Thứ sáu, 29/1/2010, 08h01

Sinh viên “lao đao” với ngoại ngữ

Đến năm 2020, 80% SV tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn trình độ tiếng Anh (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Theo thống kê của Bộ GD – ĐT, có hơn 50% sinh viên (SV) tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Khả năng tiếng Anh hạn chế đã đánh mất cơ hội tìm việc làm của rất nhiều SV.
Chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Ngoại ngữ được giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ hiện nay chủ yếu là tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ phổ dụng của thế giới. TS. Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Giáo dục thuộc ĐHQG TP.HCM cho biết: “Việc học tiếng Anh nói một cách tổng thể trên phạm vi quốc gia hiện nay đang thiếu một tiếng nói chung từ các bên có liên quan như nhà quản lý, giảng viên, SV và nhà tuyển dụng. Đồng thời, thiếu một nền tảng khoa học để xây dựng hoặc lựa chọn các chiến lược phù hợp dẫn đến SV tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tất nhiên, những nỗ lực cải cách cụ thể ở nơi này, nơi khác với ít nhiều tác động nhưng thiếu tập trung, tản mạn, vì thế hiệu quả không cao và thiếu tính bền vững”.
Việc không sử dụng được ngoại ngữ để giao tiếp cũng như trong học tập là một thực trạng phổ biến ở nhiều SV. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết do SV ít được sử dụng vốn ngoại ngữ của mình trong các bối cảnh đời thường. Chương trình dạy và học ngoại ngữ ở các ngành không chuyên ngữ hiện nay phần lớn chú trọng vào ngữ pháp và vốn từ vựng nhưng lại không chú trọng đến phát triển kỹ năng giao tiếp, tư duy bằng ngoại ngữ, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề… Vì vậy, rất nhiều SV rất giỏi về ngữ pháp, viết đọc thành thạo nhưng khi gặp một người nước ngoài họ khó có thể giao tiếp tốt.
Ngoài ra, một lý do khác nữa khiến cho trình độ ngoại ngữ của nhiều SV không tiến triển lên được là rất nhiều trường không xếp theo trình độ, để cho SV có trình độ chênh lệch quá lớn ngồi chung một lớp học. Vân Nga, vừa tốt nghiệp ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết: “Hồi học năm nhất, trường có tổ chức thi để kiểm tra trình độ. Mình được miễn 3 học kỳ tiếng Anh. Trong thời gian được miễn ở trường mình có đi học ở các trung tâm khác nên vốn tiếng Anh cũng kha khá. Nhưng đến khi học chuyên ngành chung với các bạn cùng lớp, thực sự mình thấy trình độ giữa các bạn chênh lệch rất nhiều. Có một số bạn cũng được miễn mấy kì liên tục như mình nhưng họ không đi học thêm ở ngoài nữa nên tiếng Anh của họ cũng bị mai một dần…”. Theo TS. Vũ Thị Phương Anh, sở dĩ có tình trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay là do trong một thời gian dài chúng ta đã phát triển tự phát và hoàn toàn không chú trọng đến đào tạo những người quản lý chuyên môn cho đúng tầm cỡ. Đa số các trưởng bộ môn, trưởng khoa chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn dành cho những người quản lý đào tạo ngoại ngữ mà chỉ sử dụng những người quản lý theo kiểu cũ (tuân thủ theo chương trình có sẵn từ trên đưa xuống hoặc từ người trước để lại). Tiếp đến là chạy theo số lượng ồ ạt (nhu cầu học tiếng Anh tăng vọt từ sau khi mở cửa) dẫn đến việc quản lý thiếu chuyên nghiệp đã trở thành một thói quen cố hữu và được chấp nhận như một chuẩn mực. Đa số những người được đào tạo theo chuyên môn sâu về quản lý đào tạo ngoại ngữ vì nhiều lý do, lại không phát huy được đúng sở trường mà chuyển sang làm những công việc khác tạo ra một sự thiếu hụt trầm trọng về đội ngũ này.
Giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho SV
Nhiều SV ở bậc phổ thông không học tiếng Anh mà học ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Nga… nhưng khi vào ĐH, họ lại được xếp chung vào học với những SV có trình độ tiếng Anh khá cao.
Theo TS. Vũ Thị Phương Anh, để thay đổi tình trạng hiện nay cần phải tạo sự thay đổi đồng bộ ở đội ngũ quản lý chuyên môn tại các khoa, trường. Những người này phải có đủ trình độ và kinh nghiệm quản lý, được trao quyền chủ động tối đa để thiết kế chương trình, lựa chọn giáo trình, xây dựng đội ngũ, lựa chọn các chuẩn kiểm tra đánh giá và được cung cấp các điều kiện vật chất thiết bị đầy đủ để làm việc. Tất nhiên, bên cạnh việc trao quyền thì cần phải có một hệ thống giám sát chặt chẽ và minh bạch, thưởng phạt phân minh. “Một khi có được điều này thì chính các nhà quản lý chuyên môn sẽ là những người tạo ra sự thay đổi rõ ràng sau một thời gian nhất định. Tôi nghĩ chỉ cần 5 năm sẽ thấy rõ những thay đổi này” – TS. Vũ Thị Phương Anh khẳng định.
Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong đào tạo ĐH và sau ĐH tại ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2010 - 2015” đã đưa ra một số giải pháp quan trọng và mới mẻ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho SV như sau: Trước hết, nâng cao năng lực chuyên môn của các giáo viên. Tạo một hệ thống chính sách và chuẩn mực rõ ràng, minh bạch, chuyên nghiệp để đánh giá hiệu quả việc dạy và học. Chẳng hạn như hệ thống quy chiếu trình độ ngoại ngữ, các chuẩn năng lực đầu ra, ngân hàng câu hỏi để đo lường năng lực người học trước, trong và sau khi học… Đồng thời để tạo nguồn lực tốt nhất cho việc thành công đề án, cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa trường ĐH và nhà tuyển dụng, cùng tăng cường hợp tác quốc tế.
Ngoài những giải pháp trên thì tính chủ động, sáng tạo của mỗi SV là điều cơ bản mới giúp họ tự nâng cao năng lực ngoại ngữ cho mình.
Dương Bình
Mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra là đến năm 2020: 80% SV tốt nghiệp đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế.