Thứ sáu, 14/9/2012, 15h09

Học sinh nhí thử tài kinh doanh

Học sinh đang tham gia học kỹ năng sử dụng tiền tại Trường TH Chính Nghĩa (Q.5)

Có nguồn vốn ảo hơn 4 triệu đồng trong tay, nhóm 5 em học sinh (HS) Trường TH Minh Đạo (Q.5) có tên Thất Kiếm Anh Hùng đã đưa ra ý tưởng kinh doanh kem ly. Sau 6 tuần mở cửa, các em đã nhanh chóng hoàn vốn và chuyển sang thu lời…
Đó là kết quả thực hành của các em sau 6 tuần học về kỹ năng tài chính do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) phối hợp với Ngân hàng HSBC tổ chức giảng dạy cho HS khối lớp 5. Đây là năm thứ 2 chương trình được thực hiện (trong dịp hè), so với lần đầu có 150 em (3 trường tham gia) thì năm nay số lượng tăng lên 400 em (8 trường tham gia).
Đa dạng ý tưởng
Loại kem mà nhóm Thất Kiếm Anh Hùng kinh doanh có tên Kitty Cream, đầy đủ hương vị va-ni, khoai môn, dâu tây, bạc hà… Một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Kem là món khoái khẩu của các bạn. Một ngày có khoảng vài trăm bạn đến trường thì chắc chắn sẽ có vài chục bạn mua. Nắm chắc lợi thế này, chúng em nghĩ sẽ không lỗ khi kinh doanh”. Để thuận tiện cho công việc và khách hàng, nhóm chọn địa điểm trước cổng trường, thời gian bán vào các buổi chiều trong tuần, đặc biệt là đẩy mạnh trong giờ ra chơi.
Nhằm giúp cho công việc kinh doanh hiệu quả, các bạn còn làm tờ rơi, quảng cáo về hình ảnh và chất lượng kem, thậm chí những dịch vụ cung ứng như khuyến mại, mang kem tận nơi theo đúng sở thích người mua… Do đó, quán mở mới hai ngày là khách đã biết đến và sau 6 tuần mở cửa, Thất Kiếm Anh Hùng đã hoàn vốn hơn 4 triệu đồng và thu lời.
Trái ngược ý tưởng kinh doạnh kem ly của Thất Kiếm Anh Hùng, nhóm học sinh của Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1) lại thích thú với việc  bán và cho thuê sách, báo cũ - mặt hàng có giá trị tri thức cao. Nhóm lấy tên The Awesome book, sản phẩm được gom góp từ mỗi cá nhân. Bên cạnh đấy mỗi thành viên còn trích một khoản tiền nhỏ để mua thêm sách mới, trả tiền lương. Em Trần Ngọc Sương Mai (lớp 54) tỏ ra hứng khởi: “Thực ra sách, báo là công cụ mà bất kỳ HS nào cũng cần. Nó là cầu nối để các bạn đến với kiến thức cũng như thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Trong khi đó, thư viện không phải lúc nào cũng đầy đủ. Cửa hàng chúng em sẽ bù lại những gì còn thiếu”.
Theo Sương Mai, thuận tiện của cửa hàng là trong giờ ra chơi hay đầu giờ học, các bạn có thể ghé xem. Dự tính mỗi ngày cửa hàng có thể thu hút từ vài chục đến cả trăm bạn. Sau gần 1 tháng, nhóm đã hoàn vốn 1,8 triệu đồng.
Ngoài Thất Kiếm Anh Hùng và The Awesome book còn có các nhóm khác như: Bạn bè bốn phương (Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), Ngon ngon (Trường Nguyễn Văn Trỗi, Q.4), Như Ý (Trường Nguyễn Thái Bình, Q.1)… tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nước giải khát, gấu bông tự làm, nước mát 24 vị cho đến dịch vụ tổ chức tiệc sinh nhật. Kinh doanh các mặt hàng không giống nhau nhưng các nhóm đều thể hiện kết quả bài học bằng khả năng của mình. Sương Mai chia sẻ: “Vận dụng kiến thức đã học về sử dụng tài chính vào kinh doanh thật thú vị. Tuy không dễ vì đòi hỏi phải nghiên cứu thị trường, khách hàng, địa điểm, sử dụng vốn, thời gian… nhưng thông qua bài học chúng em đã nắm được các kỹ năng tính toán này”.
Những bài học hay
So với các bài học rèn luyện kỹ năng hiện nay trong nhà trường, việc dạy kỹ năng sử dụng tài chính có phần mới mẻ hơn và được không ít trường, phụ huynh quan tâm, ủng hộ. HS được trang bị các bài học như kỹ năng tiết kiệm, kiếm tiền, chi tiêu, đặc biệt là ý thức chia sẻ với cộng đồng thay vì sử dụng tiền không đúng cách.
Chị Nguyễn Thanh Tú (Q.1) chia sẻ: “Cuộc sống ngày càng hiện đại, theo đó trẻ nhỏ tiếp cận với tiền cũng sớm. Để tiêu tiền đúng cách thì không phải trẻ nào cũng làm được. Nhiều trẻ có tiền trong tay, không biết làm gì liền tìm đến tiệm internet chơi game vô bổ. Chưa kể tiền có thể hình thành tính ích kỷ trong trẻ”.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), cho hay: “Dạy kỹ năng sử dụng tài chính cho HS là nội dung rất hay, hình thành những kỹ năng cơ bản giúp các em hình dung, nhận biết được những giá trị của đồng tiền, biết sử dụng đúng cách, đúng nơi, đúng chỗ. Tuy nhiên, hiện nay trong nhà trường nói chung chưa có chương trình dạy kỹ năng sử dụng tài chính bởi để thực hiện phải có nội dung, chương trình, kế hoạch… Nếu chương trình được triển khai rộng rãi như các hoạt động giảng dạy kỹ năng khác thì nhà trường hết sức ủng hộ”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Mỗi buổi sáng, em được ba mẹ cho 10 ngàn đồng uống nước, ăn quà vặt. Hôm nào mua quà còn tiền thì em sẽ mua những món khác cho hết tiền. Nay vận dụng kiến thức từ lớp học, em chỉ tiêu một ít, sau đó bỏ heo đất để khi nào cần thì mang ra mua dụng cụ, đồ dùng học tập”, em Nguyễn Gia Linh (HS Trường TH Nguyễn Thái Bình) cho biết.