Thứ ba, 22/4/2014, 22h04

Phạt học sinh như thế nào?

Người thầy phải khéo léo lựa chọn hình phạt phù hợp, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: T.L
Vừa qua, một tờ báo mạng đã đăng chuyện thầy giáo Tổng phụ trách Đội ở Trường THCS Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) phạt một em học sinh lớp 6 thụt dầu hàng trăm cái, khiến em bị đau và sợ tiếp tục bị phạt nên phải nghỉ học.
Câu chuyện trên nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và có rất nhiều người bình luận. Các ý kiến có 3 luồng chính: Luồng thứ nhất ủng hộ việc phạt, xem một số hình phạt đối với học sinh là điều bình thường, nhằm giúp các em học tốt hơn; luồng thứ hai cho rằng không nên phạt nặng, dù với lý do gì, bởi một số hình phạt nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe thì cũng gây ra những vấn đề về tâm lý; luồng thứ ba trung dung hơn, cho rằng cần thiết có phạt và xem phạt cũng là một biện pháp giáo dục, tuy nhiên cần lựa hình phạt nào nhẹ nhàng, tránh ảnh hưởng không tốt đến trẻ…
Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong giáo dục không tách rời các biện pháp biểu dương và phê bình, khen thưởng và trừng phạt. Biểu dương, khen thưởng là nhằm động viên, khích lệ các cá nhân có hành vi tích cực, đồng thời qua đó kích thích sự noi gương, làm theo của các cá nhân khác. Không chỉ vậy, đây là cách thể hiện rõ quan điểm của người thầy về cái tốt, cái đúng - những điều không chỉ được kêu gọi mà còn được tạo điều kiện, khuyến khích phải làm theo. Phê bình, trừng phạt là nhằm nhắc nhở, cảnh cáo cá nhân có hành vi chưa tích cực (hoặc tiêu cực), buộc người vi phạm phải chấp nhận hậu quả do hành vi của mình gây ra; qua đó nhằm cảnh báo, răn đe các cá nhân khác không được lặp lại hành vi đó.
Đúc kết của ông bà ta cũng nói rất rõ: Thương cho roi cho vọt, tức là việc phạt cũng được xem là một hình thức giáo dục cần thiết. Không chỉ vậy, việc phạt trẻ được cho là “thương” bởi với hình thức giáo dục nghiêm khắc này, trẻ được rèn nhiều thứ, từ tính kỷ luật, sự khuôn phép cho đến việc tạo ra lý do, động lực để phấn đấu, rèn luyện tốt hơn.
Vấn đề còn lại là phạt như thế nào để đảm bảo tính giáo dục và có hiệu quả thực tế. Như trong câu chuyện trên, nhiều người đồng ý là có thể phạt đối với một số hành vi chưa ngoan của học sinh nhưng phạt thụt dầu hàng trăm lần là không nên. Có ít nhất 4 điều cần quan tâm khi phạt một học sinh: Có ảnh hưởng đến sức khỏe không? có ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm không? có tạo ra hậu quả nào khác không? và có thực sự hiệu quả không?
Một số kiểu phạt có thể cân nhắc áp dụng cho từng đối tượng phù hợp, như phê bình (nhẹ nhàng) trước lớp, chép phạt, một vài hình thức dọa (dọa báo với phụ huynh, dọa ghi sổ đầu bài…). Khi khen thì công khai, rộng rãi nhưng khi phê bình, trừng phạt thì phải nên cân nhắc...
Vì vậy, khi phạt trẻ, phải xem điều đó có làm đau (nhiều) trẻ hay không, có khiến trẻ thấy bị nhục nhã mà dẫn đến hành vi không kiềm chế không, có làm trẻ mất lòng tin ở thầy cô không, liệu trẻ trở nên chai lì sau khi nhận hình phạt này hay không… Nếu câu trả lời là “có” thì tuyệt đối không nên phạt trẻ, bởi khi đó hình phạt không chỉ thiếu tính giáo dục mà còn không hiệu quả. Phải chọn hình thức phạt mà người thầy thấy rằng câu trả lời là “không”. Người thầy khi hỏi và trả lời phải thực sự trung thực và quyết định phạt hay không phải bằng lòng yêu trẻ, yêu nghề, chứ không phải vì nóng nảy, tức giận.
Dĩ nhiên, với mỗi học sinh khác nhau thì hình phạt cũng không thể giống nhau. Đó là giới tính, khí chất, lứa tuổi… Một nữ sinh rụt rè, nhút nhát mà dùng biện pháp “thô bạo”, có tính làm em xấu hổ thì chẳng những không có kết quả mà thậm chí có thể gây ra hậu quả xấu. Hay một nam sinh đã vi phạm nhiều lần mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng e là khó tạo ra sự thay đổi. Và đôi khi, không phạt gì cũng là phạt (không nhắc gì đến chẳng hạn), nhất là đối với những trẻ đã dùng nhiều biện pháp mà không tạo sự thay đổi.
Từ đó có thể thấy, nên tránh một số hình phạt mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục, như đánh đòn, hít đất, thụt dầu, chạy bộ, quỳ gối…; cũng không nên áp dụng biện pháp có tính nhục mạ học sinh như so sánh khập khiễng, mắng mỏ…; đồng thời hạn chế những kiểu phê bình, phạt vạ có tính đe dọa, gây khủng hoảng tinh thần…
Người thầy phải tế nhị, khéo léo chọn lựa hình thức phạt phù hợp sao cho hiệu quả mà tránh ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Và sau cùng, trừng phạt nên là biện pháp chẳng đặng đừng chứ không phải là biện pháp thường xuyên!
Nguyễn Minh Tâm
Mọi người phải biết về quyền trẻ em
Chỉ mới mấy tháng đầu năm 2014 mà cả xã hội đã phải bức xúc, lên án nhiều vụ việc như cha đánh chết con mới 8 tuổi vì nghi con ăn cắp 20.000 đồng ở Gia Lai và mới đây nhất một học sinh đã bị làm nhục ngay chốn đông người chỉ vì ăn cắp 2 quyển sách trong siêu thị… Phải chăng những hành động sai trái, phạm tội với trẻ là một phần do những người ấy không biết gì về quyền trẻ em?
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Tháng 2-2001 được sự đề nghị của Sở GD-ĐT TP.HCM, Trường TH Đống Đa (Q.4) cùng với 5 trường bạn trong thành phố bắt đầu thí điểm dự án “Xây dựng môi trường học thân thiện với trẻ” với mục tiêu xây dựng nhà trường đạt được những ý tưởng theo các điều khoản trong công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi đã phổ biến, giáo dục học sinh 4 nhóm quyền của trẻ em theo công ước: Quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Sau đó, chúng tôi còn tổ chức các buổi hội thảo về quyền trẻ em đến phụ huynh và địa phương nơi trường cư trú… Sau 5 năm thực hiện dự án, môi trường học thân thiện đã được triển khai thực hiện ở các trường học trên cả nước và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp trong môi trường giáo dục. Thế nhưng, thật đáng buồn khi trẻ được học về quyền trẻ em từ nhà trường thì ngay tại gia đình và ngoài xã hội, các em lại bị chà đạp nhân phẩm, bị cướp đi mạng sống. Do đó, theo tôi, công ước về quyền trẻ em cần nhanh chóng được phổ biến rộng rãi đến từng người dân, đến tất cả các cơ quan công sở để chúng ta không còn đau xót trước sự ngược đãi trẻ em nữa.
Lê Phương Trí
(Trường TH Đống Đa, Q.4)