Thứ hai, 26/1/2015, 20h01

Đánh giá học sinh thông qua nhận xét: Giáo viên “ôm việc” về nhà

GV tiểu học hướng dẫn HS trong tiết học toán
Học sinh (HS) không còn áp lực về điểm số, tâm lý thoải mái hơn khi đến lớp là ưu điểm không thể phủ nhận của thông tư 30 về việc đánh giá HS thông qua nhận xét.
Tuy nhiên, với giáo viên (GV) thì gặp không ít khó khăn khi công việc tăng, sổ sách tăng, lời nhận xét bị trùng lắp giữa các loại sổ…
“Học giỏi chưa chắc được khen thưởng”
Đó là chia sẻ của Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học C. ở Q.5 (TP.HCM). Theo vị này, HS học giỏi các môn, được khen nhưng lại không có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, của trường hoặc chưa nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong học tập... thì chưa chắc được khen thưởng. Bởi thông tư 30 của Bộ GD-ĐT yêu cầu HS phải thực hiện 5 nhiệm vụ: Thực hiện đầy đủ và có kết quả hoạt động học tập, chấp hành nội quy nhà trường; hiếu thảo người thân, kính trọng, lễ phép với GV, người lớn, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn; rèn luyện thân thể, giữ vệ sinh cá nhân; tham gia các hoạt động tập thể trong, ngoài giờ lên lớp, giữ gìn, bảo vệ tài sản nơi công cộng, thực hiện trật tự an toàn giao thông; góp phần bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương. Như vậy, dựa vào 5 nhiệm vụ trên thì những HS chưa hoàn thành một số nhiệm vụ, chưa đáp ứng nguyên tắc về đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất để nhận khen thưởng cuối học kỳ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Trường Tiểu học C., quá trình đánh giá khen thưởng HS cuối học kỳ I diễn ra nhẹ nhàng, chất lượng. Bước đầu HS trong lớp tiến hành đề cử khoảng 25 bạn, sau đó GV xem xét, đánh giá và tiếp tục cho HS bình chọn lại để chọn ra khoảng 8 bạn. Sau đó GV lập bảng rồi trình Ban Giám hiệu. Dựa vào đây, kết hợp kết quả đánh giá HS của GV, Ban Giám hiệu sẽ đưa ra kết quả cuối cùng. Mỗi lớp có từ 6-10 em tiêu biểu nhất được khen thưởng. Những HS chưa đạt các tiêu chí đánh giá, GV chia sẻ cụ thể với phụ huynh để phụ huynh quan tâm, nhắc nhở giúp con em phát triển toàn diện hơn về các mặt.
Để HS bình chọn chính xác, ngay từ tuần đầu thực hiện thông tư 30, GV đã có sự định hướng, rèn cho HS. Đó là mỗi tuần sẽ chọn ra 5 em tiêu biểu để tặng hoa chăm ngoan, và luân phiên cho cả lớp ở thời gian tiếp theo. Như thế ngay từ đầu các em đều biết bạn mình có thường xuyên được hoa chăm ngoan không, học tập thi đua có tốt không... Đây là một phần HS căn cứ bình chọn cuối học kỳ đối với bạn bè.
“Vò đầu bứt tóc” vì công việc nhiều
Kể từ khi thực hiện đánh giá HS theo thông tư 30, lãnh đạo các trường cũng như GV tiểu học đều cho rằng thông tư đã giảm đi áp lực điểm số cho HS, trả lại sự hồn nhiên của các em. Nhưng ngược lại, để làm tốt công việc, không ít GV phải “ôm việc” về nhà, tranh thủ ngày cuối tuần ghi các lời nhận xét mới kịp thời gian. Vị Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học C. cho hay, trong một tuần GV ở trường sẽ có những tiết trống, nếu thầy cô nào tranh thủ được các tiết trống này để ghi các lời nhận xét thì không phải mang việc về nhà. Ngược lại, phải “ôm việc” về nhà làm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 chia sẻ với chúng tôi: “Trong những lúc nói chuyện về công việc, một số GV tâm sự rằng “em phải vò đầu bứt tóc vì công việc nhiều quá””.
