Thứ ba, 17/5/2011, 09h05

TP.Hồ Chí Minh: Chưa bế giảng đã lo học hè

Đợt kiểm tra học kỳ 2 mới kết thúc, học sinh vừa thoát khỏi các lớp học thêm buổi tối thì đã phải gồng mình chạy sô ở các lớp học hè, học ôn, học bồi dưỡng...

Mùa hè chưa chính thức bắt đầu, nhưng học kỳ thứ ba của học sinh đã khởi động từ lâu, bởi theo nhiều phụ huynh thì không đăng ký sớm sẽ hết chỗ, hết lớp dành cho con em mình.    

Học kỳ thứ ba
Gần cuối tháng 5.2011, nhiều trường mới chính thức nghỉ hè, nhưng ngay từ tháng 4, các lớp hè đã bắt đầu nhận học viên, thu học phí khóa hè. Tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa (TTBDVH) trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 (TPHCM) thì đến ngày 27.5 sẽ hoàn tất các thủ tục nhận học viên, kết thúc việc thu học phí.
Vừa thoát khỏi trường, học sinh lại lọt vào trung tâm bồi dưỡng văn hoá.
Theo lời giám thị của TT thì đây là thời điểm “nóng” nhất và khó khăn nhất để đăng ký được một suất học. Vì theo yêu cầu của TT, học sinh đăng ký học hè tại đây phải xuất trình sổ liên lạc, bảng điểm để chuẩn bị cho kỳ thi xếp lớp, nên khi các trường vừa phát sổ liên lạc thì phụ huynh cấp tốc đến đăng ký ngay. Vị giám thị còn khuyên: “Muốn cho nhanh thì nên đến đăng ký trực tiếp, đừng nghĩ đến việc liên lạc qua điện thoại vì rất đông người đăng ký, điện thoại không gọi được đâu”.
Khóa học hè kéo dài từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8, thời gian đăng ký, thi xếp lớp tại các TTBDVH từ ngày 3.5 đến ngày tập trung nhận lớp, nên nhiều học sinh vừa thoát khỏi trường đã lọt ngay vào TT.
Sau hai học kỳ, học sinh lại chuẩn bị vào "học kỳ 3" tại các lớp học thêm, dạy thêm, bồi dưỡng, luyện thi... Ảnh: Giang Huy
Chị Dung - có con học ở Trường Tiểu học Trần Văn Đang, quận 3 đến đăng ký lớp hè cho con tại TTBDVH  Lý Tự Trọng - cho biết: “Khóa hè dành cho học sinh lớp 5 phải học ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, hơi xa nhưng mà đợi lớp hè do trường mở thì lâu quá. Để con ở nhà không ai lo, với lại cho đi học sớm thì biết nhiều hơn. Học ở đây cho quen đi, đến hè năm sau vào lớp luyện thi lớp 6 là vừa”.
Chương trình học, nội quy ở các lớp hè nặng nề không kém ở trường. Học sinh phải học 2 buổi/ngày và đảm bảo phải đủ từ 45 đến 60 tiết/tuần/môn. Học sinh nghỉ học, vào lớp muộn, ra lớp sớm đều có giấy xin phép kèm chữ ký của phụ huynh. Một học sinh sau khi trình bày lý do vắng buổi học với giám thị, ngao ngán: “Ngoài giờ học trên lớp buổi tối phải đến lớp học thêm. Hè thì được chuyển sang lớp ngày, mệt mỏi nhưng nghỉ một buổi phải có giấy xin phép còn khó khăn hơn cả ở trường”.
Đua nhau vào lớp luyện thi
“Đặc sản” ở các TTBDVH là các lớp luyện thi chuyển cấp vào trường chuyên, lớp chọn. Các TT luyện thi vào các lớp đầu cấp nhanh chóng mọc lên. TTBDVH trên đường Lý Tự Trọng, lớp luyện thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa luôn đặc kín chỗ. Mặc dù ngày 17.5 mới khai giảng, nhưng từ ngày 13, TT đã không còn nhận học viên.
Cùng luyện thi vào lớp 6, TT văn hóa ngoài giờ của trường Trần Đại Nghĩa bắt đầu mở lớp luyện thi dành cho học sinh vừa “tốt nghiệp tiểu học” từ ngày 19.5 đến 27.6 và học phí trọn khóa cho 3 môn thi tuyển toán - văn - tiếng Anh là 780.000 đồng/khóa. Tại TTBDVH Việt Học, quận 3, với 2 môn văn, toán học sinh đăng ký luyện thi vào lớp 6, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa phải đóng học phí mỗi môn là 500.000 đồng/khóa, bắt đầu từ giữa tháng 5 nhưng số lượng học sinh đăng ký vẫn đông nghẹt.
“Đắt hàng” nhất là các lớp luyện thi vào lớp 10 dành cho học sinh lớp 9. Khai giảng từ ngày 3.5, lớp luyện thi vào các trường chuyên của TP tại TTBDVH Lý Tự Trọng đến nay đã đi được hơn nửa chặng đường. Nhiều trường phổ thông cũng mở các
TTBDVH nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh muốn thi tuyển vào trường. TTBDVH Lê Hồng Phong có học phí 3 môn toán, văn, Anh là 1.200.000 đồng cộng thêm 200.000 đồng cho môn chuyên học 2 buổi/tuần. Dù đã cho con học bồi dưỡng, học hè từ lớp 6 đến nay, nhưng vẫn không an tâm nên chị Phương quyết định đăng ký cho con học lớp ôn luyện trọng tâm tại TTBDVH Trường Phổ thông Năng khiếu. Chị chia sẻ: “Nhiều lúc thấy con mệt lử vì hết chạy từ trường này đến TT khác, nhưng muốn vào trường năng khiếu, trường chuyên đâu phải dễ, người ta học ào ào, mình không học thì chỉ có nước rớt”.
Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên của Trường Phổ thông Năng khiếu cho rằng: “Có một điều nghịch lý là học sinh càng giỏi thì càng phải đi học để thi vào “trường top”, nhiều phụ huynh lẫn học sinh dù mệt mỏi phải học quá nhiều, nhưng thấy người khác học mà mình không học lại không an tâm. Còn trường chuyên, lớp chọn thì học sinh vẫn phải cật lực chạy sô. Lớp chồi còn luyện thi để vào lớp một thì luyện thi vào lớp 6, lớp 10 xem ra vẫn còn bình thường”.   
Lê Tuyết / Lao Động