Thứ sáu, 17/4/2015, 16h04

Hai học sinh chế tạo thiết bị quan sát hạt phóng xạ

Thiết bị được làm từ hộp nhựa, đĩa nhôm, dải mút, cồn 90 độ, bơm tiêm loại nhỏ, găng tay, giấy bạc...

Nguyễn Thanh Hải (trái) và Phạm Trần Bảo Khang cùng thiết bị do mình sáng chế - Ảnh: Lâm Thiên

Tác giả sản phẩm này là hai bạn học sinh lớp 10: Phạm Trần Bảo Khang và Nguyễn Thanh Hải, Trường THPT Đơn Dương (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Đây là thiết bị chuyên dụng để học sinh thực hành trong chương trình vật lý lớp 12 tại các trường THPT.

Trong khi thiết bị này các trường phải nhập về từ Nhật Bản với giá khoảng 60 USD thì chi phí hoàn thành sản phẩm của hai cậu học trò là... 150.000 đồng (khoảng 7 usd).

Cơ duyên ra đời thiết bị là đầu năm học 2014-2015, khi nhà trường phát động cuộc thi thiết kế, chế tạo thiết bị học tập dành cho học sinh toàn trường, Khang và Hải đăng ký đề tài chế tạo thiết bị này với sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên vật lý.

Ba tháng đầu cứ đến cuối tuần là Khang và Hải chở nhau rong ruổi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác tìm mua nguyên vật liệu. Cả hai mang về cắt gọt từng mảnh nhựa, đĩa nhôm, dải mút... rồi dán lại với nhau.

Tuy nhiên hết lần này đến lần khác thiết bị đều bị lỗi. Khi thì chưa chính xác, khi thì thiếu chi tiết này chi tiết kia. Mỗi lần như vậy các bạn phải làm lại từ đầu, cắt gọt tỉ mỉ hơn, dán keo kỹ càng hơn. “Cứ sau một lần thất bại, tụi mình lại rút kinh nghiệm dần dần” - Khang kể.

Cái khó là nguồn phóng xạ phải nhờ Viện Hạt nhân Đà Lạt cung cấp. Học trò lo một thì cô giáo lo mười.

“Mỗi lần thử nghiệm là một lần tôi thấy hồi hộp. Vì nguồn phóng xạ không nhiều, phải nhờ viện, mà tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ sẽ không tốt cho sức khỏe các em” - cô Nga chia sẻ.

Mãi cho đến tháng thứ bảy thiết bị mới hoàn thiện và vận hành trơn tru trong niềm vui không chỉ của cô trò. Thiết bị khá gọn với ba phần chính: một hộp nhựa dán băng keo đen mặt trong, phía dưới là khoảng trống, một môtơ điện cỡ nhỏ có dây nối có thể tháo rời và một hộp nhựa nhỏ có lỗ vừa đưa ống bơm tiêm vào.

Ông Nguyễn Quốc Túy, phó trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD - ĐT tỉnh Lâm Đồng, nhận xét: cái hay của bộ thiết bị này chính là các học sinh đã sử dụng những dụng cụ, vật liệu rất bình thường, dễ tìm, tạo thành sản phẩm với giá thành không cao nhưng lại rất hiệu quả.

Khang và Hải cho biết ở Nhật và một số nước khác trên thế giới đã làm được thiết bị này. Tuy nhiên các vật dụng ấy rất khó tìm ở nước ta nên các bạn tìm cách thay đổi một số thiết bị và làm theo cách của mình. Với bộ thiết bị này, chỉ cần mang vào phòng tối, đặt vật phóng xạ bên dưới chiếc hộp, cho cồn bay hơi, mọi người sẽ thấy được sự chuyển động của các hạt phóng xạ bên trong chiếc hộp.

Sản phẩm của Bảo Khang và Thanh Hải đã giành giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (tháng 3-2015).

Thầy Thái Anh Long, người trực tiếp đưa hai cậu học trò dự cuộc thi này, cho biết: “Đó là thành tích cao nhất từ trước tới giờ của trường trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và toàn quốc”. Tại cuộc thi, Khang và Hải thay nhau giới thiệu các công đoạn chế tạo, chức năng của từng bộ phận cấu thành sản phẩm. Đứng đằng xa theo dõi, cô Nguyễn Thị Thanh Nga mỉm cười chia sẻ: “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Hạt nhân Đà Lạt tạo ra nhiều bộ thiết bị hơn phục vụ công tác dạy học trong các trường THPT trên cả nước”.

“Dạy học sinh những cái không thấy được bằng mắt là điều rất khó. Sản phẩm này tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh quan sát được một cách rõ ràng các tia phóng xạ. Vì vậy học sinh sẽ không còn cảm thấy xa lạ với những điều mình được học nữa” - ông Túy nhận xét.

LÂM THIÊN

(TTO)