Thứ tư, 4/3/2015, 08h03

Thí sinh cần xác định mục đích tham dự kỳ thi

ThS. Trần Duy Can (chuyên viên Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu
Cuối tuần qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai”do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (TP.HCM). Tại đây, hàng trăm học sinh của trường đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp cặn kẽ các thông tin liên quan đến quy chế thi, quy chế xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015.
Đề thi của hai loại cụm thi có khác nhau?
Mở đầu chương trình, em Nguyễn Đình Tài (học lớp 11B4) đã đặt câu hỏi liên quan đến quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: “Em nghe nói quy chế thi và tuyển sinh năm nay có rất nhiều điểm mới. Liệu hai quy chế này có được áp dụng cho năm sau hay không?”. Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) khẳng định: “Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ được áp dụng từ năm 2015 và có tính ổn định trong khoảng 5-6 năm tới. Vì thế, không chỉ học sinh lớp 12 năm nay mà học sinh lớp 10 và 11 cũng cần phải nghiên cứu những thay đổi này để tránh khỏi bỡ ngỡ cho những năm sắp tới”.
Cũng liên quan đến quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Đặng Thanh Thủy (học lớp 12A3) băn khoăn: “Cụm thi địa phương khác cụm thi do trường ĐH tổ chức thế nào? Khi tổ chức thi thì đề của 2 loại cụm này có gì khác nhau không?”. Ông Nguyễn Quốc Cường phân tích: Cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì, dành cho những thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, không đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Còn cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Tuy nhiên, khi tổ chức kỳ thi, cả 2 cụm thi này đều sử dụng chung một đề thi được Bộ GD-ĐT thống nhất trên toàn quốc nên không có chuyện thi ở địa phương dễ hơn thi ở cụm do trường ĐH chủ trì. Cả hai loại cụm thi đều có sự phối hợp giữa các trường ĐH và sở GD-ĐT trong việc điều động cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi, tham gia các khâu trong việc tổ chức kỳ thi… Thí sinh tham dự ở các cụm thi đều phải chấp hành những quy định thống nhất có trong quy chế vừa ban hành. Do đó, độ tin cậy, khách quan ở cả hai loại cụm thi đều sẽ được quan tâm và đảm bảo.
Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm: “Ngoài điểm khác biệt về mục đích sử dụng kết quả thi, một điểm khác biệt cơ bản nữa là những thí sinh dự thi tại cụm do trường ĐH chủ trì có thể phải đi xa hơn vì các cụm thi này sẽ có ít nhất thí sinh của hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh) cùng tham dự. Còn nếu dự thi tại cụm địa phương, thí sinh có thể được thi tại trường phổ thông nơi các em đã học, hoặc thi tại địa điểm trên địa bàn gần nơi cư trú”.
Trả lời câu hỏi của một HS lớp 12 về thời gian đăng ký môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia, ThS. Trần Từ Duy (Trưởng phòng Hướng nghiệp việc làm ĐHQG TP.HCM) cho biết: Theo quy chế kỳ thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố, thời gian thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi dự kiến là ngày 1-4, thời gian kết thúc đăng ký dự thi là ngày 30-4. Khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý xác định mục đích tham dự kỳ thi (thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, chỉ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay cả hai mục đích) và phải đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi. Thí sinh cũng cần phải xác định chính xác số môn thi và đăng ký chính xác các môn thi đó.
Phải xác định ngành học trước
“Cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì, dành cho những thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, không đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ”, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Dù chỉ mới học lớp 11 nhưng nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu rất quan tâm tới việc lựa chọn ngành nghề. Em Đặng Phương Cúc (học lớp 11B7) băn khoăn: “Em học rất tốt môn văn, môn hóa học cũng được, môn tiếng Anh cũng rất thích. Hiện tại, em không biết mình nên chọn khối thi nào trong tương lai”. Về vấn đề này, ThS. Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và tư vấn tâm lý Ý Tưởng Việt) cho rằng việc trước mắt của em chưa phải là lựa chọn khối thi mà là nghề mình yêu thích. “Khi lựa chọn được nghề mình yêu thích, em sẽ thực hiện bước tiếp theo là chọn ngành học. Em nên lưu ý là một nghề có thể có nhiều ngành học cùng đào tạo. Ví dụ, muốn làm phóng viên, biên tập viên… không chỉ có chuyên ngành báo chí mà em có thể theo học ngành ngôn ngữ, văn hóa học, xã hội học... Một ngành đào tạo sẽ xét tuyển các khối thi, tổ hợp bộ môn thi phù hợp. Căn cứ vào các tổ hợp môn xét tuyển, em sẽ đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho mình”, ThS. Đào Lê Hòa An nói.
Ở khía cạnh lựa chọn ngành nghề, em Phạm Quốc Toàn (học lớp 12A7) hỏi: “Em nghe nói học ngành nông nghiệp ra trường lương sẽ không cao bằng học ngành kinh tế?”. ThS. Nguyễn Trọng Thể (đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) khẳng định: Quan điểm những người làm ở lĩnh vực liên quan đến ngành nông nghiệp có thu nhập thấp hơn ngành kinh tế chưa hẳn đã đúng, vì hiện nay nhiều kỹ sư nông nghiệp có mức lương rất cao. Ngành nông nghiệp hiện nay cũng đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao. “Việt Nam là quốc gia có ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế quốc gia (hơn 75%). Tuy nhiên, đại đa số mức sống của người nông dân Việt Nam hiện nay còn chưa cao, thậm chí một số vùng còn thấp hơn chuẩn so với quy định. Vì vậy, tôi cho rằng, việc các em nghiên cứu, tìm ra các giải pháp, phương pháp để nâng cao đời sống, năng suất mùa màng để nâng cao mức sống cho bà con nông dân là việc làm rất ý nghĩa. Hơn nữa, theo xu hướng hiện nay, chúng ta có thể nghiên cứu và thực hiện các mô hình “thành phố nông nghiệp”. Đây cũng là xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công, cải thiện rõ rệt kinh tế nông nghiệp tại các quốc gia đó”, ThS. Nguyễn Trọng Thể cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia
Em Nguyễn Thảo Linh (học lớp 12A8) hỏi: “Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay như thế nào? Ngành sư phạm tiếng Anh và ngành giáo dục tiểu học tuyển sinh ra sao?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Ngọc Tứ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: Năm 2015, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hoàn toàn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia cho việc xét tuyển vào trường. Ngành sư phạm tiếng Anh tuyển 120 chỉ tiêu, xét tuyển khối D1. Ngành giáo dục tiểu học tuyển 200 chỉ tiêu, xét tuyển khối A, A1, D1 và tổ hợp bộ môn toán, ngữ văn, lịch sử. Trường chỉ xét tuyển những thí sinh có hạnh kiểm khá ở tất cả các học kỳ ở bậc THPT.