Chủ nhật, 21/12/2014, 22h12

Nhiều thuận lợi cho học sinh

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai (Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, TP.HCM):
Nhanh chóng soạn thảo cấu trúc đề thi

Một tiết học môn hóa tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: ANh Khôi

Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia mới được công bố có khá nhiều điểm lợi cho HS. Các em có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhiều hơn, thời gian ôn tập và chuẩn bị tinh thần kỹ càng hơn. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa đề cập đến cấu trúc ra đề thi. Dù các nhận định trước đây đều cho biết đề sẽ ra theo hướng phân hóa thí sinh nhưng chỉ còn mang tính chất chung chung. Trong khi đó, đây lại là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm để kịp thời định hướng cho HS, cung cấp cho các em những kiến thức phù hợp với hướng ra đề và mức độ phân hóa của đề thi.
Bên cạnh đó, một vấn đề đang được rất nhiều HS quan tâm hiện nay là quy chế tuyển sinh, khối thi của các trường ĐH, CĐ. Theo tôi, các trường ĐH, CĐ và Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng đưa ra quy chế tuyển sinh để ổn định tinh thần cho HS, đồng thời để các em kịp thời điều chỉnh cách học, hướng ôn tập cho mình.
 
Ông Bùi Gia Hiếu (Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM):
Vai trò của các sở GD-ĐT mờ nhạt
Những điểm mới trong dự thảo gây nhiều bất ngờ khi hài hòa được nhiều điểm hạn chế trong các kỳ thi trước đây, hài hòa được ý kiến của HS và các nhà quản lý giáo dục, thay đổi nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho HS về môn thi, thời gian, địa điểm thi.
Tuy nhiên, vai trò và trách nhiệm của sở GD-ĐT các địa phương lại rất mờ nhạt. Trong khi vấn đề xét tốt nghiệp THPT thuộc phạm vi quản lý của các sở GD-ĐT thì dự thảo lại để cho các trường ĐH chủ trì coi thi, chấm thi; vai trò của các sở GD-ĐT chỉ là tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GD-ĐT. Điều này sẽ gây lãng phí về nguồn lực, bất cập về điểm số bài thi. Đó là chưa nói tới việc liệu điểm thi do các trường ĐH chấm có đảm bảo công bằng cho các thí sinh bởi cách chấm, yêu cầu của mỗi trường ĐH đều khác nhau. Do đó dự thảo cần phải có cơ chế phối hợp giữa sở GD-ĐT với các trường ĐH, đáp án và thang điểm bài thi cần chi tiết hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng chưa đề cập cụ thể đến quyền lợi, cách thức thi đối với các thí sinh tự do (đối tượng này lên tới vài ngàn em). Quy chế cộng điểm cho các đối tượng ưu tiên cũng cần phải được thay đổi, không thể áp dụng bộ quy chế trước đây vì sẽ gây thiệt thòi cho các thí sinh khác. Riêng đối tượng ưu tiên thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng cần phải quy định cụ thể khu vực nào, địa phương nào chứ không thể gom chung lại cả những tỉnh, khu vực có điều kiện kinh tế, giáo dục phát triển thuộc vùng này.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về việc ra đề thi khi nhập chung 2 hệ GDTX và THPT bởi chương trình học, mức độ tiếp thu của hai hệ này không giống nhau.
 