Chuyện phải mang công việc về nhà làm bởi khối lượng tăng được nhiều GV than phiền nhất. Theo lý giải, mỗi HS có một năng lực phẩm chất khác nhau, trong khi lời nhận xét phải đầy đủ ý nghĩa, tránh trùng lắp, mang tính khích lệ động viên; vì thế đòi hỏi GV phải chăm chút cho từng câu chữ. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là lời nhận xét ở một số sổ trùng nhau nhưng GV vẫn phải làm, trong khi chính việc viết lời nhận xét lại là nguyên nhân tăng khối lượng công việc.
“Việc trùng lắp từ sổ này sang sổ khác là điều không thể tránh được nhưng lại khiến GV nhàm chán bởi hình thức cứ lặp đi lặp lại”, cô Đoàn Thị Hằng, Tổ trưởng chuyên môn khối 5, Trường Tiểu học Huỳnh Kiến Hoa (Q.5), cho biết.
Cô Đoàn Thị Hằng, Tổ trưởng chuyên môn khối 5, Trường Tiểu học Huỳnh Kiến Hoa (Q.5), cho biết một GV có 4 loại sổ: Học bạ, liên lạc, chủ nhiệm và sổ theo dõi chất lượng hàng tháng (trước kia là sổ điểm). Sổ điểm theo dõi hàng tháng ghi nhận xét 3 mặt: Kiến thức, năng lực, phẩm chất và nội dung này bị trùng lắp y chang ở sổ liên lạc. Hoặc giữa sổ liên lạc và học bạ cũng có một số phần trùng lắp. Ví dụ trong phần Năng lực của sổ liên lạc ghi nhận xét về kỹ năng giao tiếp, hợp tác trùng lắp với tính mạnh dạn, tự tin ở phần Phẩm chất trong sổ học bạ. Hay mục thành tích, nổi bật, điểm hạn chế cũng bị trùng lắp.
“Việc trùng lắp từ sổ này sang sổ khác là điều không thể tránh được nhưng lại khiến GV nhàm chán bởi hình thức cứ lặp đi lặp lại”, cô Hằng cho biết.
Theo đó, cô Hằng kiến nghị: Các cấp lãnh đạo nên dựa vào những nội dung trùng lắp, xem xét có thể giảm bớt các loại sổ sách. Ví dụ giữa sổ liên lạc và sổ theo dõi thì nên chăng bỏ bớt sổ theo dõi. Vì sổ theo dõi là sổ lưu lại suốt quá trình học tập của HS, nhưng cuối năm, GV có thể photo sổ liên lạc (sổ phải gửi cho phụ huynh) lưu giữ lại. Như thế khối lượng công việc giảm, sổ sách giảm, GV có thời gian đầu tư bài giảng, nâng cao chất lượng dạy học.
Liên quan đến vấn đề sổ sách, Hiệu trưởng Trường Tiểu học T. (Q.6) chia sẻ: “Sau một thời gian ngắn thực hiện thì Phòng GD-ĐT Q.6 đã linh động xem xét cho phép các trường giảm bớt sổ sách. Hiện nay GV trường tôi chỉ còn 2 loại sổ, đó là sổ liên lạc và sổ dành cho GV”.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Một chuyên viên của Tổ tiểu học thuộc Phòng GD-ĐT Q.7 (xin được giấu tên) cho biết: Khi thực hiện thông tư 30, Tổ tiểu học đã thiết kế file Excel ứng dụng cho việc ghi nhận xét. Thông qua file Excel này, GV chỉ cần ghi các nhận xét HS trong sổ GV, sau đó xuất sang sổ liên lạc. Bằng cách này, công việc của GV giảm đi một bước mà vẫn đạt hiệu quả. Từ đó, GV có thêm thời gian tập trung cho bài dạy, quan sát, đánh giá năng lực HS được toàn diện hơn.