Thứ sáu, 3/10/2014, 21h10

Quy định đánh giá học sinh tiểu học: Mục đích hay nhưng khó thực hiện

Từ ngày 15-10, các trường tiểu học sẽ chính thức triển khai việc đánh giá học sinh theo thông tư 30 của Bộ GD-ĐT
Hiện nay dư luận rất quan tâm đến thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, bởi có liên quan đến khá nhiều người và có tác động không nhỏ đến HS trong độ tuổi này.
Có thể nói quy định này đặt ra những trách nhiệm mới và nặng nề cho giáo viên (GV) bậc tiểu học. Nhìn chung, đây là một quy định có mục đích hay nhưng việc thực hiện và thực hiện có kết quả tích cực không hề dễ dàng.
Không dễ đánh giá
Trên thực tế, việc đánh giá có nhiều điểm không dễ thực hiện; nếu không có những tiêu chí cụ thể, không trải qua việc rút kinh nghiệm sâu sắc thì các chủ thể đánh giá đều khó có thể đánh giá một cách chính xác. Chẳng hạn, đối với GV, việc đánh giá được quy định ở 3 nội dung: Học tập (theo chương trình học), sự hình thành và phát triển một số năng lực (tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học, giải quyết vấn đề), sự hình thành và phát triển một số phẩm chất (chăm học, chăm làm; tích cực tham gia các hoạt động; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè; yêu trường lớp, quê hương, đất nước…). Đây là những đánh giá rất tổng hợp, rất rộng, lại rất cụ thể, như vậy để đánh giá đúng và đầy đủ cho từng HS, GV phải chú ý quan sát, theo dõi rất sát với từng em và trong thời gian liên tục, kéo dài. Với điều kiện giờ làm việc và khối lượng công việc của GV tiểu học hiện nay, liệu điều này có đảm bảo? Hay GV cũng chỉ có thể đánh giá một cách lớt phớt trên những biểu hiện chung chung và giống nhau giữa các HS? Thí dụ: Làm sao đánh giá được HS có yêu bạn, yêu trường lớp, yêu quê hương, đất nước, nếu không phải thông qua nhiều bài trắc nghiệm; hay làm sao đánh giá khả năng giao tiếp của trẻ nếu chỉ dựa trên giao tiếp trong giờ học mà không dựa vào các xử sự trong giờ ra chơi, sau giờ học?... Hay GV đánh giá bằng lời trực tiếp hoặc bằng cách viết nhận xét vào vở, vào sổ. Trên thực tế, GV không thể nêu nhận xét đầy đủ với tất cả các HS, dù bằng cách nào. Chẳng hạn, nếu nói trực tiếp, liệu với HS lớp 1, 2 có thể hiểu hết các nhận xét? Nếu phê bình, góp ý trước lớp thì liệu có làm các em mặc cảm? Nếu ghi vào vở, vào sổ thì e rằng không có thời gian; đã vậy không thể ghi tắt mà phải diễn giải, trong khi “bút sa gà chết”, sự thiếu thận trọng hoặc vô tình của GV có thể để lại hậu quả không nhỏ. Do đó, quy định này dường như thêm một sự “làm khó” cho GV, vốn đã bị nhiều áp lực rồi.
Rồi phụ huynh đánh giá thế nào, liệu có khách quan, chính xác? HS tự đánh giá ra sao, liệu có đúng và đầy đủ; khi đánh giá bạn mình thì làm thế nào xác định được sự đánh giá đó là khách quan, trung thực?... Đây đều là vấn đề khó khăn, nên cuối cùng cũng chỉ có đánh giá của GV là chủ yếu, có vẻ như cũng quay trở lại cách đánh giá trước giờ, chỉ khác là rộng hơn, đầy đủ hơn và không thông qua điểm số. Như vậy, quy định này đã có nhiều điểm khó thực hiện có hiệu quả trong thực tế.
Cần nghiêm túc định lượng hiệu quả
Trong điều kiện đó, phổ biến việc đánh giá đại trà ở tất cả các trường, các lớp có lẽ còn vướng nhiều khó khăn. Lẽ ra ngành giáo dục nên thí điểm ở một số trường, trong trường chỉ thực hiện tại một số lớp (đủ các khối) để rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục các vướng mắc.
Ngành giáo dục nên thí điểm ở một số trường, trong trường chỉ thực hiện tại một số lớp (đủ các khối) để rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục các vướng mắc.
Trong điều kiện hiện nay, chưa nên chốt lại phương thức đánh giá mà cần thiết tiếp tục có sự nghiên cứu về cách thức thực hiện và hiệu quả thực hiện trên thực tế, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, rút kinh nghiệm và nhân rộng các cách làm phù hợp. Về lâu dài hơn, cần giảm bớt các “sự vụ” cho GV, như việc ghi thông tin vào sổ liên lạc, tham gia làm bảo mẫu, rút GV ra khỏi các hoạt động mang tính “mua bán” (kêu gọi đóng góp, nhắc nhở đóng tiền…) để họ chỉ chăm chút cho công việc chuyên môn của mình, từ đó mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác hơn.
Ngành giáo dục cần nghiêm túc định lượng kết quả, hiệu quả thực hiện của việc đánh giá này, tránh thực hiện sơ sài hoặc làm lệch mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá, báo cáo thiếu trung thực về kết quả thực hiện…
Nguyễn Minh Tâm (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Thể hiện sự toàn diện trong đánh giá
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá mới này có ý nghĩa tích cực đối với cả 4 nhóm đối tượng: Đối với GV, giúp “điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của các em để hướng dẫn, giúp đỡ...”; đối với HS, giúp “tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ”; đối với phụ huynh, giúp “tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện; quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục HS”; đối với cán bộ quản lý, giúp “kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục”.
Như vậy, quy định này tạo ra nhiều kênh và nhiều cách hơn trong việc đánh giá HS. Chẳng hạn, trước giờ chỉ có GV đánh giá HS chứ bản thân các em hầu như rất ít được tự đánh giá mình, nếu có cũng không phải là một kênh quan trọng. Nay với quy định này, các em được tự đánh giá đồng thời tham gia đánh giá các HS khác, vừa thể hiện sự trách nhiệm hơn quá trình học tập, rèn luyện vừa học cách quan sát, ứng xử với các đối tượng khác…