Thứ ba, 9/9/2014, 22h09

Giáo viên sợ họp phụ huynh học sinh

Như thông lệ, đầu năm học, các trường phổ thông đều tổ chức họp phụ huynh học sinh. Trước đây, giáo viên chủ nhiệm luôn mong đợi ngày này để trao đổi với phụ huynh về việc dạy và học, về việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và phụ huynh. Cũng trong buổi họp này, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt nhiều thông tin về học sinh của mình từ phụ huynh để có những biện pháp giáo dục phù hợp cho từng em. Về phía phụ huynh, cha mẹ cũng hiểu biết được cách thức làm việc, một số biện pháp giáo dục mà giáo viên thực hiện. Thế nhưng, những năm gần đây, giáo viên chủ nhiệm rất sợ buổi họp phụ huynh đầu năm vì… các khoản tiền mà phụ huynh phải đóng.
Mặc dù giáo viên không có quyền quyết định bất kỳ một khoản thu nào mà chỉ là người phổ biến. Tuy nhiên, với phụ huynh, thầy cô là người thay mặt cho nhà trường để yêu cầu họ đóng. Ở một số trường, giáo viên còn là người trực tiếp thu nên câu nói quen thuộc là: “Đóng cho thầy (cô) bao nhiêu tiền?”. Có phụ huynh không đến dự họp mà gọi cho giáo viên chủ nhiệm hỏi: “Đóng bao nhiêu tiền vậy thầy (cô)? Mai em đưa cháu đem vô đầy đủ. Bây giờ em bận việc nên không đi họp được”. Nhiều giáo viên chủ nhiệm đã khéo léo nhờ một phụ huynh mà mình dự kiến sẽ làm tổ trưởng phụ huynh phổ biến giúp nhưng vì các khoản thu năm này đều cao hơn năm trước, nên khi có ý kiến thắc mắc thì phụ huynh ấy lại “đưa mắt” về phía giáo viên. Vậy là giáo viên chủ nhiệm lại phải giải thích theo ý chung là “vật giá leo thang, chứ chúng tôi cũng chỉ được ban giám hiệu thông báo khoản tiền là như vậy”. Có những chất vấn mà giáo viên cũng không biết trả lời sao như: “Đứa lớn của tôi học lớp 10, phù hiệu có in tên, lớp mà chỉ có 10 ngàn đồng/4 cái. Phù hiệu trường này không in tên, lớp mà đến 16 ngàn đồng/4 cái. Sao mắc vậy?...”.
Quỹ phụ huynh trước đây, giờ được gọi là tiền công trình của ban đại diện cha mẹ học sinh. Khoản tiền này, ban giám hiệu yêu cầu phải thỏa thuận để phụ huynh đồng ý và ký tên thật đầy đủ, tránh thưa kiện về sau. Đây mới chính là việc mà nói ra “thật đắng lòng” bởi khi thỏa thuận với phụ huynh, nó như một cuộc “trả giá” mà giáo viên chủ nhiệm là người “ra giá”. Chẳng hạn, ban giám hiệu phổ biến tổng tiền thực hiện các công trình trong năm và quy ra mỗi phụ huynh phải đóng góp 400.000 đồng/ năm. Lớp có phụ huynh khó khăn, vậy là mức đưa ra sẽ được phụ huynh đề nghị “hạ giá” là 200.000, 250.000, 300.000 đồng… Giáo viên lại phải giải thích, động viên để mọi người đồng ý với “giá” mà nhà trường đưa ra. Phụ huynh đâu có biết là khoản đóng góp này đúng, đủ với số tiền quy định cũng là một yếu tố để ban giám hiệu đánh giá công tác chủ nhiệm của giáo viên. Trong kì họp hội đồng nhà trường sau đó, các lớp đạt chỉ tiêu 100% sẽ được khen ngợi, các lớp không đạt thì… “Đủ hiểu rồi nha!” (câu mà giáo viên chủ nhiệm thường dùng).
Không biết đến bao giờ thì buổi họp phụ huynh đầu năm sẽ như những cuộc họp của mấy mươi năm về trước, giáo viên chủ nhiệm hào hứng trao đổi với phụ huynh về việc giảng dạy, giáo dục học sinh. Còn hiện tại, thầy cô giáo rất ngán ngại phải họp phụ huynh học sinh đầu năm.
Nhân Tâm (TP.HCM)