Chủ nhật, 14/9/2014, 20h09

Trượt “cửa” ĐH, vào cổng trường nghề

Các thành viên Ban tư vấn giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh tại tỉnh Đồng Nai
Trong khi “cửa” vào ĐH, CĐ khép chặt đối với những thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn thì lối vào các trường nghề, TCCN vẫn tiếp tục rộng mở để đem đến cho các em cơ hội thiết thực khác.
Trong các ngày 12, 13 và 14-9, chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển CĐ nghề, TCCN, TC nghề 2014 chủ đề “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bến Tre tổ chức đã giải tỏa “nóng” những thắc mắc đa dạng của thí sinh.
Học bậc thấp vẫn thành công cao
Mọi năm, các thí sinh trượt ĐH, CĐ với mức dưới điểm sàn thường tập trung chọn học các trường nghề và TCCN hoặc thi ĐH lại. Năm nay, được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, 62 đề án tuyển sinh riêng đang tăng tốc “chạy” tại các trường ĐH, CĐ với lượng thí sinh khá đông. Thông qua những đề án này, không ít thí sinh dù đã trượt ĐH, CĐ tại kỳ thi “3 chung” với mức điểm dưới sàn vẫn còn khả năng vào ĐH lần nữa nếu đáp ứng đủ các tiêu chí quy định về điểm số các năm học phổ thông, điểm thi tốt nghiệp THPT… Dù có thêm cơ hội như vậy, nhưng các thành viên trong Ban tư vấn của chương trình vẫn khuyến cáo thí sinh biết lượng sức và cân nhắc kỹ.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhận định, thị trường lao động sắp tới sẽ có sự đảo chiều. Người lao động dù xuất phát thấp nhưng phấn đấu tốt vẫn có thể thành công cao. Trong khi ngược lại, những lao động vốn có xuất phát cao nhưng nỗ lực chậm chạp vẫn có thể mất chỗ đứng. Ông Tuấn nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để người thanh niên vào đời chính là có nghề nghiệp. Mặc dù bằng cấp cũng là một trong các điều kiện cần thiết trong tuyển dụng nhưng đó chưa hẳn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khả năng thực thụ, kỹ năng, tay nghề của người lao động mới thực sự “ghi điểm”. Cũng theo ông Tuấn, lao động bậc ĐH hiện có mức độ cạnh tranh rất căng thẳng. Trong khi đó, bậc TC lại lợi thế ở việc cạnh tranh nhẹ nhàng, cơ hội việc làm thuận lợi.
“Trước thực trạng nhiều cử nhân ĐH thất nghiệp hoặc trầy trật kiếm việc làm như hiện nay, thí sinh nên định hướng rõ ràng trong lựa chọn ngành nghề cũng như bậc học, sao cho có thể chạm được lĩnh vực mình yêu thích đồng thời đạt được cơ hội việc làm sau khi ra trường, không nhất thiết đặt nặng vấn đề học trình độ nào”,  ThS. Phan Dũng Danh (Hiệu trưởng Trường TC Tổng hợp Đông Nam Á) lưu ý.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) cũng nhìn nhận, đa số học sinh tốt nghiệp bậc THCS lựa chọn ngành nghề theo cảm tính vì vậy nhất thiết cần có hướng dẫn, định hướng cha mẹ, thầy cô. Học sinh tốt nghiệp THPT có phần chín chắn hơn nhưng cũng cần cân nhắc kỹ nhiều khía cạnh để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
“Lấn sân” thị trường lao động quốc tế
Một học viên tốt nghiệp điều dưỡng mỗi ngày nhận tắm cho 3 trẻ sơ sinh, thu nhập hàng tháng khoảng trên chục triệu đồng. Đó là những công việc mà bản thân người học có thể tự tìm kiếm, trong điều kiện khó xin được vào các bệnh viện, trung tâm y tế. Thực tiễn này được ThS. Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng) nêu ra. Bên cạnh đó, người học lĩnh vực này còn có thể lập nhóm để nhận chăm sóc các bệnh nhân cao tuổi, đảm đương thay cho người nhà của họ vốn không được trang bị bài bản kiến thức liên quan.
Không chỉ vậy, ThS. Trần Thị Thúy Hằng (Phó hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn) khẳng định, người học ngành này bên cạnh việc đào sâu kiến thức chuyên môn, chịu khó trang bị ngoại ngữ sẽ có cơ hội mở rộng khả năng tìm kiếm việc làm ra cả thị trường lao động thế giới. Hiện nay, thị trường lao động ở Đức, Nhật… đang có nhu cầu cao nên được người học ngành này hướng tới.
ThS. Phan Dũng Danh cũng cho rằng, xu hướng liên kết đào tạo quốc tế đối với ngành điều dưỡng cũng đang trở thành hướng đi của nhà trường, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho lực lượng lao động. Ông Danh thống kê, dù mới chỉ sau vài khóa đào tạo nhưng thời gian qua, đã có trên 750 học viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại trường được nhận làm việc tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế.
Được biết, các mùa tuyển sinh gần đây, nhóm ngành y dược, trong đó có điều dưỡng thu hút rất đông người học, không kể bậc TC hay ĐH, CĐ.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) nhận định, toàn kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua, cả nước chỉ có khoảng 1/3 lượng thí sinh trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1. Số thí sinh này cũng đã chính thức nhập học. Lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên nhưng không đậu NV1 hiện cũng đang tiếp tục tham gia xét tuyển bổ sung. Riêng những em có kết quả thi dưới sàn, có thể vào đời bằng những con đường nào? Các chuyên gia dự báo nhân lực, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, đại diện các trường TCCN, trường nghề thông qua chương trình đã cung cấp thông tin phong phú, giải tỏa băn khoăn giúp các thí sinh này tìm được cơ hội học tập thuận lợi. Ông Tú cho rằng, thực tế, ĐH không phải con đường duy nhất. Thời gian qua, đã có không ít người thành đạt, thành công cao dù bước ra từ trường TC, trường nghề.