Chủ nhật, 14/9/2014, 20h09

Hướng HSSV phát huy lối sống đẹp

Các hoạt động ngoại khóa giúp rèn luyện và phát huy lối sống đẹp trong HS-SV
Trong năm học vừa qua, các trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục nhằm rèn luyện nhân cách và phát huy lối sống đẹp cho học sinh - sinh viên (HSSV).
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác HSSV năm học 2013-2014, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua.
Nhiều sân chơi phát triển trí tuệ
Ông Nguyễn Minh - Trưởng phòng Công tác HSSV (Sở GD-ĐT TP.HCM) - cho biết năm học vừa qua, Sở GD-ĐT đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo, lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Nhiều đơn vị đã có những hoạt động sáng tạo, thu hút sự quan tâm của đông đảo HS như Phòng GD-ĐT Q.5 phối hợp cùng UBMTTQ quận tổ chức hàng loạt chương trình về biển, đảo; giao lưu, tặng học bổng…; Trung tâm GDTX Q.Bình Thạnh khánh thành phòng giới thiệu về biển, đảo quê hương; Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức chương trình “Xuân biển đảo”, gặp gỡ và giao lưu với các chiến sĩ hải quân. Bên cạnh đó, HS thành phố đã gửi 35.000 bức thư xuân chan chứa tình cảm tới các chiến sĩ ở Trường Sa, nhà giàn DK, các đảo ở Tây Nam và Đông Nam của Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán nhằm động viên các chiến sĩ vững tay súng để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đặc biệt, chương trình “Một trường học cho HS Trường Sa” đã vận động được gần 9 tỷ đồng từ tiền ăn sáng, nuôi heo đất của các em HSSV…
Ở nhiều trường học, hoạt động xây dựng các CLB học thuật được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy tính tích cực cho HS. Ông Nguyễn Văn Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết hoạt động CLB Học thuật tại trường đã phát hiện và phát triển tài năng các HS có năng khiếu, sở thích. Qua đó khuyến khích các em không ngừng học tập, rèn luyện, sáng tạo và tự tin thể hiện chính mình. Hiện nay Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 9 CLB thuộc nhiều bộ môn như: CLB Tên lửa nước, Báo chí, Văn nghệ, Nhiếp ảnh, Vì cộng đồng, Handmade, Văn hóa Nhật Bản, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức. Ông Nghi cho biết thêm, HS khối 11 còn tự thành lập nhóm hướng nghiệp Wana Be để tìm hiểu các ngành nghề đang “nóng”, các ngành nghề tiềm năng trong tương lai và tổ chức nhiều đợt khảo sát về ngành nghề mà HS quan tâm. Trên cơ sở số liệu khảo sát, nhóm sẽ liên hệ và mời chuyên gia hoặc giảng viên các trường ĐH có chuyên ngành đó về trường giải đáp, tư vấn. Trong năm qua, nhóm Wana Be đã tổ chức được nhiều buổi nói chuyện hướng nghiệp các ngành marketing, tổ chức sự kiện và kinh tế”.
Tương tự, các CLB có truyền thống lâu đời ở nhiều trường THPT như Ong sáng tạo (Nguyễn Thị Minh Khai), Kiến Vàng (Bùi Thị Xuân), Công tác xã hội (Phú Nhuận), Khuyến học (Quang Trung) đang ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định vai trò và thu hút nhiều HS tham gia.
Đảm bảo an toàn cho HS tới lớp

Học sinh THPT thành phố tuyên truyền đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông. Ảnh: Q.Huy
Ở khía cạnh khác, khi đề cập về bữa ăn học đường đang được thực hiện tại nhiều trường trên địa bàn Q.11, ông Phan Trí Dũng (phụ trách công tác y tế của Phòng GD-ĐT Q.11), khẳng định: Thực đơn các bữa ăn được dựa trên mức thu 25.000 đồng/HS với nguồn nguyên vật liệu dễ kiếm, đáp ứng nhu cầu chế biến của bếp ăn. “Hiện Q.11 có 8 trường tiểu học công lập triển khai chương trình “Bữa ăn học đường” cho HS bán trú với bộ thực đơn gồm 8 tuần, mỗi ngày 5 món (ngoài cơm còn có các món canh, mặn, xào, tráng miệng và món xế). Các trường đã tổ chức giới thiệu ngắn gọn với HS về lợi ích của từng món ăn, thành phần dinh dưỡng có trong món ăn tại mỗi bữa ăn để nâng cao nhận thức của các em về dinh dưỡng. Một số trường còn mời BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), đến nói chuyện về tầm quan trọng của dinh dưỡng để giúp các em hiểu rõ và thực hiện đúng theo yêu cầu tiêu chuẩn”, ông Dũng phân tích.Trong năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Hội Cựu giáo chức tổ chức nhiều buổi tọa đàm để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống, chia sẻ kinh nghiệm hay với giáo viên làm công tác tư vấn để phòng tham vấn tâm lý tại các trường trở thành địa chỉ đáng tin cậy của HS và phụ huynh khi có nhu cầu cần chia sẻ.
Trước tình hình an ninh, an toàn tại trường học có diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp tích cực với lực lượng công an, chính quyền và đoàn thể địa phương nhằm góp phần tạo sự ổn định, trong sạch và lành mạnh cho môi trường GD-ĐT. Đặc biệt, Phòng GD-ĐT Q.5 đã tổ chức thành công buổi diễn tập về phòng cháy chữa cháy tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và Trung tâm GDTX quận với đầy đủ các phương án thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn cho các HS mắc kẹt trên tầng lầu… giúp lãnh đạo và giáo viên có thêm kinh nghiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy cho đơn vị mình.
Bài, ảnh: Linh Vy
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, sáng tạo của các trường trong công tác giáo dục nhằm rèn luyện và phát huy lối sống đẹp của HSSV thành phố. Bên cạnh những phẩm chất “Đức-trí-thể-mỹ”, ông Đạt cũng yêu cầu các trường cần chú trọng rèn luyện đức tính lao động cho HSSV để các em trở thành con người phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời đại mới.
 
75% trường THPT có phòng tham vấn tâm lý riêng biệt
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các hội nghị, tập huấn về công tác HSSV trước đây, công tác tư vấn trường học luôn là vấn đề khiến nhiều lãnh đạo đau đầu vì sự thiếu hụt đội ngũ chuyên viên tư vấn, phòng ốc, chế độ đãi ngộ…; thì hiện nay đã có 85% trên tổng số 198 trường THPT trên địa bàn thành phố có giáo viên chuyên trách làm công tác tư vấn, 75% trường có phòng tham vấn tâm lý riêng biệt…