Thứ ba, 26/8/2014, 11h08

Dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Em Thiên M. được cô giáo hướng dẫn chơi trò “Rút khỉ” nhằm giúp phân biệt màu sắc, số đếm và phát triển ngôn ngữ
Có một sự trái ngược dễ gây tò mò cho những ai lần đầu đến với lớp học dành cho những đứa trẻ đặc biệt: Cô và trò cùng chơi trò chơi; còn người học, lắng nghe lời dặn dò của cô giáo cũng như làm bài tập về nhà… là phụ huynh các đứa trẻ đang chơi trên sàn nhà.
Giờ học thú vị
Giờ học dành cho Thiên M. (3 tuổi rưỡi), nhà ở Q.8 (TP.HCM) chỉ kéo dài trong 60 phút. M. rất thích những con số, nên các trò chơi dành cho em thường gắn liền với những con số để kích thích sự hứng thú, khơi dậy khả năng học hỏi, nói chuyện của em. Trò chơi mà em được chơi hôm nay là trò viết số từ 1 đến 10 bằng các loại bút chì nhiều màu sắc. Đang tập viết, bỗng dưng cây bút chì của M. bị gãy, cô giáo lấy cây chuốt chì ra và chỉ rõ “đây là chuốt chì con cá heo” rồi hướng dẫn em cách cho bút chì vào lỗ, xoay sao cho chuốt được. Thích thú với trò chơi mới, M. lại tìm cây bút chì khác. Lúc này, cô giáo giúp em phân biệt cây nào còn, cây nào hết viết được để em tiếp tục chuốt, hay cách đóng nắp cây bút chì và để lại trong ống bút sao cho gọn gàng. Trong lúc kiểm tra, cô liên tục nhắc: “Cây này màu xanh dương”, “cây này màu cam”, “M. vặn nhẹ nhàng, nhẹ nhàng”… Sau đó cô giáo dùng cây bút chì của M. để viết tiếp các con số rồi nối chúng lại với nhau, đóng khung con số bằng hình tam giác, hình vuông và chỉ rõ cho em thấy “đây là hình tam giác, đây là hình vuông, chúng khác nhau”…
Kết thúc buổi học, bài tập về nhà của… ba mẹ M. là giúp con học về số lượng, phân biệt các giới từ, nói thêm nhiều danh từ, tính từ chỉ màu sắc, kích thước để mở rộng vốn từ, tập so sánh và chơi theo luật. Không giống như Thiên M., Minh H. (3 tuổi rưỡi, nhà ở Q.10) lại bị chậm phát triển ngôn ngữ. Ai gặp H. sẽ không nghĩ em mắc phải chứng bệnh này bởi em nói khá nhiều. Thế nhưng, vốn từ của H. lại rất ít, nói không đúng với ngữ pháp và hầu như em mới chỉ nói được những từ khóa trong câu cần nói như “uống sữa”, “đi tè”, “ô tô” thay vì nói đầy đủ “cho con uống sữa” như những đứa trẻ bình thường. Không chỉ thế, H. cũng gặp khó khăn để hiểu những mệnh lệnh người khác đưa ra. Cũng là chơi, nhưng bài tập về nhà của ba mẹ H. là tập nói câu dài, nói câu đúng ngữ pháp mà không kèm theo cử chỉ, cố tình nói sai để cho em tự sửa. Tùy theo mức độ học của em, cô giáo sẽ giao hẹn với phụ huynh về định mức danh từ, tính từ, hay động từ cần nói mỗi ngày.
Thiên M. và Minh H. chỉ là hai trong số những đứa trẻ có dấu hiệu tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ và trí tuệ được chị Nguyễn Thị Thu, cử nhân ngành tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, nhận hướng dẫn theo phương pháp trị liệu floortime (chơi trên sàn nhà). Thông thường, những giờ học dành cho đối tượng trẻ có dấu hiệu khó khăn về phát triển trí tuệ, chậm nói, tự kỷ hay có dấu hiệu về cảm xúc thường chỉ kéo dài 1 giờ - đủ để các em không bị mệt mỏi, nhàm chán.
Đồ chơi không bằng cách chơi
Trong trường hợp sau nhiều lần chơi mà không đạt được mục tiêu đề ra, phụ huynh phải xem lại cách thức, mục tiêu mình đưa ra đã phù hợp với trẻ hay chưa. Không nên bắt trẻ chịu đựng sự vô lý bằng cách la mắng, đánh đập bởi những cảm xúc này dễ được trẻ tiếp thu và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý, cảm xúc của các em.
Theo chị Thu, chơi trị liệu là phương pháp không quá khó bởi đứa trẻ nào cũng có nhu cầu được chơi những trò chơi mà các em thích. Tuy nhiên, nó đòi hỏi người chơi phải luyện tập nhiều lần, có khả năng xử lý linh hoạt theo hoạt động của trẻ và lồng ghép vào trò chơi những kỹ năng trẻ cần cải thiện. Với phương pháp này, phụ huynh sẽ nhập vai chơi cùng trẻ như một người quản trò để thu hút sự quan tâm của các em. Tùy theo mức độ tiếp thu và phát triển của trẻ, phụ huynh sẽ có sự lựa chọn đồ chơi phù hợp với mục tiêu và kế hoạch đưa ra ban đầu. Trẻ nhỏ sẽ phù hợp với những đồ chơi có cảm giác như âm thanh, ánh sáng, đặc tính đồ vật, nguyên nhân - hệ quả. Trẻ lớn hơn phù hợp với các đồ chơi mang tính “giả vờ” như bác sĩ, nhà bếp, búp bê… Những đồ chơi được lựa chọn thường không quá khó so với mức độ phát triển của trẻ và phải có màu sắc, hình dạng bắt mắt để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, chị Thu cũng cho rằng, đồ chơi không quan trọng bằng cách chơi của người cùng chơi với trẻ. Người chơi cần hiểu và chơi thành thạo từng món đồ, vừa đóng vai trò là người chơi chung, quản trò, người hướng dẫn, khích lệ kịp thời, lại vừa phải là người ngoài cuộc quan sát mọi hành động để kịp thời dẫn trẻ vào mục tiêu ban đầu. Trong lúc chơi, người chơi không buông lời chê bai, cấm đoán, đánh giá đúng sai khi trẻ làm sai yêu cầu, hướng dẫn trẻ tuân thủ những luật chơi đơn giản như chơi xong thì cất đồ gọn gàng, nhẹ nhàng, không được quăng ném… Bên cạnh đó, để trò chơi không bị sai lệch mục đích ban đầu do sự tò mò của trẻ, chị Thu lưu ý phụ huynh phải sắp xếp phòng ốc gọn gàng, không để đồ chơi khác nằm trong “tầm ngắm” của trẻ. Nếu trẻ vô tình tìm đến đồ chơi khác, phụ huynh phải linh hoạt lồng ghép, chuyển mục tiêu ban đầu sang món đồ mà trẻ đang chơi. Chỉ cần một chút sáng tạo, hiểu trẻ muốn gì, mức độ tiếp nhận của trẻ đến đâu…, phụ huynh sẽ dễ dàng tiếp cận và giúp con em tiến bộ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Phương pháp trị liệu floortime là một trong số những cách thức có thể áp dụng ngay trong đời sống hằng ngày của trẻ, giúp các em cải thiện mối quan hệ mức độ tương tác, giao tiếp mà bất cứ cha mẹ nào cũng có thể tham gia.