Thầy Lê Hường (Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng):
Giáo viên gặp bất lợi
Nhìn chung, quy chế dự thảo đã nêu ra tương đối rõ ràng. Theo tôi, thứ nhất là về thời gian thi: Việc lùi thời gian một kỳ thi quốc gia đến tháng 7-2015 sẽ có nhiều thuận lợi cho thí sinh trong việc chuẩn bị tâm lý, ôn tập đảm bảo chất lượng cũng như có thời gian để bổ sung những phần còn yếu. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm bất lợi cho giáo viên, bởi vì sau khi kết thúc chương trình vào tháng 5, giáo viên phải tiếp tục ôn tập cho các em khối 12. Đến tháng 7 lại đi coi thi và đến giữa tháng 7 mới hoàn thành. Tiếp đó, một số giáo viên lại phải tham gia chấm thi, trong khi như mọi năm, đầu tháng 8, các giáo viên đã phải tập trung về trường tổ chức kế hoạch năm học mới, tham gia tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ… Như vậy, so với các năm trước, giáo viên THPT được nghỉ 1,5 tháng thì theo quy chế mới, sẽ chỉ được nghỉ 2 tuần.
Kỳ thi THPT quốc gia sử dụng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 trong khi tính điểm đỗ tốt nghiệp lại theo công thức: Tổng điểm 4 môn thi cộng điểm khuyến khích (nếu có) rồi chia cho 8 sau đó mới cộng điểm trung bình năm lớp 12 thì chung quy lại vẫn quay về hệ số 1 như thang điểm 10.
 
Thầy Nguyễn Hữu Định (Hiệu trưởng Trường THPT Thị trấn Thới Lai, TP.Cần Thơ):
Tạo nhiều thuận lợi cho HS
Theo tôi, quy chế về kỳ thi quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ này tạo thuận lợi rất nhiều cho HS như  thời gian ôn thi nhiều hơn; giảm áp lực học tập vì HS chỉ thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Tôi rất tán thành chủ trương giao các trường ĐH có uy tín, có kinh nghiệm chủ trì cuộc thi, trong khâu tổ chức cũng như phối hợp đội ngũ giáo viên THPT chấm bài. Chủ trương này góp phần khắc phục hoặc hạn chế bệnh thành tích và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc dạy và học đi vào thực chất hơn.
Việc sử dụng thang điểm 20 tạo nhiều thuận lợi cho HS. Bốn đợt xét tuyển giúp thí sinh nhiều cơ hội trúng tuyển, có thể khắc phục hạn chế trong tuyển sinh trước đây như: Thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH. Về nguyện vọng, chúng tôi mong Bộ GD-ĐT có biện pháp nhằm đảm bảo tính nghiêm túc đối với những cụm thi tỉnh dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cần bố trí các trường ĐH có uy tín chủ trì những cụm thi này. Để đảm bảo công bằng cho các em, dù bất cứ lý do gì, những thí sinh thi các cụm thi đó không được dùng điểm thi tốt nghiệp để tham gia đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hiện Bộ GD-ĐT chưa ban hành cấu trúc đề thi của kỳ thi quốc gia nên các giáo viên vẫn dạy theo chuẩn kiến thức chung, chưa thể giúp HS rèn luyện, làm quen với dạng đề thi mới nhằm góp phần giúp các em thêm vững vàng khi bước vào kỳ thi.
 
Em Hứa Việt Thắng (học lớp 12B16, Trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP.Cần Thơ):
Cần đảm bảo tính nghiêm túc với cụm thi tỉnh
Không chỉ em mà tất cả các bạn trong lớp đều ủng hộ quy chế dự thảo kỳ thi quốc gia này vì có nhiều thuận lợi cho HS: Chúng em có thêm thời gian ôn luyện và chủ động đầu tư cho những môn học thuộc khối thi ĐH mà mình sẽ thi. Với 4 đợt xét tuyển và 16 nguyện vọng, chúng em có rất nhiều cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Trong thời gian xét tuyển HS có thể đổi nguyện vọng hoặc nộp vào các trường khác. Những bạn có khả năng  tham gia thi đủ 8 môn sẽ rộng đường vào các trường ĐH. Lệ phí thi tính theo số môn cũng hợp lý vì sẽ giúp HS thận trọng, suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định chọn các môn thi. Nếu được bày tỏ nguyện vọng, chúng em kính đề nghị Bộ GD-ĐT có biện pháp nhằm đảm bảo tính nghiêm túc đối với những cụm thi tỉnh dành cho các bạn dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhóm PV (Ghi)
 LTS: Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 với nhiều điểm mới so với các kỳ thi trước đây. Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo nhiều trường THPT và HS đánh giá về những điểm mới này.