê Thị Quỳnh Hà, Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) khẳng định: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau 45 ngày kể từ ngày công bố và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ chốt ý kiến và có quyết định ban hành chính thức. Dự thảo quy chế tuyển sinh THPT quốc gia được công bố vào ngày 18-12-2014. Đến nay, dự thảo quy chế này đang đi vào giai đoạn “nước rút”. Dự kiến, thời gian ban hành quy chế chính thức về kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 2, tức là chậm nhất 1 tuần nữa Bộ GD-ĐT sẽ công bố.
Về cách thức đăng ký, các thí sinh hiện là học sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 tại trường phổ thông nơi đang học; thí sinh tự do đăng ký dự thi tại địa điểm do sở GD-ĐT nơi thí sinh cư trú quy định. Hồ sơ đăng ký đối với những thí sinh chưa tốt nghiệp gồm: Phiếu đăng ký dự thi (2 phiếu giống nhau); học bạ THPT; học bạ hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX (bản sao); các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Để được hưởng chế độ thuộc vùng cao, vùng sâu, khu kinh tế mới hay xã đặc biệt khó khăn, thí sinh phải có bản sao công chứng sổ đăng ký hộ khẩu thường trú; 2 ảnh 4x6cm theo mẫu giấy chứng minh nhân dân và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh. Dự kiến đầu tháng 3-2015, Bộ GD-ĐT sẽ phát hành bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 1-3 đến 1-4-2015, sau thời hạn này sẽ không nhận thêm bất kỳ hồ sơ đăng ký nào nữa.
Trước câu hỏi của một em học sinh Trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) về vấn đề đăng ký ngành học, ThS. Nguyễn Hà Thạch (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: Việc đăng ký các ngành học, trường học sẽ được thực hiện sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, các em cần phải nghiên cứu thông tin và lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình ngay từ bây giờ chứ không thể chờ “nước đến chân mới nhảy”, để rồi chọn đại một ngành mà sau một thời gian học mới nhận thấy mình không phù hợp, gây lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc.
Phải cân nhắc “được” và “mất”
Không chỉ riêng ngành học, vấn đề chọn trường cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều học sinh trước mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Em Tường Huy (lớp 12B3 Trường THPT Marie Curie) bày tỏ: “Em rất muốn học ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đà Lạt nhưng bị ba mẹ phản đối. Ba mẹ chỉ muốn em chọn một trường ĐH ở TP.HCM”. Lý do mà Tường Huy “tiết lộ” lựa chọn Trường ĐH Đà Lạt là để… an toàn về điểm số và học phí. Chia sẻ vấn đề này, ThS. Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, thừa nhận: Trường ĐH Đà Lạt là trường có truyền thống lâu đời tại khu vực Tây Nguyên, cũng là trường có điểm đầu vào và mức học phí khá “dễ thở”.
Tuy nhiên, ThS. Hoàng Đức Bình cũng phân tích: “Ba mẹ em cũng có cái lý khi khuyên can em. Nếu em lựa chọn chỉ vì điểm số thì tôi thấy có các trường ĐH tại TP.HCM có điểm đầu vào ngành ngôn ngữ Anh rất đa dạng, nhiều trường tuyển với mức điểm vừa phải, phù hợp với năng lực học sinh. Còn nếu về vấn đề học phí, đúng là Trường ĐH Đà Lạt có mức học phí thấp hơn so với nhiều trường tại TP.HCM; nhưng nếu chọn học tại TP.HCM, em sẽ có lợi thế gần nhà và tiết kiệm được một khoản tiền ăn ở tương đối lớn. Đó là chưa kể tại TP.HCM, em sẽ có cơ hội được cọ xát, thực hành ngôn ngữ Anh với người nước ngoài trong mọi hoàn cảnh. Bởi TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn nên có nhiều phương tiện, nhiều cơ hội để tiếp cận với môi trường nói tiếng Anh hàng ngày. Hoặc em cũng có thể xin làm thêm một số công việc sử dụng tiếng Anh vừa để có thêm thu nhập, vừa rèn luyện ngôn ngữ. Vì thế, em cần phải cân nhắc ý kiến của ba mẹ, cân nhắc giữa “được” và “mất” để có sự lựa chọn phù hợp, đúng đắn”.
Trả lời câu hỏi của em Vũ Quốc Trung (lớp 12A2 Trường Trung học Thực hành) về đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ThS. Hoàng Minh Tâm (đại diện trường này) cho biết năm 2015, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong đề án tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng xây dựng thêm một số tổ hợp môn thi mới dự kiến áp dụng gồm: Ngành sư phạm sinh có tổ hợp toán - ngoại ngữ - sinh học (bên cạnh khối B); quốc tế học có văn - ngoại ngữ - lịch sử (bên cạnh khối C)… Ngoại trừ một số ngành như sư phạm mầm non, quản lý giáo dục, tâm lý học, quốc tế học, giáo dục chính trị, sư phạm tin học, CNTT, các ngành còn lại trường đều xác định môn chính và nhân đôi số điểm đối với môn này. Riêng ngành sư phạm địa lý có thêm nhiều tổ hợp mới bên cạnh các khối thi truyền thống, như toán - văn - địa lý, toán - ngoại ngữ - địa lý; văn - ngoại ngữ - địa lý… Tuy nhiên, các tổ hợp mới của ngành này dự kiến chỉ áp dụng từ năm 2016.
Ngọc Anh
 
Sinh viên muốn thi lại phải làm đơn xin phép hiệu trưởng trường đang học
Một học sinh Trường Trung học Thực hành hỏi: Em có người chị hiện đang là sinh viên một trường ĐH nhưng muốn thi lại ĐH tại kỳ thi năm nay có được không? Số giấy chứng nhận có thể nộp trong một đợt xét tuyển? Về những vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết: Đối với sinh viên đang học tại các trường ĐH, theo quy chế, sinh viên muốn thi lại ĐH thì phải làm đơn xin phép hiệu trưởng trường đang học. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, mỗi đợt xét tuyển em chỉ được nộp 1 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển tối đa 4 ngành trong cùng một trường. Tuy nhiên, để tạo cơ hội trúng tuyển cao cho thí sinh, dự thảo quy chế cho phép thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp vào trường khác nếu cảm thấy không an toàn.
 
HỎI - ĐÁP
Được biết Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF) có xét tuyển theo học bạ THPT, vậy hình thức cụ thể như thế nào?(em Hà Bích Trâm, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Marie Curie hỏi)
- ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, trả lời: Năm nay trường dành 30% (trong số 1.000 chỉ tiêu) xét tuyển theo học bạ. Điều kiện để được xét tuyển: Học sinh phải tốt nghiệp THPT, và có điểm trung bình các môn thuộc khối xét tuyển trong 3 năm học THPT đạt từ 6,0 trở lên đối với bậc ĐH và 5,5 trở lên đối với bậc CĐ. Khi thỏa mãn tất cả các điều kiện trên thì điểm trung bình các môn xét tuyển sẽ được cộng để xét trúng tuyển. Quá trình xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu dự kiến.