Chủ nhật, 26/5/2013, 21h05

“Dằn túi” kỹ năng để tìm việc

Sinh viên tham gia trò chơi kiểm tra kỹ năng tại một hội chợ việc làm

Bước vào môi trường doanh nghiệp rồi lại cấp tốc đi rèn luyện thêm kỹ năng hiện là “quy trình ngược” đang gặp ở rất nhiều bạn trẻ. Câu chuyện kỹ năng, gắn với vấn đề “sinh tồn” của giới trẻ tại môi trường doanh nghiệp liên tục được “xới” lên gần đây, nhất là trước những đòi hỏi ngày càng cao cho vị trí tuyển dụng.
Chuyện sinh viên “vác” bằng đỏ… ra về khi không đáp ứng được những tiêu chí của nhà tuyển dụng ngày nay không phải là hiếm thấy.
Phỏng vấn “đầu xuôi đuôi lọt”
Một clip kéo dài 8 phút vừa được YESE Team thực hiện với tiêu đề “Nếu tôi biết được khi còn là sinh viên” gần đây đã “bừng tỉnh” nhiều sinh viên trước ngưỡng cửa thị trường lao động. Một lần nữa, vấn đề kỹ năng được nhìn nhận dưới góc thể hiện ngộ nghĩnh nhưng đối với không ít bạn trẻ, lại thấm thía vô cùng.
Ở phần tự sự (kéo dài 4 phút), doanh nghiệp ví von vị trí tuyển dụng như quả trứng vàng và ứng viên là những chú nòng nọc. Để nòng nọc “bắt” được trứng vàng, hàng loạt nguyên tắc cần bỏ túi như không dùng những email lạ kiểu langtudatinh@..., bupbekhongtinhyeu@..., anhchangdeptrai@... hoặc gửi email thiếu tiêu đề, nội dung kèm theo viết tắt khó hiểu, sai chính tả. Thêm vào đó, phần giới thiệu bản thân cần ngắn gọn, có điểm nhấn và nhất là không nhảy việc quá nhiều.
Khi phỏng vấn, những ứng viên ăn mặc không phù hợp sẽ bị loại trực tiếp. Có một số “từ khóa” khiến sinh viên mất điểm như “em muốn thử sức”, “em chưa tìm hiểu về công ty”, “em thì thế nào cũng được”… Nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao những ứng viên mơ hồ về vị trí, nguyện vọng và khả năng đáp ứng cho công việc hoặc không có lập trường.
Đây chỉ là những lưu ý rất nhỏ, rất “thường nhật” đối với quá trình hoàn tất hồ sơ xin việc cũng như tham gia phỏng vấn, nhưng chính nhiều bạn trẻ lại “bỏ quên”, trong khi cũng đã có rất nhiều cảnh báo trước đó.
ThS. Phạm Văn Luân (Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Quan hệ quốc tế Trường CĐ Bến Tre) tại một hội nghị bàn về đạo đức sinh viên mới đây cũng đã bày tỏ lo ngại khi sinh viên không dùng chính những cái tên đẹp đẽ mà cha mẹ đặt để giao dịch thư điện tử. Ở các nước rất khó tìm thấy những nickname hay những danh xưng “xa lạ” khi giao dịch điện tử như aikeutoido@ yahoo.com, naivangmuathu@ gmail.com... thì điều này lại khá phổ biến ở Việt Nam.
Bên cạnh những rắc rối như gửi email nặc danh xuyên tạc, nói xấu nhau… thì tình trạng “không chính danh” còn gây mất hình ảnh sinh viên trước nhà tuyển dụng. Và hẳn nhiên, chuyện các em “ra về” ngay từ vòng sơ tuyển là điều khó tránh khỏi, mặc dù có thể năng lực các em dồi dào.
Về đích an toàn!
Việc “trụ” lại được trong doanh nghiệp không hề đơn giản đối với sinh viên mới ra trường. Tương tự như việc bơi, kỹ năng chẳng những giúp các bạn trẻ không bị chết đuối mà còn đưa họ về đích an toàn. Tùng “le te”, một nhân viên sau 3 tháng đương đầu, trải qua muôn vàn thử thách và “sống sót” được tại doanh nghiệp đã đúc kết ngắn gọn ở phần thứ 2 của clip.
