Chủ nhật, 20/4/2014, 12h04

Hướng dẫn viên du lịch: Ngành của người thích khám phá

Ông Trần Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi (đứng gần) và TS. Lê Phước Hùng - Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến - trao học bổng cho học sinh trong chương trình tư vấn
Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, du lịch luôn là ngành được nhiều quốc gia chú trọng đẩy mạnh. Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, nhu cầu nhân lực của ngành du lịch và khách sạn được đánh giá là rất tiềm năng... 
Trong chương trình tư vấn Hướng nghiệp học đường do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Văn Hiến tổ chức ở nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố, có rất đông học sinh đã quan tâm tới lĩnh vực này.
Nghề không hào nhoáng
Đa số những người theo đuổi con đường trở thành một hướng dẫn viên du lịch hoặc một nghề nào đó thuộc lĩnh vực này ban đầu đều có chung suy nghĩ: Học ngành này sẽ được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau. Thế nhưng, theo bạn Lê Thị Thu Hường, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, đó mới chỉ là mặt nhìn thấy được của nghề. Dù mức thu nhập của nghề hướng dẫn viên có thể lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng không phải ai cũng đủ sức khỏe, đam mê để theo đuổi suốt cả đời. Những chuyến đi dài ngày, thời gian làm việc luôn thay đổi… là những mặt trái của nghề mà hướng dẫn viên du lịch luôn phải đối mặt.
“Đã có rất nhiều bạn bị gia đình phản đối khi lựa chọn ngành học này bởi các bậc phụ huynh luôn muốn con mình làm nghề gì đó an nhàn hơn là việc vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất ít, di chuyển nhiều, ăn uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ cùng lúc… khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng. Ngoài ra, làm nghề hướng dẫn bạn có thể bị mất ngủ, khó thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Đôi khi bạn còn phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách du lịch trong mỗi chuyến đi, điều này có thể khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người phải gánh chịu”, Thu Hường chia sẻ.
Theo ThS. Vương Thanh Long, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, một hướng dẫn viên du lịch muốn làm tốt công việc ngoài những kiến thức chuyên môn được học trên giảng đường còn phải tự trang bị các kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, hiểu biết phong tục các nơi và một bản lĩnh nghề nghiệp để ứng phó với bất kỳ tình huống phát sinh trong suốt thời gian dẫn tour.
Phải được cọ xát thực tế
ThS. Vương Thanh Long cho biết, du lịch là một trong những ngành truyền thống được Trường ĐH Văn Hiến chú trọng đào tạo trong nhiều năm qua. Đến nay trường đã đào tạo được 11 khóa với 3.655 sinh viên tốt nghiệp. Các em được trang bị nhiều kỹ năng, thành thạo ngoại ngữ, năng động, nhạy bén đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để giúp sinh viên cọ xát với môi trường thực tế hay yêu cầu của nhà tuyển dụng, Khoa Du lịch của trường thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm trang bị thêm những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của các em trong tương lai như: Hội thi thuyết trình, thi “Người tập sự khách sạn”, tham gia Hội chợ du lịch do Sở VH-TT&DL TP.HCM tổ chức hàng năm hay tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ Lữ hành, Câu lạc bộ Cựu sinh viên và phát hành bản tin du lịch 3 số/ học kỳ.
Ngoài ra, Khoa Du lịch cũng có những mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đảm bảo việc đào tạo gắn liền với thực tiễn cũng như đảm bảo nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường. Cụ thể, sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc với những khách sạn 5 sao hàng đầu mà khoa đã ký kết hợp tác như: Park Hyatt, Sai Gon Hotel, Sheraton, New World Hotel, Renaissance, Lotte Legend Hotel Saigon, InterContinental Asiana Saigon Hotel, Windsor Plaza, Rex Hotel … (ngành quản trị khách sạn - nhà hàng) và các công ty du lịch nổi tiếng như Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Đất nước Việt, Hanoitourist, Lửa Việt, TST, Sài Gòn - Hàm Tân, du lịch Nam Phương, du lịch Nhân Thắng... (ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành). Ra trường, sinh viên ngành quản trị - khách sạn có thể làm việc ở các khách sạn (từ 3 đến 5 sao), khu du lịch (resort) hoặc các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch Nhà nước hoặc tư nhân. Còn sinh viên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành làm việc tại cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc các công ty kinh doanh sản phẩm tour du lịch.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Một hướng dẫn viên du lịch muốn làm tốt công việc ngoài những kiến thức chuyên môn được học trên giảng đường còn phải tự trang bị các kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, hiểu biết phong tục các nơi và một bản lĩnh nghề nghiệp để ứng phó với bất kỳ tình huống phát sinh...”, ThS. Vương Thanh Long, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho biết.