Thứ hai, 17/8/2009, 09h08

Những trường ĐH, CĐ “khát” thí sinh

Không tuyển sinh rầm rộ như những trường ĐH lớn, chỉ tiêu của những trường này chỉ vài trăm sinh viên. Dù ít ỏi là vậy, nhưng năm nào cũng không đủ chỉ tiêu. Năm nay, Bộ GD-ĐT lại siết chặt điểm ưu tiên khiến những trường này càng gieo neo hơn bao giờ hết.

Ghi danh xét tuyển NV2 vào đại học.
Đua nhau xin nâng điểm ưu tiên
Tháng 2/2009, Bộ GD-ĐT ra thông tư sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Theo đó, mức điểm chênh lệch giữa các đối tượng không quá 1,5 điểm, giữa các khu vực không quá 1 điểm. Đây khung điểm ưu tiên dành cho các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số hoặc đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nhân lực cho địa phương.
Nếu theo quy chế trước khi sửa đổi thì mức chênh lệch giữa các nhóm đối tượng được lên đến tối đa 2 điểm (dành cho các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số), mức chênh lệch điểm giữa các khu vực (dành cho các trường đào tạo nhân lực cho địa phương) được lên đến tối đa 2 điểm.
Thông thường, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Thang điểm mới như vậy là đã siết chặt điểm trúng tuyển của các thí sinh. Điều này đặt các trường vào tình trạng không đủ chỉ tiêu và có thể dẫn đến tình trạng bỏ đi vài chuyên ngành, không đào tạo vì không đủ lượng sinh viên
Chính vì vậy, ngay sau khi Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn ĐH, CĐ thì nhiều trường đã nhanh chân xin nâng điểm ưu tiên giữa các khu vực hoặc đối tượng.
Cho đến ngày 14/8/2009, thì đã có khoảng 10 trường xin nâng điểm ưu tiên như ĐH Tây Nguyên, ĐH Tây Đô (Cần Thơ), ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) , ĐH Quảng Bình, ĐH Phan Thiết (Bình Thuận); ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), CĐ Đức Trí (Đà Nẵng)…
Hầu hết đây là những trường mới thành lập hoặc là đại học vùng như ĐH Phan Thiết (ra đời tháng 3/2009). Tuy nhiên, có những trường như ĐH Yersin Đà Lạt, đã qua 6 mùa tuyển sinh nhưng năm nào cũng thiếu sinh viên, chỉ đạt khoảng 80% chỉ tiêu cho phép. Ngành học nào cũng thiếu trước hụt sau, ThS Phan Nam, Trưởng phòng đào tạo của trường cho biết.
NV1: Chẳng có thí sinh nào đậu
Trở lại tình hình của các trường ĐH, CĐ trong mùa tuyển sinh năm 2009 này, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều điều bất ngờ. Chẳng hạn như ở trường ĐH Tây Nguyên, có những ngành học điểm cao chót vót nhưng có ngành lại chẳng có thí sinh nào đậu. Theo lời ông Nguyễn Văn Hòa, trưởng phòng đào tạo thì không phải đây là những ngành ít thí sinh mà lượng đăng kí dự thi có khi lên đến 700-800 thí sinh nhưng điểm thi quá thấp, dưới mức điểm sàn.
Theo lời ông Nguyễn Văn Hòa, những ngành sư phạm năm nào cũng đủ NV1 cả, điểm chuẩn mọi năm bao giờ cũng ở mức 18 điểm. Thậm chí, ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Tây Nguyên có điểm chuẩn khá cao là 21,5 (nếu so với những ngành khác cùng trường).
Tuy nhiên, năm nay trường phải xét tuyển NV2 đến 15 ngành hệ đại học, 5 ngành hệ cao đẳng với mức điểm bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Có những ngành như Triết học, thi khối C chỉ có 8 em đậu NV1, thi khối D1, thì không có em nào đủ điểm sàn. Hoặc ngành Chăn nuôi - thú y, thi khối B, chỉ có 9 em đậu (dù lấy điểm NV1 bằng điểm sàn).
Ngành Kinh tế nông lâm chỉ có 2 thí sinh thi khối D1 đủ điểm NV1, Ngành Chế biến và bảo quản nông sản chỉ có 6 thí sinh thi khối A đủ điểm NV1.
Chính vì thế, để có thể xét thêm 780 sinh viên hệ ĐH và CĐ, trường đã xin Bộ GD-ĐT để nâng mức chênh lệch điểm ưu tiên giữa các đối tượng lên 1,5 điểm, mức chênh lệch giữa các khu vực vẫn là 0,5 điểm.
Xóa bỏ ngành học vì không đủ sinh viên
Tình hình của trường ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) còn gian nan hơn nữa. Năm 2008, vừa mới ra đời nên đợt tuyển sinh năm ngoái trường không có thí sinh nào đậu NV1, phải chờ đến đợt xét tuyển NV2 và 3 thì mới đạt được 800 em sinh viên. Nhưng đến khi nhập học chỉ còn lại 535 sinh viên.
Theo lời cô Lê Thị Hà, phó hiệu trưởng trường thì đa phần các em thích học ở các trường cao đẳng ở quê hơn nên đã không nhập học. Chính vì vậy, ngành Anh văn năm 2008 chỉ có 4 sinh viên và trường đã vận động các em nộp hồ sơ vào ngành học khác cùng khối D1 của trường. Nguyên nhân theo cô Lê Thị Hà chính là vì khả năng học ngoại ngữ của các em còn quá yếu chứ không phải là ít thí sinh thi vào ngành này.
Chính vì vậy, năm nay mức chênh lệch điểm giữa các đối tượng ưu tiên là 1 điểm, còn giữa các khu vực là 1 điểm (điểm ưu tiên KV1 là 3, KV2NT là 2, KV2 là 1, KV3 là 0). Năm nay, NV1 của trường đã được 400 sinh viên. Trường đưa ra điều kiện xét tuyển là ưu tiên những hồ sơ NV2 đến sớm.
Ngay từ khi nhận hồ sơ xét tuyển NV2 vào ngày 25/8, trường sẽ thông báo ngay cho thí sinh khả năng trúng tuyển vào trường. Xét tuyển gấp gáp như thế này, theo lời cô Lê Thị Hà là để trường thông báo nhập học sớm, nếu không đủ thì trường còn có khả năng xét NV3 nữa.
Tình trạng có thiếu trước hụt sau lượng sinh viên như thế, còn xảy ra ở các trường như ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) hay trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng), mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 90% so với chỉ tiêu được giao. Những trường này cũng đã xin Bộ GD-ĐT được hưởng mức tối đa điểm ưu tiên khu vực và đối tượng tuyển sinh.
Hiếu Hiền (dan tri)