Trước tiên việc thay đổi diện mạo là vô cùng cần thiết. Không áo phông, quần jeans hay dép tổ ong, thay vào đó là áo sơ mi công sở, giày Tây, cà vạt… “Hồi đầu đi làm mình hay ngán ngẩm việc “không tên” như pha cà phê, nhập dữ liệu, photocopy tài liệu… Nhưng giờ mình nhận ra nó có ích vì trong nhiều tình huống khẩn cấp, một mình cũng có thể sô-lô tác chiến, hoàn thành công việc ngon lành. Vả lại, nếu không làm tốt những việc nhỏ thì không ai dám giao cho mình những việc lớn” - nhân vật Tùng trong clip chia sẻ.
Ngoài ra, việc đúng giờ cũng là nguyên tắc vàng được đề cập. Nói không với muôn vàn lý do như tắc đường, kẹt xe, cảm nặng… Đi làm như thể mỗi ngày đều là ngày đầu tiên. Công việc sẽ có lúc gây nên nhiều mệt mỏi, căng thẳng, chán nản nhưng việc giữ “thăng bằng” với một phong thái tích cực sẽ giúp tạo được hình ảnh đẹp đối với các mối quan hệ xung quanh.
Và quan trọng, “tuốt” lại bản thân với các kỹ năng ngoại ngữ, tin học, đồng thời hiện thực hóa kiến thức chuyên môn là rất cần thiết. “Kiến thức chuyên môn giống kẹo cao su, cứ nhai đi nhai lại sẽ… mất vị. Thay vào đó, thông qua các trải nghiệm từ câu lạc bộ, khóa học ngắn, thử thách kinh doanh… sẽ giúp người lao động làm mới chính mình. Chuyên môn giỏi nếu “đính kèm” với kỹ năng làm việc tốt sẽ đem đến hiệu quả cao” - nhân vật Tùng trong clip nhấn mạnh thêm.
Từ nội dung clip, nhiều bạn trẻ ngớ người vì họ như bắt gặp hình ảnh của… chính mình. Trần Lâm Hoàng (sinh viên hệ CĐ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) bộc bạch: “Có lần em trượt vòng phỏng vấn ứng tuyển việc làm thêm tại một công ty mà không hiểu tại sao. Đối chiếu những “kinh nghiệm bỏ túi” trên đây, em thấy mình khuyết nhiều lắm. Lúc đi phỏng vấn, cứ nghĩ mình còn là sinh viên nên ăn mặc thoải mái áo thun, quần jeans. Một số câu hỏi về công ty em cũng đã… bỏ trống vì không chịu tìm hiểu trước”.
Kim Vui (Trường ĐH Văn Hiến) cũng tỏ bày: “Em thấy, chính vì lúc đi học, nhiều bạn nhởn nhơ không lo “thủ” vốn liếng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng khác nên khi vào việc bị “dội” lại là lẽ đương nhiên”.
Thực tế, theo một chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực, cũng cùng một vị trí công việc như trước đây nhưng hiện nay nhà tuyển dụng đã bắt đầu có những đòi hỏi cao hơn ở cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng đối với ứng viên.
Trong điều kiện như vậy, vấn đề tồn tại của sinh viên tại môi trường doanh nghiệp được xem là ngày càng khốc liệt và kỹ năng có lẽ cũng vẫn tiếp tục là câu chuyện dài. Cái sinh viên cần nhiều hơn là được trải nghiệm thực tế, thậm chí cả những “bài học xương máu” ở “trường đời” để tích lũy vốn sống, kinh nghiệm. Doanh nghiệp và nhà trường cũng đừng để các em lẻ loi trên hành trình nhiều thử thách và cam go ấy.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo một chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực, cũng cùng một vị trí công việc như trước đây nhưng hiện nay nhà tuyển dụng đã bắt đầu có những đòi hỏi cao hơn ở cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng đối với ứng viên.