Thứ hai, 1/9/2014, 19h09

Sớm đưa chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa vào sách giáo khoa

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã
Hiện nay, nhiều nhà sử học cho rằng, các sự kiện lịch sử liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa được đưa vào sách giáo khoa (SGK) là điều đáng tiếc.
Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, quá trình xác lập, khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của bất kỳ một quốc gia nào cũng được đưa vào SGK, là nội dung bắt buộc. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao có kế hoạch thống nhất về bậc học, mức độ để đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa khi đổi mới chương trình SGK phổ thông sau năm 2015.
PV: Thưa tiến sĩ, ngay bây giờ chúng ta phải làm gì khi chờ đợi SGK mới có nội dung chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
- Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Sách lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông chưa có lịch sử chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều đáng tiếc. Ngay từ bây giờ, các tỉnh, thành phố có bờ biển cần đưa nội dung này vào lịch sử địa phương của tỉnh, thành đó. Bên cạnh đó, viết giáo trình lịch sử địa phương liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng là việc cần làm ngay.
Những luận cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo có thể đưa vào chương ngoại khóa với nhiều nội dung phong phú mà việc thực hiện nằm trong tầm tay của giáo viên nói riêng và ngành giáo dục địa phương nói chung.
Thực tế thời gian qua vẫn còn tồn tại sai sót về nhận thức, trình bày trong viết sử. Theo tiến sĩ, cần làm thế nào để khắc phục nhược điểm ấy?
- Theo tôi, để khắc phục sai sót cần đặt nặng vấn đề chuyên môn của người nghiên cứu lịch sử. Lâu nay chúng ta chưa thật sự trân trọng người nghiên cứu, kể cả đội ngũ nghiên cứu lịch sử địa phương. Các trường ĐH-CĐ chưa đào tạo tốt để sinh viên trở thành chuyên gia nghiên cứu lịch sử địa phương. Không chỉ riêng trường ĐH mà ngành giáo dục địa phương cũng chưa có biện pháp nào giúp nghiên cứu sâu về lịch sử. Sau năm 1975, có nhiều người nghiên cứu lịch sử địa phương nhưng sau đó không có sản phẩm cũng như con người. Nguyên nhân là do nền giáo dục của chúng ta không quan tâm đến việc tạo hứng thú cho người học, thiếu cơ chế cho người nghiên cứu.
Ở nước ngoài, bất cứ trường ĐH-CĐ nào, một trong những điều kiện cần thiết cho đầu vào của sinh viên là thư tự giới thiệu, trong đó sinh viên ghi rõ sở thích, đam mê của mình. Còn ở Việt Nam, điều này không được quan tâm dẫn đến sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí và hệ lụy là không có con người để nghiên cứu.
Theo tiến sĩ, SGK lịch sử của thế giới có gì khác so với SGK lịch sử của Việt Nam?
- SGK lịch sử lớp 11 của Mỹ có chương về chiến tranh Việt Nam, dày hơn 1.600 trang. Sách khá dày nhưng việc lựa chọn thông tin, trình bày khoa học. Ở mỗi bài có những câu hỏi ngắn, bao quát được ý chính của cả bài. Đặc biệt, còn có những câu hỏi kích thích tư duy học sinh. Nhìn chung, SGK lịch sử Mỹ không quá đơn giản như SGK lịch sử của Việt Nam.
Nhật Bản, Singapore... cũng theo xu hướng của Mỹ. Trong sách có nhiều kỹ thuật liên quan như sơ đồ, biểu đồ, bản đồ minh họa... dễ đọc, tạo hứng thú và xây dựng được văn hóa đọc. Cách dạy của họ chú trọng phương pháp tự học của học sinh, hướng đến nghiên cứu là chính. Học sinh lớp 11 có thể tự dựng được phim theo từng sự kiện, bài học của mình.
Để nội dung lịch sử chủ quyền biển đảo được đưa vào SGK một cách khái quát nhưng đầy đủ, đảm bảo tính chính xác, Bộ GD-ĐT cần có phương án nào?
Bộ GD-ĐT phải tạo điều kiện cho các chuyên gia đi học chuyên môn về viết SGK ở các nước tiên tiến hoặc lập chương trình đào tạo chuyên gia tại chỗ. Được đào tạo một cách bài bản mới có cái nhìn bao quát, từ quá khứ đến hiện tại và có phương pháp cụ thể, kỹ thuật cụ thể trong SGK.
Đào tạo đội ngũ chuyên gia cần một thời gian dài. Theo tiến sĩ chúng ta phải làm gì để “chữa cháy”?
- Như tôi đã nói, người viết sử phải là người giảng dạy bộ môn đó, lớp đó và có thực tế nghiên cứu. Ngành giáo dục địa phương chủ động tạo điều kiện cho giáo viên viết sách tham khảo, giáo trình, đề cương bài giảng của riêng mình. Đây là cơ hội để phát hiện người tài. Muốn phát huy tối đa hiệu quả, hạn chế máy móc thì người phụ trách chuyên môn của trường, nhóm thẩm định là đủ. Từ đề cương bài giảng, giáo trình, sách tham khảo tốt, đến SGK là chuyện dễ dàng thực hiện.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Trần Tuy An (thực hiện)
“Những luận cứ pháp lý về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đưa vào SGK còn là để khơi gợi tình yêu Tổ quốc, cho nên việc chọn lọc tư liệu, trình bày như thế nào để phù hợp với nhận thức của học sinh là điều cần lưu tâm”, tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.