Thứ hai, 16/2/2015, 22h02

Đầu xuân nói về nghề diễn giả

Anh Nguyễn Hữu Trí - người Việt Nam đầu tiên được cấp phép huấn luyện chương trình “7 thói quen để thành đạt” của Tập đoàn Franklin Covey - Mỹ. Ảnh: I.T
Trong những năm gần đây, nghề diễn giả ngày càng được nhiều người biết đến. Các khóa học về tinh thần, những buổi huấn luyện về kỹ năng cũng nở rộ từng ngày. Tuy nhiên, diễn giả vẫn còn là một nghề khá mới mẻ ở Việt Nam và có không ít sự lầm tưởng về nghề này.
Không ít người làm nghề và hiểu nghề diễn giả hay ủng hộ diễn giả vẫn còn nhiều độ “chênh”. Diễn giả là người thực hiện việc làm diễn thuyết - một môn nghệ thuật công chúng, người trong nghề phải có kiến thức, kỹ năng nói và sự tự tin cao độ. Đây chính là đặc trưng của nghề diễn thuyết. Cũng cùng một bài nói nhưng cách truyền đạt khác nhau sẽ mang lại những kết quả khác nhau. Nói mà như máy chỉ cần bật lên là nói, nói một cách huyên thuyên, say sưa nhưng không chú ý đến phản hồi của người nghe. Thực tế đáng buồn nhiều suy ngẫm hiện nay là có một số diễn giả tự phong, thậm chí có những giảng viên khi trình bày như đã cài đặt sẵn, nói một mạch hết bài rồi nghỉ. Liệu người nghe sẽ thẩm thấu được những gì từ những cái máy nói này? Đầu xuân nói về một nghề mới mà không mới, tưởng dễ mà lại quá khó, rất cần nhưng sẽ không bao giờ đủ…
Diễn giả không số
Nghề diễn giả không chỉ là nghề ăn nói. Nghề này đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau. Ngoài kiến thức thật sâu về chuyên môn và đề tài mình nói, diễn giả còn phải có kiến thức tổng quát rộng. Để tác động giúp một người thay đổi, bạn phải hiểu được tâm lý, văn hóa, xã hội, nền tảng học vấn và những kinh nghiệm mà người đó từng trải vì đây là các yếu tố ảnh hưởng lên hành vi của họ. Ngoài ra, có những quy luật chi phối vạn vật trong cuộc sống, vì vậy diễn giả sẽ tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác để việc minh họa và thuyết phục của mình dễ đi vào lòng người hơn. Nói phải có sách, có chứng, có những con số minh họa cụ thể chứ không phải chỉ đọc vài quyển sách, tham gia một hai lớp học kỹ năng là có thể đi diễn thuyết khắp nơi với những lời thuyết pháp sáo rỗng như một số diễn giả không số hiện nay. Điều này rất nguy hiểm cho nhận thức của người nghe. Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ chưa có bộ lọc tốt sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những lý thuyết chưa được kiểm chứng này.
Ngoại trừ những  nhà khoa học có uy tín và có tài ăn nói… hay đó là những nhà ngoại giao đã được kiểm chứng qua công việc của mình nhiều năm… Cho đến bây giờ, việc các chương trình nói chuyện, các bài phỏng vấn… đã hào phóng cung cấp nhiều danh xưng có phần dễ dãi. Có khó gì đâu khi người ta lý luận vui: Diễn… giả chứ đâu có diễn… thật mà sợ. Thậm chí có những danh xưng mà đôi lần nghe qua cũng đã thấy choáng: Diễn giả nổi tiếng nhất Việt Nam; diễn giả có số đặc biệt…!
Nói bằng cảm xúc
Để lời nói thuyết phục, diễn giả không những phải luyện cho mình khả năng nói lưu loát, rõ ràng, dễ hiểu mà còn phải có ý tưởng, tạo được cảm xúc cho người nghe. Một nguyên lý trong nghề diễn giả là nói những gì bạn đã trải qua, làm qua, tin tưởng, bạn mới có thể chạm đến tâm hồn, trái tim người nghe, qua đó truyền niềm tin sang người nghe. Trước khán giả, bạn kể lại những trải nghiệm và đúc kết của bản thân, chứ không phải diễn kịch theo đơn đặt hàng. Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có cảm xúc hay sự truyền cảm hứng là đủ… hãy nghĩ đến nguyên lý: Đằng sau của lời nói là hành động. Bạn sẽ cẩn trọng và chịu trách nhiệm về những gì bạn nói… Đừng nghĩ chỉ là nói để kích thích, động viên…

