Chủ nhật, 19/10/2014, 23h10

Một kỳ thi và việc tuyển sinh của các trường nghề: “Lép vế” vì tuyển sinh kém

 

Cần thay đổi nhận thức về vị trí người lao động thông qua sự khẳng định của tay nghề. Ảnh: V.Yên
Điểm chính trong đề án một kỳ thi quốc gia là thông qua kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh. Song song với điều này, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh riêng đáp ứng các quy định của quy chế và công bố công khai để thí sinh tham khảo…
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chưa thấy Bộ GD-ĐT nhắc đến hệ thống giáo dục dạy nghề, TCCN. Từ đó dư luận đặt ra băn khoăn: Liệu việc không được đề cập đến là do hệ thống các trường nghề đã bị bỏ quên? hay do vài năm trở lại đây hệ thống trường này đã dần “lép vế” khi không thể tuyển sinh được?... Chúng tôi nghĩ rằng, trả lời cho câu hỏi này là quá khó.
Có một thực tế rằng, hệ thống giáo dục dạy nghề, TCCN ở nước ta không phải là khan hiếm. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 151 trường CĐ nghề, 307 trường TC nghề, 869 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác tham gia dạy nghề. Và thực tế, chúng ta có nhu cầu, đơn cử như tính toán của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho thấy, nhu cầu lao động của thành phố và yêu cầu về bảo đảm tỷ lệ qua đào tạo của lực lượng lao động qua các năm thì giai đoạn 2012-2015 cần phải đào tạo gần 155.000 lao động (bình quân 38.000 người/năm). Vấn đề cần quan tâm ở đây là người học nghề ngày càng ít đi. Vậy nguyên nhân do đâu?
Một điều dễ nhận thấy là hiện nay vị thế của hệ thống trường nghề chưa được coi trọng, ít nhất là trong nhận thức của người học. Ngân sách đầu tư cho trường nghề còn hạn chế, việc đầu tư theo lộ trình căn bản còn thiếu, chủ yếu là chắp vá. Trong khi đó sức bật của chính bản thân mỗi trường nghề còn hạn chế trong khâu tuyên truyền, khảo sát nhu cầu lao động, liên kết đơn vị tuyển dụng lao động…
Thực tế hiện nay thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn nghèo nàn. Ngân sách hỗ trợ cho học viên các trường nghề còn hạn chế. Đó là chưa kể, sau khi học nghề các em lại rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc lại đi làm lao động phổ thông. Hay mức thu nhập thấp… nên chưa thể thu hút các em tham gia học nghề. Trong khi hệ thống các trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyển sinh với nhiều cơ chế mở. Đề án một kỳ thi quốc gia càng có thêm nhiều thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ thì cánh cửa vào hệ thống giáo dục dạy nghề, TCCN ngày càng hẹp lại là điều dễ hiểu. Đây được xem là một nút thắt nằm trong sợi dây xích có nhiều nút thắt gồm chương trình dạy học, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tâm lí người học… khiến cho hệ thống giáo dục dạy nghề, TCCN ngày càng “teo” lại. Như vậy, hệ thống giáo dục dạy nghề, TCCN muốn lấy lại vị thế cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để đổi mới toàn diện, không ngoại trừ việc gắn liền lợi ích, vai trò của trường nghề ngang bằng với các trường ĐH, CĐ trong đề án một kỳ thi quốc gia.
Lâu nay chúng ta thường nói đến sự phân luồng học sinh sau THCS và THPT, nhưng trên thực tế chúng ta đã phân luồng được những gì? Hiệu quả mang lại từ sự phân luồng đó được bao nhiêu so với kế hoạch? Theo chúng tôi, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt trong việc này. Không loại trừ việc ở tất cả các cơ sở sử dụng lao động phải tuyển dụng lao động có tay nghề và có sự phân loại tay nghề theo bậc để hưởng chế độ đãi ngộ.
Muốn đẩy mạnh vị thế của trường nghề bên cạnh các chủ trương, chính sách, theo chúng tôi, phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên thực sự có tay nghề vững. Thực tế, trình độ kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm hiện tại của đội ngũ giáo viên chưa bảo đảm đủ chuẩn so với quy định xét trên 3 tiêu chí: Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm. Chúng ta cũng đã biết, hiện nay, một phần giáo viên dạy nghề chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc tham gia dạy nghề bằng tiếng Anh khi liên kết với các cơ sở dạy nghề ở ngoài nước; trong khi đó xu hướng dạy nghề đang tiếp cận đến trình độ khu vực và quốc tế. Đó cũng là một điểm cần bổ sung. Theo chúng tôi, muốn đào tạo một người thợ giỏi, nhất thiết phải có người thầy giỏi, giàu tâm huyết, dày dạn kinh nghiệm làm thợ chứ không phải giỏi lý thuyết. Song song với việc đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề giáo viên thì cần có chế độ tiền lương phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có sự đánh giá, khảo sát chuyên nghiệp về nhu cầu nhân lực lao động ngành nghề trong xã hội. Kết quả đánh giá gắn liền với định hướng và hành động trong việc tổ chức mở các ngành nghề đáp ứng nhu cầu, tạo nên sự gắn kết liên hoàn. Một điểm khác cũng góp phần quan trọng, đó là phải tổ chức khâu tuyên truyền mạnh mẽ để làm thay đổi nhận thức của người học, của lực lượng học sinh chuẩn bị bước vào độ tuổi lao động về vai trò, vị trí nghề nghiệp, tầm quan trọng của người thợ lành nghề…
Trịnh Thị Diệu Linh
(Giảng viên Trường CĐ Nghề Đà Nẵng)
Đề án một kỳ thi quốc gia càng có thêm nhiều thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ thì cánh cửa vào hệ thống giáo dục dạy nghề, TCCN ngày càng hẹp lại là điều dễ hiểu.