Thứ năm, 27/11/2014, 22h11

Học ĐH không phải để làm công nhân!

Nhà trường phải có sự tác động mạnh mẽ đến học sinh để tránh tâm lý “phải vào ĐH”. Ảnh: N.K
Vừa qua trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, “Cất bằng ĐH làm công nhân cũng là việc làm”, đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Phải nhìn nhận rằng, đây là một nhận xét phản ánh đúng thực tế của xã hội hiện nay, bởi có nhiều người học ĐH nhưng không tìm được công việc phù hợp phải đi làm công nhân, đồng thời có người có bằng ĐH phải đi học nghề để làm công nhân, cũng như có người học ĐH nhưng kiến thức không đủ làm công việc của người có bằng ĐH mà phải “chuyển xuống” làm công nhân…
Nhận xét đó cũng có tính “gợi mở” để một số cử nhân có thể mạnh dạn, yên tâm nhận công việc của một công nhân, không nhất thiết phải băn khoăn vì sao mình có bằng cấp này nọ mà làm công việc không tương xứng. Đó là bề nổi, về mặt hình thức.
1. Về mặt bản chất, hiện tượng này rõ ràng là không tích cực. Phải xác định ngay là học ĐH không phải để đi làm công nhân. Nói vậy hoàn toàn không có ý rẻ rúng những người học nghề hoặc học trung cấp, cũng không xem thường công nhân, mà là đang lý giải về tính chất của giáo dục ĐH. Điều 5 của Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 3 (ngày 18-6-2012) nêu rõ: “a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân” (khoản 1), và “Đào tạo trình độ ĐH để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo” (khoản 2). Như vậy, dù có nêu ra yếu tố thực hành, nhưng về cơ bản, người tốt nghiệp ĐH sẽ tham gia vào lực lượng lao động chất lượng cao, đóng vai trò chủ yếu ở việc quản lý, điều hành trong nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Trên thực tế, giáo dục ĐH về cơ bản không đào tạo thiên về kỹ năng để làm công việc giản đơn, mà thiên về xây dựng nhận thức, phương pháp nghiên cứu, từ đó có thể ứng dụng vào công việc. Hầu hết các ngành đào tạo ở bậc học này tuy có tính chất “dạy nghề” (trừ một số ngành như báo chí, sư phạm… gần như chỉ “dạy nghề”) nhưng tính chất nghề đó không đi sâu vào quá chi tiết để thực hiện một số công việc riêng biệt nào đó. Chẳng hạn, kỹ sư cơ khí được cung cấp phần nhiều kiến thức để hiểu nguyên lý hoạt động của một động cơ, có thể thực hành việc tháo ráp, sửa chữa một cách căn bản, nhưng để có kỹ năng thuần thục thì có thể kém hơn một người học nghề về cơ khí, trong khi người học nghề chỉ có kiến thức hẹp về một công đoạn, một khía cạnh nào đó của động cơ…
Mặt khác, vì cần kiến thức rộng, tổng hợp nhiều lĩnh vực có liên quan nên bậc ĐH thường đào tạo kéo dài hơn hẳn đào tạo nghề (hiện nay phần lớn là 4 năm). Nếu học một cách nghiêm túc, sự đầu tư công sức, kinh phí cho 4 năm ĐH là không nhỏ: Ngoài thời gian học trên lớp phải tự nghiên cứu, phải thực hành, kiến tập, thực tập, phải tham gia những hoạt động có tính chất nghiên cứu khoa học, như viết tiểu luận, khóa luận, làm đề tài… Đem sự đầu tư đó để làm công nhân là lãng phí cho bản thân người học, cho cơ sở đào tạo và cho xã hội. Nếu tính ở mức bình quân chi phí cho một sinh viên ở tỉnh đến các đô thị để học tập trong một năm (gồm học phí và các chi phí khác) là 25 triệu đồng (thực tế có nhiều trường hợp còn cao hơn nhiều) thì 4 năm học phải tốn khoảng 100 triệu đồng. Đây là một gánh nặng cho gia đình rất nhiều người. Nếu xác định ngay từ đầu sau khi học sẽ đi làm công nhân thì chỉ cần chọn học nghề, mất 18 tháng đến 24 tháng, không chỉ giảm đi một nửa chi phí và thời gian mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội khi thời gian làm việc sớm hơn, kéo dài hơn; đó là chưa kể tìm việc cũng dễ dàng hơn.
3. Từ đây có thể thấy rằng, cần tách bạch các bậc đào tạo; trong đó, đào tạo bậc ĐH về cơ bản là không phải để đi làm công nhân, vốn đã có các trường nghề cung cấp. Đồng thời, phải định hướng kỹ cho học sinh chọn nghề, chọn ngành, chọn bậc đào tạo. Xã hội (cơ quan truyền thông, dư luận, công tác hướng nghiệp…) phải giúp học sinh nhìn rõ các ưu thế và hạn chế của đào tạo ĐH và đào tạo nghề, cả về mặt nghề nghiệp, về vị trí xã hội. Phải tác động mạnh mẽ để tránh tâm lý “phải vào ĐH” hay “thà làm thầy chứ không làm thợ” trong một số người, một số gia đình. Ngoài ra, ở đào tạo ĐH cũng cần tăng phần rèn kỹ năng, thực hành nhiều hơn để cử nhân không chỉ có lý thuyết mà còn có thể làm việc cụ thể, thực tế ngay trong trường hợp khó khăn có thể dễ dàng trở thành công nhân thì không rơi vào tình trạng dở dở ương ương giữa “thầy” và “thợ”!
Trúc Giang (Q.3, TP.HCM)
Khó đáp ứng yêu cầu công việc
Như đã nêu ở trên, người tốt nghiệp ĐH, vốn được đào tạo thành một cử nhân khoa học, thì kỹ năng làm việc có thể khó đáp ứng được yêu cầu công việc ngay của một công nhân mà phải qua huấn luyện, đào tạo lại và quá trình làm việc thực tế. Như vậy lại tiếp tục mất thêm thời gian nữa. Ngoài ra, tâm lý người học ĐH đi làm công nhân có khi cũng không thực sự thoải mái, tích cực, mà thường ở trạng thái chọn việc vì “chẳng đặng đừng”, có thể khiến hiệu quả công việc không cao.