Sự khác nhau giữa những điều sách viết và diễn giả nói là những nguyên lý và quy luật trong vũ trụ này thì bao đời vẫn vậy, nhưng mỗi một người sẽ có một cuộc đời riêng. Diễn giả là người tìm hiểu sâu và vận dụng một nguyên lý hay quy luật nào đó và đã đạt được thành tựu và đi chia sẻ lại cùng người khác. Vì là câu chuyện của chính họ, trải nghiệm của chính họ, những nghiên cứu đào sâu của chính họ nên họ sẽ nói bằng chính con tim của mình. Cùng với khả năng diễn đạt xuất sắc, khả năng nắm bắt tâm lý, khả năng tác động và truyền cảm hứng, diễn giả giúp người tham dự quyết tâm hành động để thay đổi và phát triển con người chính mình. Chính cuộc đời của bạn là một minh chứng. Chính những trải nghiệm của bạn đối với cuộc sống là một luận cứ, luận chứng hùng hồn. Không quá khắt khe khi mọi thứ đều buộc bạn phải từng trải. Nhưng rõ ràng, bạn phải đồng ý rằng điều bạn nói phải được thẩm định, phải có cơ sở khoa học nếu như không “căng thẳng” đến mức phải trở thành một “cái lý” gần như quy luật hay nguyên tắc. Và nếu chủ quan, cảm tính hay non về tầm nhìn và góc nhìn lý luận, ắt hẳn bạn sẽ dễ vỡ hay bạn sẽ dễ mộng mị, vô tư…
Vai trò của diễn giả là giúp truyền tải một nguyên lý hay tư tưởng nào đó một cách sống động và đầy cảm xúc thông qua khả năng diễn đạt lôi cuốn của họ. Khác biệt ở đây là cảm xúc họ tạo ra và lan tỏa đến người nghe. Và điều tạo nên cảm xúc chính là việc họ đã chiêm nghiệm và trải nghiệm sâu sắc nguyên lý ấy trong cuộc sống của mình. Rất nhiều diễn giả cùng chia sẻ về một nguyên lý, một bài học, nhưng không ai giống ai, vì cuộc đời của mỗi người khác nhau, trải nghiệm của mỗi người khác nhau. Đạt được nguyên tắc về cảm xúc là rất cần, nhưng hãy nhớ, chính sự chia sẻ, đồng cảm sẽ tác động không nhỏ đến người nghe. Vì thế, chỉ cảm xúc thôi chưa đủ, mà kèm vào đó là sự định hướng khéo léo trong quan điểm của người nói, trong từng câu chữ hay ý tưởng trình bày.
“Máy nói” là điều rất cấm kỵ
Việc xem xét nội dung bài nói của một chuyên gia nào đó, hay đọc các bài viết rồi xâu chuỗi thành bài nói của mình mà chưa thấm sâu hay trải nghiệm thì đó là điều cấm kỵ… Thậm chí có diễn giả còn “tệ” đến mức xem băng đĩa của một người đã diễn thuyết thành công để bắt chước đến mức nhái lại hành vi, điệu bộ… thì rất dễ trở thành máy nói. Đặc biệt hơn, đừng quên nền tảng tri thức của mình, đừng quên chuyên môn hẹp của mình cũng như những “điểm cấm kỵ” của bản thân, những vùng tối của “cá nhân” để không vô tư nói thoải mái cả những điều mình chưa có, chưa biết nếu như không muốn nói là tương phản với bản thể của mình. Diễn giả không thể nhận bừa, không thể nói tất cả các chủ đề hay tất cả lĩnh vực… Mọi thứ cần được cân nhắc khi những người nghe ta có cả chuyên gia “ngọa hổ tàng long”, có cả những người đã là người xuất sắc trong lĩnh vực thực hành… và cả những người làm công tác an ninh văn hóa…
Việc nói quá nhiều, quá dày và nói tất tần tật sẽ làm cho người nói trở nên vô hồn, thiếu trách nhiệm và chiếc máy nói có thể xuất hiện. Lòng tự trọng của con người trong công việc cũng như trách nhiệm với bản thân và nghề nghiệp đòi hỏi người làm diễn giả hay bắt đầu bước vào nghề cần cân nhắc. Hãy tâm niệm phương châm: Tôi không là… máy nói, để bắt đầu bước vào công việc diễn giả với trái tim cảm xúc và sự kiểm soát bản thân thật tỉnh táo với lý trí sáng soi.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn